An toàn thực phẩm hôm nay

Đẩy mạnh hoàn thiện tiêu chuẩn hóa về phát triển nông nghiệp hữu cơ

Hệ thống nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới khi áp lực về lương thực giảm đi, trong khi áp lực về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường ngày càng tăng.

Theo công bố của Liên đoàn các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM) 2018, đến năm 2016 đã có 178 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện NNHC. Toàn thế giới có 57,8 triệu ha đất canh tác NNHC, trong đó châu Đại dương, châu Âu và Mỹ chiếm 80%. Diên tích đất hữu cơ năm 2016 đã tăng 5 lần so với năm 1999 (11 triệu ha). Thị trường thực phẩm hữu cơ trên thế giới cũng có sự tăng trưởng đáng kể (97 tỷ USD), trong đó khu vực bắc Mỹ (48,7 tỷ USD) và châu Âu (39,6 USD) chiếm 90% thị phần. Năm 2018 có 93 quốc gia quy định về sản xuất hữu cơ, 16 quốc gia đang xây dựng dự thảo quy định.

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương”. Về nguyên tắc, nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng các mục tiêu sau đây:

a) Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống;

b) Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất;

c) Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại;

d) Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh;

e) Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...);

f) Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh;

g) Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

Thực tế cho thấy, tiếp cận tiêu chuẩn hóa để giải bài toán phát triển NNHC bền vững theo đúng với bản chất nêu trên của nó để đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội đã trở thành xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Trong nhiều năm qua, hoạt động tiêu chuẩn hóa bao gồm xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp (công nhận, chứng nhận, thử nghiệm) luôn đồng hành với quá trình phát triển NNHC trên thế giới và tại nhiều quốc gia đặc biệt là tại các nước phát triển. Nhiều tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia, quy phạm thực hành và chương trình chứng nhận sản phẩm NNHC đã được các tổ chức quốc tế IFOAM, CAC (Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm của WHO và FAO), các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia ban hành và được áp dụng có hiệu quả tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Có thể nói tiêu chuẩn hóa đang đóng một vai trò quyết định trong sự phát triển bền vững của NNHC và đã góp phần xây dựng lòng tin trên thị trường và tạo thuận lợi hóa cho thương mại các sản phẩm NNHC trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã ra nhiều quyết sách, chủ trương và nhấn mạnh sự cần thiết về phát triển NNHC thể hiện trong nhiều văn kiện hội nghị TW, Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng, Nghị quyết của Chính phủ, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris năm 2016…. Gần đây, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và triển khai đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai doạn 2020-2030” để thực hiện các chủ trương, chính sách nêu trên.

Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích của NNHC trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu đã được nâng cao. Phong trào làm “hữu cơ” đang bùng nổ ở Việt Nam vài năm trở lại đây với nhiều hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, trong thực tế, nhận thức và thực hành về NNHC ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

Để hỗ trợ cho sự phát triển NNHC bền vững, bên cạnh các biện pháp thúc đẩy nâng cao nhận thức và kỹ năng canh tác NNHC của Bộ NN & PTNT và các cơ quan, ban ngành có liên quan, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ đạo triển khai các hoạt động cụ thể để xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn về NNHC cũng như triển khai hoạt động chứng nhận sản phẩm NNHC đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của thị trường.

Bắt đầu từ năm 2016, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ được tổ chức thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, IFOAM...) và tiêu chuẩn của các nước có nền NNHC phát triển như Mỹ, EU, Nhật cùng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Trung Quốc…. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm các TCVN về yêu cầu chung đối với NNHC và chứng nhận sự phù hợp; các tiêu chuẩn đối với một số sản phẩm hữu cơ đặc thù, có tiềm năng tiêu thụ và xuất khẩu lớn trên thị trường với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp thương hiệu quốc gia, cụ thể bao gồm:

- TCVN 11041-1:2017, Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,

- TCVN 11041-2:2017, Phần 2: Trồng trọt hữu cơ,

- TCVN 11041-3:2017, Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ,

- TCVN 12134:2017: Nông nghiệp hữu cơ-Yêu cầu đối với các tổ chức chứng nhận

- TCVN 11041-5:2018, Phần 5: Gạo hữu cơ,

- TCVN 11041-6:2018, Phần 6: Chè hữu cơ,

- TCVN 11041-7:2018, Phần 7: Sữa hữu cơ,

- TCVN 11041-8:2018, Phần 8: Tôm hữu cơ

Bên cạnh đó, các chương trình chứng nhận sản phẩm NNHC cũng đã được các đơn vị chứng nhận của Tổng cục TCĐLCL và các tổ chức chứng nhận khác triển khai đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đây là cơ sở quan trọng để người nông dân thực hành NNHC và các cơ quan quản lý chức năng thực hiện việc quản lý sản xuất, kinh doanh các sản phẩm NNHC theo các quy định của pháp luật hiện hành trong thời gian tới.

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/lists/day-manh-hoan-thien-tieu-chuan-hoa-ve-phat-trien-nong-nghiep-huu-co)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY