Điều trị cho trẻ nhỏ nhiễm COVID-19 như thế nào?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết việc điều trị cho trẻ nhỏ nhiễm COVID-19 không khác biệt quá nhiều so với người lớn.
Ca nhiễm thứ 15 tại Việt Nam là một bé gái 3 tháng tuổi ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị lây bệnh từ bà ngoại. Trước đó, bà ngoại lây từ một trường hợp dương tính là nữ công nhân từ TP Vũ Hán về.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam cho hay, việc trẻ nhỏ nhiễm bệnh không phải là điều nằm ngoài dự đoán. Theo thống kê thì tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh ít hơn, chứ không phải trẻ nhỏ không có khả năng bị lây.
“Bản chất việc lây bệnh là có tiếp xúc hay không với nguồn bệnh nên bất cứ ai cũng có khả năng lây. Trẻ do ít đi lại nên được đánh giá là khả năng lây nhiễm thấp hơn”- PGS.TS.Trần Đắc Phu nói.
Theo PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được đầy đủ vì sao tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 lại thấp hơn các nhóm khác do các dữ liệu liên quan đến đặc điểm môi trường, miễn dịch của trẻ, đặc điểm của virus vẫn đang được nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người thân nên giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ để hạn chế nguy cơ lây bệnh. Đặc biệt, với những trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cần giữ gìn sạch sẽ vệ sinh cá nhân của trẻ, vệ sinh môi trường và tiêm phòng cho trẻ đầy đủ.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc điều trị cho trẻ nhỏ nhiễm COVID-19 không khác biệt quá nhiều so với người lớn. Nguyên tắc chung vẫn là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.
Hiện trẻ và mẹ được cách ly tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên. Đoàn chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương đã về Bình Xuyên cùng y bác sĩ tuyến dưới thăm khám cho trẻ và cũng đã “kích hoạt” cập nhật thông tin qua zalo để trao đổi về tình hình của trẻ. Trẻ chỉ có biểu hiện ho và chảy nước mũi, chưa có biểu hiện về lâm sàng ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Nếu trẻ diễn biến nặng lên, Bệnh viện Nhi Trung ương - nơi có nhiều kinh nghiệm về điều trị sẽ tổ chức tiếp nhận điều trị cho bé”- PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Cũng theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân ở Việt Nam "hoàn toàn hợp lý", đúng với đặc tính của căn bệnh COVID-19. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân Tu vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Trong phác đồ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế cũng có phần hướng dẫn chăm sóc khi trẻ nhiễm bệnh. Trong đó quy định cụ thể trẻ nhỏ nhiễm virus này có những dấu hiệu nào thì được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, viêm phổi nhẹ, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển…
Chẳng hạn, người lớn và trẻ lớn được chẩn đoán bị viêm phổi nặng khi bị viêm phổi kèm theo nhịp thở >30 lần/phút, khó thở nặng hoặc chỉ số oxy trong máu <90% khi thở khí phòng.
Trong khi ở trẻ nhỏ là có biểu hiện ho hoặc khó thở và có ít nhất một trong các dấu hiệu như tím tái hoặc chỉ số oxy trong máu <90%, suy hô hấp nặng (thở rên, rút lõm lồng ngực). Hoặc trẻ được chẩn đoán viêm phổi và có bất kỳ dấu hiệu nặng như: không thể uống/bú được, rối loạn ý thức (li bì hoặc hôn mê), co giật. Có thể có các dấu hiệu khác của viêm phổi như rút lõm lồng ngực, thở nhanh.
Về điều trị, nếu trẻ bị suy hô hấp ở mức độ nhẹ-vừa thì sẽ được cho thở oxy để đạt đích là chỉ số oxy trong máu > 92%. Nếu trẻ có dấu hiệu cấp cứu như khó thở nặng, tím tái, sốc, hôn mê, co giật… cần cung cấp oxy trong quá trình cấp cứu để đạt đích là số oxy trong máu > 94%.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Mạng Y Tế