PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng trường ĐH Y dược TPHCM đã chia sẻ về các phương pháp nhà trường triển khai khi cho sinh viên, giảng viên quay lại dạy và học.
“Mỗi sinh viên hôm nay đều đã làm bảng khảo sát online để phân loại, chỉ sinh viên có sức khoẻ đảm bảo mới đi học. Ngoài ra, 3 tuần nay nhà trường cũng xây dựng nhiều biện pháp và truyền thông để sinh viên, giảng viên biết cách phòng ngừa. Đồng thời, các phòng học và ký túc xá đã được khử khuẩn hết nhiều lần. Thống nhất giảng đường không mở máy lạnh. Trường cũng đã chuẩn bị sẵn nước rửa tay ở thang máy, trước phòng học và cả nhà vệ sinh. Mỗi sinh viên của trường được cấp một chai xịt rửa tay 60ml, khi hết thì gặp trưởng khối để lấy thêm”, ông Tuấn nói.
Đối với vấn đề khẩu trang thì mỗi sinh viên đăng ký mua trường hỗ trợ nguồn, riêng sinh viên ở ký túc xá được phát miễn phí 4 cái khẩu trang vải. Toàn bộ giảng viên cũng được phát miễn phí. Tuy nhiên, đây chỉ là dự phòng chứ không sử dụng lúc này.
“Vì căn cứ lý do y học thì theo hướng dẫn của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) và Bộ Y tế cũng đều khuyến cáo không đeo trong môi trường này; còn lý do về mặt phòng chống và kinh tế nếu đeo khẩu trang lúc này thì lúc đỉnh điểm dịch lấy đâu ra, lúc đó nguồn cung cấp nguy cơ không đủ”, ông Tuấn lý giải.
“Nếu lên tầng 5 trở nên mới sử dụng, còn lại sử dụng thang bộ. Trong lúc đi thang máy thì không được nói chuyện, vào lớp học sẽ phân theo nhóm ngồi và được chụp hình lại. Điều này để giám sát trong trường hợp em nào bệnh sẽ khoanh vùng phát hiện các bạn xung quanh có nguy cơ. Tất cả các tay nắm cửa đều được trường vệ sinh 2 lần/ngày. Micro của giảng viên sau khi giảng xong đều được thu lại để lau chùi bằng dung dịch y tế", ông Tuấn cho biết.
PGS.TS. BS Ngô Thị Quỳnh Lan - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, ở phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt (nha khoa) bình thường có đông sinh viên thực học. Bởi đây là khu vực điều trị dành cho đào tạo, sinh viên tham gia vào công tác điều trị cho bệnh nhân đã qua giai đoạn tiền lâm sàng. Nhưng theo yêu cầu của nhà trường, trong thời điểm đang có dịch bệnh thì cố gắng giãn cách ra, tránh đông sinh viên cùng lúc.
“Hôm nay (9/3), 100% sinh viên quay lại tuy nhiên chúng tôi chỉ đạo chừng nào có bệnh nhân đến các em mới vào khu điều trị, không để mật độ sinh viên tập trung quá đông”, bà Quỳnh Lan nói.
Cũng theo bà Lan, ở khu vực này, sinh viên nào ngồi vị trí em đó. Khoa có hồ sơ lưu lại vị trí ngồi của sinh viên để bất kỳ sự cố nào xảy ra thì có thể nhanh chóng truy ra. Mỗi ngày sinh viên sẽ đăng ký vị trí ngồi vào danh sách.
Bà Lan cho biết thêm, tại khu điều trị này, ngoài các bệnh nhân mới thì vẫn có những bệnh nhân cũ điều trị từ trước Tết. Lịch học của sinh viên là tịnh tiến, nghỉ tuần nào sẽ bù tuần đó, còn lịch điều trị của bệnh nhân ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lúc sinh viên nghỉ không tham gia điều trị thì thầy cô của khoa trực và đảm bảo tiến độ điều trị cho bệnh nhân.
Trong tuần lễ này, trường chỉ tập huấn cho sinh viên về phòng chống dịch, hiểu và biết cách phòng chống Covid-19, bảo vệ cộng đồng, không thực hành tại bệnh viện. Phần lý thuyết học bằng e-learning, nếu bắt buộc phải học ở trường thì chia nhóm nhỏ và giảm thiểu tối đa số lượng người tập trung cùng lúc. Các khoa đều rải ra khắp nơi chứ không tập trung về cơ sở chính của trường để tránh sinh viên cùng lúc học quá đông.
Chủ đề liên quan:
chuẩn bị ĐH Y Dược ĐH Y dược TPHCM Dịch Covid 19 trường ĐH trường đh y trường ĐH Y dược TPHCM y dược