Vì sao Đức Phật chế ngũ giới cho Phật tử tại gia?
Đức Phật là bậc Thức tỉnh (Buddho) trong cuộc đời. Giữa lúc cả nhân loại còn đang say ngủ thì Ngài đã lặng lẽ rời hoàng cung, một mình cỡi ngựa lao thẳng về hướng mặt trời mọc để thực hiện hoài bão tìm cầu chân lý giải thoát. Ngài được tôn xưng là bậc Giác ngộ (Buddho) bởi Ngài đã tỉnh ra cơn mộng khủng khiếp của vòng sinh tử luân hồi và đã tìm ra con đường thoát ly cơn mộng hãi hùng ấy của kiếp nhân sinh. Bản kinh Thành ấp thuộc tuyển tập Tương ưng bộ ghi nhận các biểu hiện ưu tư đi đến thức tỉnh của Thế Tôn:
“Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị ch*t, bị đoạn diệt và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già ch*t; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già ch*t?”[1].
Vào một dịp khác, dấu hiệu thức tỉnh của Ngài càng bộc lộ mạnh hơn, thôi thúc ý chí xuất gia tìm cầu chân lý giải thoát:
“Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị ch*t lại tìm cầu cái bị ch*t, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bi ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, hãy tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, hãy tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ch*t, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị ch*t, hãy tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, hãy tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn” [2].
Với những ưu tư thức tỉnh mạnh mẽ như vậy, Ngài quyết tâm xuất gia tìm kiếm chân lý giải thoát và đã đạt đến hoàn toàn tỉnh thức, trở thành bậc Giác ngộ, chấm dứt cơn mê sinh tử luân hồi:
“Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết- bàn; tự mình bị ch*t, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ch*t, tìm cầu cái không ch*t, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ch*t, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết- bàn và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí và kiến khơi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa”[3].
Như vậy, Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã đạt đến thức tỉnh hoàn toàn về lẽ sống ch*t, khổ đau và hạnh phúc luẩn quẩn của kiếp nhân sinh, đã cắt đứt mọi nhân tố hiện hữu (sanh y (upadhi) hay hữu kiết sử (bhavasamyojana)), thoát ly vòng sinh tử luân hồi, chấm dứt hoàn toàn mọi phiền não khổ đau. Ngài là Phật, bậc Giác ngộ, sống ở đời mà không bị cuộc đời làm cho ô nhiễm, do Ngài đã đoạn tận các lậu hoặc, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai.Sau khi đắc đạo, Phật dùng kinh nghiệm giác ngộ của mình để thức tỉnh mọi người. Suốt 45 năm, Ngài đi hết chỗ này đến chỗ khác của xứ sở Ấn Độ rộng lớn, vận dụng nhiều phương tiện nói lên sự khổ và sự diệt khổ để thức tỉnh nhân sinh, đánh thức tiềm năng giác ngộ vốn có ở trong mỗi người. Đạo của Ngài được gọi là đạo thức tỉnh, thức tỉnh để ra khỏi mê lầm khổ đau. Chưa có người nào từng nói cho nhân loại biết điều này.
Tiền thân Đức Phật nhịn đói 7 ngày để dành tiền bố thí chúng sinh
Khổ đau của con người tiềm tàng trong cảm thức hạnh phúc của người ấy; nhận rõ hạnh phúc ở đời chính là khổ đau (hoại khổ, hành khổ) thì hết khổ. Đức Phật thức tỉnh cho thế nhân:
“Này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị ch*t lại tìm cầu cái bị ch*t, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các ngươi là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị ch*t, bị sầu, bị ô nhiễm?
Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh.
Và này các Tỷ-kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bịg ià; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già.
Và này các Tỷ-kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh.
Và này các Tỷ-kheo, vợ con là bị ch*t; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ch*t; dê và cừu là bị ch*t; gà và heo là bị ch*t; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ch*t. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị ch*t, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ch*t lại tìm cầu cái bị ch*t.
Và này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu, gà và heo là bị sầu;voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu.
Và này các Tỷ-kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm. Và này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm”[4].
Đức Phật dạy: Con người tránh giết, nên phóng sinh, ăn chay, niệm Phật, thực có thể nói là lòng hiếu từ vô tận
Cả thế giới với những thứ mà ta yêu quý đều là món ăn cho sầu muộn khổ đau, đấng Giác ngộ tuyên cáo như thế. Càng thích thú mê say chúng thì càng ấp ủ sầu muộn khổ đau. Vì một lẽ đơn giản: chúng không tồn tại mãi, không phải của ta. Kinh Pháp cú nhắc nhở:
“Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sinh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?”[5].
Nhận rõ sự thật vô thường, khổ, vô ngã của hiện hữu hay hiểu ra tính chất sanh, già, bệnh, ch*t, sầu muộn, ô nhiễm của những thứ ta yêu thích tức là bắt đầu tỉnh ra cơn mộng trớ trêu của kiếp nhân sinh. Tỉnh ra thì lòng hết đam mê, tâm hết sầu muộn. Nhận ra bản thân mình và những thứ mình yêu thích đều là đối tượng của sầu muộn khổ đau thì hết tham đắm, hết ái luyến, hết mê lầm tự mời gọi sầu muộn khổ đau.
Có một vị chư Thiên đến thưa với Đức Phật:
“Cha đối con vui thích,
Chủ với bò vui thích,
Người sanh y, vui thích,
Không sanh y, không vui”[6].
Bậc Giác ngộ đáp lời vị chư Thiên:
“Cha đối con sầu muộn,
Chủ với bò sầu muộn,
Người sanh y, sầu muộn,
Không sanh y, không sầu”[7].
Thói quen khao khát tìm cầu và nắm giữ những gì mình yêu thích là mắt xích vô hình trói buộc chúng sinh ở trong vòng luẩn quẩn khổ đau. Tập quán mê chấp này thật khó thấy và khó chữa trị, vì chúng đã trở thành món ăn thân thương lâu đời trong tâm tưởng của chúng sinh. Con người quen sống với những ý tưởng thân thuộc hằng ngày nên chẳng ai muốn một cảm thức trái ngược xảy ra chống lại cảm giác quen thuộc của đời mình. Ai cũng yêu thích con cái và tài sản, không thấy hoặc không muốn hiểu ra chúng là đối tượng của sầu muộn, cần phải buông bỏ tâm ái luyến. Khuynh hướng lờ đi những gì làm tổn thương ngã tính khiến tâm thức con người dần dần mất đi tính tự chủ và sáng suốt. Chính tâm thức được dung dưỡng lâu ngày theo chiều hướng mê lầm như vậy thành ra tập quán (nghiệp) dẫn dắt đời sống luân hồi của chúng sinh.
Đức Phật dạy thế nào là người đàn ông lý tưởng?
Kinh Phật gọi tập quán mê lầm ấy là ái (tanhà), nghiệp hữu (bavakamma) hay sanh y (upadhi), tức động lực dẫn đến khổ đau tái sinh: “tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị ch*t lại tìm cầu cái bị ch*t, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm”.
Bậc Giác ngộ hiểu rõ tập quán mê chấp khổ đau này của chúng sinh; vì không thấy được bản chất sầu khổ bất an của hiện hữu nên con người mới rơi vào vòng ham muốn luẩn quẩn, phản tưởng khổ là lạc[8], tự mời gọi phiền muộn khổ đau. Ngài chủ trương đánh thức nhân loại ra khỏi vòng mê chấp luẩn quẩn này bằng cách tập trung nhấn mạnh về sự khổ và sự diệt khổ, được thấy rõ qua sự tuyên thuyết về Tứ Thánh đế:“Đây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, ch*t là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
Đây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Đây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.
Đây là Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”[9].
Nhìn thẳng vào khổ đau của kiếp nhân sinh để sinh tâm nhàm chán buông bỏ khổ đau là thông điệp thức tỉnh mà đấng Giác ngộ mong muốn gởi đến cho thế giới loài người. Con người là khổ, cuộc đời là khổ. Khổ bởi sanh, già, bệnh, ch*t đi kèm với muôn vàn phiền não khổ đau khác không ngừng xảy ra trong cuộc đời mà con người hoàn toàn bất lực. Chẳng ai muốn khổ đau nhưng khổ vẫn xảy ra, vì không ai tránh được các sự kiện phiền toái già, bệnh, ch*t của kiếp nhân sinh. Khổ đau là sự kiện hiển nhiên của đời người nhưng có thể được chấm dứt, vì khổ chỉ là một hiện tượng do nhân duyên sinh, do vô minh và tham ái tạo nên, có sanh và có diệt, không thực thể, không thường hằng, không tồn tại mãi. Thiếu hiểu biết mà rơi vào ái luyến tự thân và cuộc đời này thì khổ phát sinh. Có hiểu biết sáng suốt buông bỏ lòng tham thì khổ chấm dứt. Bậc Giác ngộ tuyên bố Bát Thánh đạo là lối sống sáng suốt buông bỏ lòng tham đưa đến chấm dứt khổ đau. Đó là thông điệp giác ngộ có tác dụng thức tỉnh lớn cho thế giới loài người ra khỏi mọi mê lầm khổ đau, nhờ sự xuất hiện có một không hai của Đức Phật, bậc Chánh đẳng giác, ở trong cuộc đời.
Nhìn chung, Đức Phật đến với thế giới loài người chỉ để nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Ngoài những lời dạy căn bản về đạo đức giúp cho nhân loại thiết lập nếp sống hạnh phúc hiền thiện trên cuộc đời và chung sống với nhau bằng tình thân ái và hòa bình, bậc Giác ngộ còn đi sâu hơn trong việc chỉ rõ căn nguyên của khổ đau nhân sinh và biện pháp dứt trừ gốc rễ khổ đau luân hồi, giúp cho con người tự tin bước đi trên con đường giải thoát trong khi vẫn thực hiện tốt các phận sự và trách nhiệm đối với cuộc đời khổ đau. Đây hẳn là con đường tuyệt đối lớn lao mà Đức Phật, bậcChánh đẳng giác, đã mở ra cho toàn thể loài người, một con đường giác ngộ tuần tự hướng con người đi đến hoàn thiện về giới đức, tâm đức và tuệ đức, thành tựu mục tiêu giải thoát khổ đau ngay trong đời này.
Năm phận sự của Đức Phật
Vào thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Tây lịch, những người có trí từng thốt lên lời cảm thán về Đức Phật, bậc thức tỉnh cho thế giới loài người:
“Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ. Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục. Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh. Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết-bàn”[10].
Hơn hai mươi lăm thế kỷ sau, cảm thán về một bậc Giác ngộ đã đóng góp thực tiễn cho mục tiêu lớn lao của nhân sinh - sự thoát ly khổ đau sinh tử luân hồi - tiếp tục được bộc bạch qua ngoài bút phân tích sắc sảo các bậc thức giả hiện đại:
“Hãy bảo cho tôi tên tuổi của một người khác đã trình bày thông suốt vấn đề lớn lao của loài người, làm sao thoát khỏi khổ đau và sự ch*t và khiến nó thành luận đề độc nhất của giáo lý và cuộc đời mình, như Đức Phật đã làm! Chắc chắn đã có trong nhân loại những nhân vật tiêu biểu hiểu được khổ đau, nguồn gốc khổ đau, sự đoạn diệt khổ đau và con đường đưa đến sự đoạn diệt khổ đau. Bởi sự kiện khổ đau bao trùm cả vũ trụ cũng như đời sống mỗi cá nhân; vì vậy khổ đau là vấn đề khó lãnh hội, nếu không muốn nói là không thể lãnh hội. Tuy vậy, những hiểu biết này chẳng qua chỉ là những bóng mờ, những hiểu biết phiến diện không đưa đến kết quả chắc chắn. Điều này có thể áp dụng đối với triết học hiện đại của Schopenhauer, là người, không như những người châu Âu khác, đã nêu rõ bản chất của đời sống là khổ đau nhưng đã không tìm thấy con đường hay nhịp cầu vượt qua khổ đau. Còn nói gì đến triết học Upanisads mà tính cách vĩ đại của nó chỉ giáo lý Đức Phật mới vượt trội. Tuy vậy triết lý này cũng không giải quyết được vấn đề vì nó không chú ý nhiều đến nội dung khổ đau, không thấy khổ đau là sự kiện mọi lúc mọi nơi và do đó không biết đích xác con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Không như người khác, Đức Phật chỉ thẳng cho chúng ta vấn đề tuyệt đối căn bản của đời sống chúng ta, làm sao giải thoát khổ đau, và trên hết, khổ đau sinh tử.”[11]
1. Kinh Thành ấp, Tương ưng bộ.
2&3&4. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.
5. Kinh Pháp cú, kệ số 62.
6&7. Kinh Vui thích, Tương ưng bộ.
8. Kinh Màgandiya, Trung bộ.
9. Kinh Như Lai thuyết (1), Tương ưng bộ.
10. Tiểu kinh Saccaka, Trung bộ.
11. G. Grimm, The Doctrine of the Buddha, tr.43-48.
Huệ Minh