Tâm linh hôm nay

Đức Phật: Nhà giáo dục vĩ đại

Con người vĩ đại đó, tấm lòng trí tuệ đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của đức Phật đã khiến muôn nghìn trái tim của nhân loại hướng về Ngài và tôn kính Ngài như một vị đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại.

I. Dẫn nhập


Dòng thời gian vẫn tiếp diễn qua nhanh như cố tìm quên cái gì của quá khứ, hết Xuân đến Hạ, Thu tàn Đông sang, vạn vật cứ chuyển xoay theo dòng đời vô tận. Quy luật vô thường là thế. Hơn hai mươi lăm thế kỷ trôi qua, vạn vật đều lắng chìm tận đáy dòng đời sinh diệt, diệt sinh. Thế nhưng cái giá trị nghìn đời của chân lý đạo đức sống của đức Thích Ca Mâu Ni, vẫn hiển hiện muôn màu, muôn vẻ. Bao tinh anh kết tụ và hội nhập tạo thành một vầng trăng chân lý vi diệu giữa hư không, vầng trăng ấy đã soi sáng rạng ngời, xua tan bóng tối vô minh của đêm trường tham ái, mang lại hạnh phúc cho con người.


Hôm nay, bao khối óc, bao con tim từ phương trời đất Việt trở về đây cùng hòa chung nhịp, đồng một chí hướng ngồi lại bên nhau, ôn lại chân lý ấy. Chân lý của con đường giải thoát mà đức Thích Ca Mâu Ni đã đạt được tại Bồ Đề Đạo Tràng này.


Suốt 45 năm du hành giáo hóa, sứ mệnh hoằng pháp của Như Lai chỉ tuyên dương con đường giải thoát. Những lời dạy của Ngài đã được kết lại thành Tam tạng Thánh điển. Ngày nay, được các nhà nghiên cứu trên thế giới nhận xét và đánh giá khác nhau. Giáo lý ấy ví như viên kim cương, tùy theo góc độ người đứng xem mà nhận xét. Vì vậy, có người đánh giá Ngài như một nhà triết học, lại có người nhận xét Ngài như một nhà khoa học, cũng có người cho rằng Ngài là nhà tâm lý học, nhà hùng biện…. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin trình bày vài nét về đức Phật Thích Ca Mâu Ni như là một nhà giáo dục vĩ đại.


Phong cách dạy của đức Phật


Như đã nói ở trên, đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại, phủ bác các chế độ tập cấp xã hội. Ngài luôn luôn nâng cao tinh thần tự do và bình đẳng. Ngài không bắt buộc người học trò rập khuôn theo Ngài, cũng không bắt buộc học trò nô lệ giáo lý hoặc nô lệ chính Ngài. Những ai học với Ngài đều được quyền tự do tư tưởng. Đức Phật thường dạy các đồ đệ đừng vì kính nể, tôn trọng Ngài mà nhắm mắt tin theo lời Ngài dạy. Hãy thực hành lời ngài dạy nếu tự mình tư duy, kiểm nghiệm và cảm thấy có lợi ích. Phong cách dạy của đức Phật đặt trên nền tảng trí tuệ và giải thoát làm căn bản. Bởi vậy, khi tiếp nhận lời dạy của đức Phật phải suy tư, phải tìm hiểu một cách kỹ thì mới có thể lãnh hội hết ý nghĩa thâm sâu chứa đựng bên trong, và dĩ nhiên lợi ích của nó lại càng to lớn hơn nữa. Trong kinh Kitagini (Trung Bộ 2) đức Phật dạy người học trò chơn chánh phải:"có lòng tin; đến gần; tỏ lòng tôn kính; lắng tai; nghe pháp; thọ trì pháp; suy tư ý nghĩa các pháp; chấp nhận các pháp; ước muốn sinh khởi; nỗ lực; cân nhắc và tinh cần."


Đức Phật vừa là một vị Thầy vừa là một vị Cha (Thiên Nhân chi Đạo Sư, Tứ Sanh chi Từ Phụ) của loài người và loài thần linh. Ngài luôn thể hiện lòng từ mẫn thương tưởng đến tất cả chúng sinh. Ngài dẫn dắt, an ủi, nâng đỡ những bà mẹ bạc phước như Patàcàrà và Kisàgotami. Tự tay Ngài chăm sóc cho những người bịnh hoạn, cô đơn như Patigatta Tissa Thera. Ngài giúp đỡ người nghèo đói và người bị bỏ rơi như Rujjumàlà và Sopàka. Đức Phật nâng đời sống đạo đức của những hạng người tội lỗi sát nhân như Angulimàla và hạng gái giang hồ hư hỏng như Ambapali. Ngài khuyến khích kẻ yếu hèn, đoàn kết lại những người chia rẽ. Tất cả đều hưởng được những lời dạy đầy trí tuệ của Ngài. Đức Phật là một vị Thầy bao giờ cũng thể hiện tình thân thiện đến những người học trò. Ngài thường sinh hoạt bên cạnh người học trò, theo dõi từng dòng tư tưởng của học trò, ví như người bác sĩ từng sống cùng bịnh nhân, nên hiểu từng căn bịnh của bịnh nhân mà cho Thu*c.


Đức Phật là vị Thầy không độc quyền, không độc đoán và không độc tài lãnh đạo giáo hội. Ngài khuyên các đệ tử lớn, như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên... thu nhận đệ tử. Đức Phật ân cần truyền trao kinh nghiệm phong cách một vị thầy cho các đệ tử. Đó là những mối tương quan, ảnh hưởng qua lại giữa thầy và trò. Đối với người Thầy đức Phật dạy phải:


- Có lòng thương tưởng đến người học trò.


- Rèn luyện phẩm hạnh và tư cách đạo đức cho học trò.


- Truyền dạy cho học trò đến nơi đến chốn những kiến thức khoa học và trí tuệ của người xưa.


- Ngợi khen học trò trước mặt các bạn bè, và người thân.


- Bảo vệ học trò khỏi những nguy khốn của cuộc đời.


Ngược lại, người học trò phải thể hiện đúng bổn phận của mình:


- Phụng dưỡng Thầy chu đáo.


- Đứng dậy chào khi Thầy đi tới và hầu hạ khi thầy cần đến.


- Lắng nghe lời Thầy dạy với lòng tôn kính.


- Thực hành những bổn phận cần thiết đối với Thầy.


- Hết lòng thực hiện những điều Thầy dạy (nếu những điều đó đúng chính pháp).


Những gì đức Phật dạy đều phát xuất từ đời sống kinh nghiệm và chứng đắc của bản thân. Sau khi thực hành có hiệu quả, đức Phật đã truyền dạy lại cho chúng sinh. Trong Kinh Tăng Chi I,[3] đức Phật đã tán dương và xác nhận Tôn giả Xá-lợi-phất là đệ tử trí tuệ đệ nhất. Cũng trong kinh này, một lần khác đức Phật dạy: "Các Tỳ-kheo mong cầu một cách chơn chánh, sẽ mong cầu như sau: "Mong rằng ta sẽ như Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên." Đây là cán cân, này các Tỳ kheo, đây là đồ đo lường đối với các đệ tử Tỳ-kheo của ta, tức là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên."[4] Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thường thay mặt đức Phật giảng dạy hoặc hướng dẫn trực tiếp đại chúng và các Tỳ-kheo trẻ tuổi.


Tóm lại, đức Phật là một vị Thầy giàu lòng bi mẫn và rộng lượng khoan hồng hơn tất cả. Đức Phật đã truyền dạy cho chúng ta những ý chí sắt đá, trí tuệ cao siêu, đức vị tha phục vụ, sự thoát ly chưa từng có, hãy sống đời gương mẫu, làm lợi lạc cho mình và người và cả hai. Phương pháp toàn thiện mà đức Phật đã truyền bá cho chúng ta có nhiều kết quả mỹ mãn. Con người vĩ đại đó, tấm lòng trí tuệ đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của đức Phật đã khiến muôn nghìn trái tim của nhân loại hướng về Ngài và tôn kính Ngài như một đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại, như Sri Radhakrishnan nói: "Nơi đức Phật Cồ-đàm ta nhận thấy một tinh hoa toàn thiện của phương Đông. Ảnh hưởng Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hi hữu, cho đến ngày nay không thua kém của bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử."[5]


III. Kết luận


Đức Phật là nhà giáo dục vĩ đại, phương pháp giáo dục của Ngài không chỉ khế cơ, khế lý mà còn khế thời, phù hợp và đáp ứng được những gì mà chúng sinh, hôm qua, hôm và ngày mai mong đợi. Ngài là người đem lại ánh sáng trí tuệ giác ngộ cho cuộc đời và diệt trừ nhưng nguyên nhân gây khổ đau cho cuộc đời. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này, không ngoài mục đích chính là chỉ bày cho tất cả chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình. Hay nói đúng hơn là "Vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Chư thiên và loài người." Vì mục đích tốt thượng đó, suốt bốn mươi lăm năm, đức Thế Tôn phục vụ cho tất cả chúng sinh không ngừng nghỉ.


Hôm nay, chúng ta ôn lại giáo lý của đức Phật, không phải để đánh giá, nhận xét hay để thưởng thức như một bức tranh toàn hảo, mà nhằm cùng chiêm nghiệm để thực hành trên con tu tập của chúng ta. Hình ảnh đầu trần, chân đất, một bình bát và ba y đi khất thực hằng ngày, có thể chúng ta không thực hành được như Ngài. Những điều giác ngộ cao siêu như Ngài, chúng ta cũng có thể chưa đạt được. Nhưng phong cách một vị thầy và lời dạy của Ngài, chúng ta sẽ thực hành được. Vì những điều đức Phật dạy không vượt ngoài khả năng con người.


Khi viết bài này, chúng tôi cốt chỉ khái quát vài nét nhỏ về phương pháp và phong cách giáo dục của đức Phật như một vị Thầy vĩ đại. Chúng tôi cố gắng trình bày, nhưng không thể nào diễn tả hết sự kỳ diệu của phương pháp giáo dục của ngài, chẳng khác nào như con muỗi uống nước đại dương. Mặc dù vậy con muỗi cũng cảm nhận được vị mặn của dòng nước đại dương ấy. Rất mong lắm thay!


Thích Huệ Khai


Chú thích

1] Đại Tạng Kinh Việt Nam Aa1, Kinh A Hàm I, Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam, 1991, tr. 566-574.

[2] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung A Hàm IV, Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam, 1992, tr 738-747.

[3] Kinh Tăng Chi I, bản dịch của HT Thích Minh Châu, 1980, tr.30.

[4] Kinh Tăng Chi I. tr.102.

[5] Gautama the Buddha, tr.1

Thích Huệ Khai

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/duc-phat-nha-giao-duc-vi-dai-d28614.html)

Tin cùng nội dung