Tâm sự hôm nay

Đừng để “cắt mác”, “thay mác” làm ảnh hưởng đến thương hiệu Việt

Liên quan đến vụ việc nhãn thời trang SEVEN.am bị tố một số sản phẩm có dấu hiệu cắt nhãn mác Trung Quốc, gây xôn xao dư luận.

Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh, thu thập hồ sơ làm rõ sự việc. Dư luận cho rằng, việc cắt mác Trung Quốc trong ngành thời trang ở Việt Nam là hiện tượng xấu, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành may mặc mà còn ảnh hưởng đến hàng Việt và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đáng chú ý, trong 5 cửa hàng được kiểm tra vừa qua, đại diện đơn vị này chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra 1 bản Đăng ký nhãn hiệu SEVEN.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy Số 14518064; Đăng ký kinh doanh, Hợp đồng kinh tế may mặc được ký từ ngày 2/1/2018 với Công ty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh (có địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông), 1 hóa đơn thanh toán với Công ty Bảo Anh từ tháng 5/2019 và không giải thích được cơ sở chất lượng gắn số hợp quy. Toàn bộ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, ông Dương Ngọc Viện - Đội trưởng Đội QLTT số 14 cho biết.

Cơ quan chức năng tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm của thương hiệu SEVEN.am do bị tố cắt mác.

Được biết, chuỗi cửa hàng SEVEN.am gắn liền với tên tuổi diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh. Trả lời báo chí, ông này sau đó cho biết có nhập hàng từ Trung Quốc và đều có hóa đơn, chứng từ. Đồng thời cũng thừa nhận với báo giới là việc cắt mác ở cổ áo vì khách hàng kêu ngứa, còn những chỗ khác như mác trên sườn áo nhãn mác vẫn còn. Các sản phẩm nào là hàng Trung Quốc đều được nói rõ với khách hàng, còn sản phẩm nào là hàng Việt Nam đều do SEVEN.am thiết kế, sản xuất. Sau trả lời về lý do cắt mác vì “khác hàng kêu ngứa” bị dư luận phản ứng, diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh đã rút khỏi công ty mặc dù vẫn nắm 60% cổ phần công ty.

Dư luận cho rằng, những phân trần của ông Nguyễn Vũ Hải Anh là thiếu thuyết phục và có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Nếu ông chủ SEVEN.am khẳng định không cắt mác Trung Quốc để thay bằng nhãn hiệu của mình thì phải chứng minh được những sản phẩm đó được sản xuất ở đâu, trang thiết bị thế nào và có thiết kế riêng không? Nếu không chứng minh được những điều này, ông Nguyễn Vũ Hải Anh đang lừa dối khách hàng.

Theo đó, Đội QLTT số 14 đã ra quyết định tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm của SEVEN.Am do chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, toàn bộ hệ thống cửa hàng SEVEN.am đã tạm đóng cửa.

Có thể nói, việc cắt mác Trung Quốc trong ngành thời trang ở Việt Nam là hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành may mặc và Việt. Trước đó, năm 2017 lụa tiếng tăm của Việt Nam là Khaisilk bị khách hàng tố cắt mác sản phẩm lụa Trung Quốc, dán đè mác sản phẩm “Made in Vietnam”, công ty này sau đó phải đóng cửa, ngừng hoạt động, lụa Khaisilk sau đó mất dần trong lòng công chúng.

Gần đây, vụ việc Công ty Asanzo Việt Nam bị báo chí phanh phui là nhập nhiều mặt hàng như lò vi sóng, nồi cơm điện nguyên chiếc và xé nhãn mác Trung Quốc để thành hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết: Hàng hóa quần áo may mặc hay giày dép ở Việt Nam hầu hết đều được gia công ở nước ngoài. Việc gia công ở nước ngoài là được phép tuy nhiên khi nhập về Việt Nam cần ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều tự ý gắn mác made in Vietnam, trong khi hàng hóa lại được gia công ở nước ngoài là sai quy định, ông Kiên cho biết.

Chia sẻ với báo chí, nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư khẳng định hành vi cắt mác của SEVEN.am nói trên có dấu hiệu tương tự như vụ việc Khải Silk hay Asanzo... và vì thế cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra theo phản ánh của báo chí. Những vụ việc này gây tổn hại rất lớn đến nền kinh tế. Nó không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những Việt làm ăn nghiêm túc. Giao dịch trên trường quốc tế, chắc chắn sẽ có những nghi ngờ và có những quy định gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu của Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi các lực lượng chức năng như QLTT, hải quan, Công an kinh tế phải đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, ngăn chặn từ gốc là khu vực biên giới, không nên để hàng lậu, hàng giả lọt tới thị trường nội địa mới ngăn chặn thì quá muộn.

Bên cạnh đó, cơ quan xây dựng pháp luật cần nhanh chóng sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt, bởi mức xử phạt hành vi sản xuất hàng giả hiện quá nhẹ không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng là không đáng kể so với khoản lợi nhuận quá lớn từ việc sản xuất lưu thông hàng giả. Điều này khiến tội phạm trong lĩnh vực này dễ dàng tái phạm và vi phạm ngày càng gia tăng.

Mai Thạch

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/dung-de-cat-mac-thay-mac-lam-anh-huong-den-thuong-hieu-viet-n165691.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY