Vừa qua, theo thông báo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dẫn báo cáo từ Bộ tham mưu Quân khu 2 cho biết từ ngày 20/7 trên địa bàn các bản thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã phát hiện đàn châu chấu bay từ phía biên giới Trung Quốc sang với mật độ khoảng 100 – 200 con/m2 phá hoại rừng tre, nứa, hoa màu tại địa phương. Theo quan sát, trước mắt diện tích gây hại khoảng 20 ha; trong đó gây hại trên 70% (mất trắng) khoảng 5 ha, gây hại khoảng 30% là 5 ha.
Theo thông tin trên Báo Tiền Phong, trước tình hình đó Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNN cho biết đang xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với dịch châu chấu sa mạc, trong đó sử dụng công nghệ viễn thám để theo dõi di cư, dùng máy bay để diệt châu chấu sa mạc nếu xâm nhập vào Việt Nam.
Ông Dương cũng khẳng định đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang và gây hại ở Mường Nhé không phải là châu chấu sa mạc, đó là châu chấu tre lưng vàng.
Châu chấu tre lưng vàng (Ảnh: Internet) |
Qua trao đổi ông Dương cho biết: “ Theo thông tin chúng tôi nắm được, do phía bên Trung Quốc đang bị dịch châu chấu tre với mật độ cao, nên dùng máy bay để phun Thu*c phòng trừ, khiến đàn châu chấu bay tản sang phía Việt Nam”
Trước đó, vào cuối tháng 6, Điện Biên cũng ghi nhận đàn châu chấu tre lưng vàng di thực theo hướng từ biên giới khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang vào huyện Điện Biên, TP Điện Biên Phủ với số lượng lớn, di chuyển nhanh.
Châu chấu tre lưng vàng xuất hiện từ năm 2016-2017, và hiện có ở một số vùng tại Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La...Loại châu chấu này chủ yếu ở trong rừng, ăn tre, luồng và một số cây nông nghiệp đặc biệt là ngô.
Sau khi gây hại ở các nương ngô, chúng thường quay về rừng. Châu chấu tre thường di cư từ Lào sang Việt Nam, nhưng năm nay đàn châu chấu di cư từ Trung Quốc sang.
Thảo Linh (tổng hợp)