Michelle Cordes, chuyên gia dinh dưỡng ở Chicago, Mỹ là một trong số đó. Bà đã tiêm liều tăng cường, thực hiện mọi biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang và không đến nơi đông người. Đến tháng 12 năm ngoái, khi cảm thấy không khỏe, Cordes chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh hoặc dị ứng lông mèo. Vì lo lắng, bà tự xét nghiệm tại nhà và ngạc nhiên khi kết quả dương tính nCoV. Chồng, con trai và bố chồng bà cũng nhiễm virus.
"Tất cả chúng tôi đều chỉ bị ho", bà kể lại.
Dựa trên hướng dẫn điều trị Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, các triệu chứng của gia đình bà Cordes được xếp vào thể nhẹ. Chúng ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các bệnh nhân bà chăm sóc tại cơ sở y tế. Song về lâu dài, căn bệnh của bà không hề giống với cơn cảm lạnh thoáng qua.
Nghiên cứu chỉ ra rằng triệu chứng Omicron nhìn chung nhẹ hơn Delta. Một số người chỉ bị sổ mũi hoặc không biểu hiện gì. Song virus vẫn có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng, ở người chưa được chủng ngừa. Nó cũng để lại các di chứng khó chịu và kéo dài, dù triệu chứng ban đầu không quá nặng.
Theo định nghĩa của Viện Y tế Quốc gia (NIH), người nhiễm nCoV nhẹ có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng và mệt mỏi. Song tiến sĩ Shira Doron, nhà dịch tễ học tại Trung tâm y tế Tufts ở Boston, cho rằng sử dụng từ "nhẹ" để mô tả tình trạng này dễ khiến cộng đồng đánh giá thấp Covid-19.
Thực tế, người nhiễm nCoV cũng phát triển triệu chứng "Covid-19 kéo dài", kéo dài từ 6 tháng trở lên. Bà Doron cho rằng các chuyên gia nên điều chỉnh lại thuật ngữ sử dụng trong trường hợp này.
"Một căn bệnh được coi là 'nhẹ' khi nó không khiến chúng ta phải nhập viện. Nhưng nếu loại virus giống cúm kia làm bạn nằm liệt giường, nó không còn 'nhẹ' nữa", bà Doron nói.
Nhà Cordes phải nghỉ ba ngày - điều chưa từng xảy ra trước đây. "Chúng tôi cảm thấy tệ hại và mệt mỏi", bà Cordes nói. Tuần trước, tình trạng của bà cải thiện, nhưng vẫn chưa thể trở lại làm việc.
Nhân viên y tế làm xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở thành phố Ruleville, Mỹ, tháng 1/2022. Ảnh: NY Times
Dave Juday, chuyên gia kỹ thuật âm thanh tại một trường học ở Arizona, cũng vô cùng sốc khi nhận thông báo dương tính nCoV ngày 8/12. Anh xét nghiệm hàng tuần, cẩn thận đeo khẩu trang mỗi ngày vì không muốn mang bệnh về cho vợ. Đồng nghiệp thậm chí cảm thấy hoảng sợ khi anh nói mình đã mắc Covid-19.
"Họ bảo rằng đến tôi còn nhiễm virus thì bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, vì tôi quá cẩn thận rồi", Juday nói.
Vì đã tiêm liều vaccine tăng cường, anh không phải đến bệnh viện. Nhưng cơn đau đầu nhẹ đã phát triển thành cảm giác tồi tệ nhất anh từng trải qua. "Đầu tôi giống như quả bóng bowling nặng 7 kg, vị giác, khứu giác mất dần. Tôi hắt xì khoảng 500 lần, đến nỗi trông giống như chú tuần lộc mũi đỏ. Tôi không dám tưởng tượng mọi thứ sẽ thế nào nếu mình chưa tiêm phòng", anh nói.
Tiến sĩ Shira Doron cho biết đây là dấu hiệu cơ thể bệnh nhân đang chống lại virus. Khi nhiễm nCoV nhẹ, F0 không cần đến phòng cấp cứu, đặc biệt trong thời điểm hệ thống y tế gặp nhiều áp lực.
Dù vậy, coi Covid-19 là "nhẹ" dễ khiến cộng đồng chủ quan. "Căn bệnh gây nhiều bức bối, mọi người mong muốn cuộc sống trở lại bình thường hoặc càng gần với bình thường càng tốt. Họ có thể coi thường các triệu chứng và chọn không đi xét nghiệm", William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết.
Theo ông, dù có triệu chứng nhẹ, người dân nên đi xét nghiệm để biết có cần cách ly điều trị hay không. "Bạn nhiễm bệnh nhẹ, nhưng nếu lây cho một người họ hàng mắc tiểu đường, mọi thứ tồi tệ hơn rất nhiều", ông Schaffner nói.
Các chuyên gia khuyến nghị người dân đi tiêm chủng đầy đủ. Tiến sĩ Claudia Hoyen, Giám đốc kiểm soát nhiễm trùng nhi tại Bệnh viện Trẻ em và Trẻ em UH Rainbow Babies ở Cleveland, cho biết biến chứng do nằm viện ở người không tiêm vaccine có thể tồn tại rất lâu sau đó.
"Dữ liệu cho thấy sức khỏe của khoảng 30% bệnh nhân điều trị tại khu hồi sức tích cực không bao giờ hồi phục như trước khi nhiễm virus. Người chưa tiêm chủng sẽ nói 'tôi sẽ được cứu thôi, mọi thứ sẽ ổn'. Nhưng một số người không thể quay lại cuộc sống bình thường được nữa", tiến sĩ Hoyen nói.
Chủ đề liên quan:
bệnh học Covid-19 kéo dài di chứng Covid-19 khám chữa bệnh tin nóng tình huống triệu chứng Covid-19