Trường mầm non Học Viện Sài Gòn, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho phun Thu*c khử khuẩn để chuẩn bị đón các bé đi học lại (ảnh chụp chiều 12-2) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo đó, song song việc đảm bảo an toàn cho học sinh, các địa phương cũng tính toán kế hoạch dạy bù, học bù.
“Dạy bù nhưng không được dạy dồn, dạy ghép quá nhiều tiết trong một tuần, gây áp lực học tập cho học sinh. Những trường nào đã dạy bù vào ngày thứ bảy thì chủ nhật phải cho học sinh nghỉ hoặc dạy bù vào chủ nhật thì thứ bảy phải cho học sinh nghỉ. Việc dạy bù phải được rải đều từ ngày học sinh đi học lại cho đến hết tháng 5-2020 chứ không dạy bù trong một thời gian ngắn cho xong.
Chiều 12-2, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi các sở GD-ĐT, Y tế, Lao động - thương binh và xã hội yêu cầu rà soát việc tiêu độc, khử trùng tại các trường học để sẵn sàng các phương án đưa học sinh, sinh viên quay lại trường. Được biết, các trường học ở TP.HCM sẽ tổng vệ sinh trường lớp vào ngày 15 và 16-2 để học sinh đi học lại vào ngày 17-2.
Song song đó, nhiều trường ở TP.HCM cũng đã lên kế hoạch dạy bù vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật. "Trường chúng tôi đã lên kế hoạch dạy bù vào Thứ Bảy, Chủ Nhật từ tuần đầu tiên sau khi học sinh đi học lại" - ông Phan Hồ Hải, hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp (TP.HCM), cho biết.
Ông Hải cũng cho biết thêm trường không tổ chức kiểm tra tập trung giữa học kỳ II vào các ngày thứ bảy mà chỉ tập trung dạy bù. Các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi cũng được nghỉ. Thay vào đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh giỏi và cung cấp tài liệu cho các em tự nghiên cứu hoặc bồi dưỡng vào thời gian thích hợp khác.
Đáng chú ý, ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) đã thống nhất ngưng tất cả các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm của học sinh - thường sẽ diễn ra vào Thứ Bảy hằng tuần - để phòng tránh dịch do Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - thông tin các trường chủ động lên kế hoạch dạy bù sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở đơn vị cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh.
Tôi yêu cầu các quận, huyện triển khai phun khử trùng lần thứ ba, thực hiện trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật tuần này tại tất cả các trường học. Trước mắt tất cả các trường phải chuẩn bị sẵn bình rửa tay khô để ở ngay cửa lớp học, vì trong phòng bệnh tốt nhất là rửa tay sạch sẽ, nhất là với những trường bán trú, trước và sau bữa ăn càng phải rửa tay sạch sẽ.
Cô và trò điểm trường Tăk Pổ vùng cao tỉnh Quảng Nam dọn vệ sinh trường lớp để chuẩn bị trở lại trường - Ảnh: TRÀ THỊ THU
Chiều 12-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận huyện thực hiện việc phun khử trừng, khử khuẩn tại các trường học trên địa bàn, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho tình huống học sinh đi học trở lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết ngay thời điểm trước khi học sinh Hà Nội nghỉ học, các quận huyện đã triển khai phun khử trùng, khử khuẩn tất cả các trường trên địa bàn TP lần thứ nhất.
"Trong những ngày cuối tuần trước, các quận huyện tiếp tục phun khử trùng, khử khuẩn, lau bề mặt bàn, tay nắm cửa, tay nắm cầu thang lần thứ hai tại tất cả trường học, đồng thời thực hiện việc khử trùng tại công sở" - ông Hạnh cho hay.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung đặc biệt lưu ý vấn đề chuẩn bị cơ sở vật chất trường học để học sinh có thể đi học trở lại. Về việc học sinh có phải đeo khẩu trang tới trường, ông Chung cho biết việc này sẽ chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - đào tạo trong ngày 13-2. Ngoài ra, ông Chung cũng lưu ý trong tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phòng dịch không kỳ thị người nước ngoài, không kỳ thị với người, sinh viên đến từ những tỉnh có người bị lây nhiễm Covid-19.
Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên Bộ Y tế công bố có dịch truyền nhiễm viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra hôm 1-2.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Thuần, phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Khánh Hòa, cho hay để đảm bảo an toàn cho thầy và trò toàn tỉnh khi các trường mở cửa trở lại, ngày 11-2 sở này phối hợp với Sở Y tế tỉnh tổ chức buổi tập huấn kỹ năng phòng chống dịch COVID-19 cho hơn 120 lãnh đạo, cán bộ, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học các phòng giáo dục - đào tạo và các đơn vị trực thuộc sở.
"Sở yêu cầu trong hai ngày 12 và 13-2, các cơ sở giáo dục phải tổ chức tập huấn lại các nội dung này cho tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên, người lao động của đơn vị mình" - ông Thuần cho hay.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục - đào tạo Khánh Hòa yêu cầu các cơ sở giáo dục tổng vệ sinh trường lớp học, khuôn viên trường và xung quanh trường. Phải sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa theo khuyến cáo của ngành y tế để vệ sinh bề mặt, lau chùi sàn, trang thiết bị, đồ dụng học tập, đồ chơi, tay nắm cửa... Các phòng học phải mở thoáng cửa, tránh sử dụng máy lạnh.
"Chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải chuẩn bị khẩu trang để phát cho học sinh, giáo viên, công nhân viên của trường trong trường hợp những người này không có hoặc quên mang theo. Các trường cũng phải đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế" - ông Thuần nói.
Ngày 12-2, TS.BS Lê Tấn Phùng - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - cho rằng các cơ quan, đơn vị, trường học không nên "đua" nhau phun hóa chất tiêu độc khử trùng.
"Hóa chất này chỉ được phun ở nơi có ổ dịch đang hoạt động, còn không có dịch thì không nên phun. Phun hóa chất tràn lan là không cần thiết, tốn kém, ảnh hưởng môi trường, không có lợi cho sức khỏe" - ông Phùng khuyến cáo.
Theo ông, các trường học nên thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế hôm 6-2 về phòng chống dịch do COVID-19 gây ra. Đó là: tăng cường thông khí lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng bằng chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn thông thường khác; đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ nước sạch và xà phòng rửa tay.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sau khi xem xét đề xuất của UBND tỉnh, đã đồng ý về chủ trương cho học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nghỉ học thêm một tuần nữa, từ ngày 17 đến 23-2. Trước đó, học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã nghỉ học trong hai tuần cùng các địa phương.
Ông Lê Duy Thành, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, khẳng định trước tình hình dịch bệnh chưa có diễn biến giảm, Vĩnh Phúc cho các em nghỉ học tiếp để bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Ngày 12-2, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn yêu cầu các đơn vị chuẩn bị điều kiện tốt nhất để học sinh có thể trở lại trường. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu phát miễn phí khẩu trang vải kháng khuẩn cho 100% giáo viên và học sinh các cấp học ngay ngày đầu tiên trở lại trường học (khoảng 290.000 cái).
Ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế, cho biết: "Ngoài việc tiêu độc khử trùng trường lớp, thiết bị... thì một số trường cũng đã chủ động mua máy đo thân nhiệt...".
Ông Phan Ngọc Thọ (giữa) - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - làm việc với một đơn vị cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn trên địa bàn - Ảnh: NGỌC MINH
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - cho biết đã trang bị hai máy đo thân nhiệt để thực hiện việc đo thân nhiệt cho học sinh khi vào lớp và khi kết thúc giờ học lúc học sinh học lại.
Trong quá trình học, giáo viên và học sinh sẽ đeo khẩu trang, giáo viên sử dụng micro. Giáo viên cũng hướng dẫn các em trong giờ ra chơi vẫn đeo khẩu trang, khi vào lớp rửa tay bằng nước sát khuẩn.
"Trường cũng đang có kiến nghị tạm dừng việc tổ chức bán trú cho học sinh" - cô Nguyệt cho biết thêm.
Bà Trần Thị Thúy Hà, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu, cho biết phòng cũng đang kiến nghị cấp trên có phương án cụ thể về việc tổ chức dạy học, có tổ chức bán trú hay không.
Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - cho biết sở đã làm việc với ngành giáo dục các địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là ở địa bàn TP Hội An - nơi có lượng khách du lịch nước ngoài nhiều.
"Một số cơ sở trường bán trú, nội trú thì phải lưu ý đến chuyện nước uống vì sử dụng nguồn nước uống chung. Những phòng ẩm thấp thì đề nghị làm sao cho thoáng, phun Thu*c khử trùng, tiêu độc" - ông Quốc nói.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết các trường học đã đồng loạt tổng vệ sinh, khử trùng các vật dụng, đồ dùng học tập.
"Sau khi học sinh vào học, các đơn vị trường hạn chế tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể, đảm bảo nước sạch, nơi rửa tay cho các em, tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh đến học sinh, phụ huynh học sinh" - ông Hùng nói. (THÙY TRANG)
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện các cơ sở giáo dục đã chủ động trang bị xà phòng, nước rửa tay tại khu vực vệ sinh để toàn trường sử dụng.
"Trong hai tuần nghỉ, hầu như các trường đều bổ sung kiến thức, ôn tập cho học sinh qua nhiều kênh nên khi nhập học lại có thể các em không phải học bù. Nhưng việc vệ sinh, khử trùng các trường phải tiếp tục mỗi tuần hai lần" - bà Vân nói.
Làm gì khi học sinh đi học lại?
TTO - Nhiều tỉnh, thành dự kiến sẽ cho học sinh các cấp đi học lại từ ngày 17-2. Với các phụ huynh, nỗi lo trông con lúc nghỉ học tạm khép lại, nhưng mở ra nỗi lo mới: đi học có an toàn, có bắt nhịp kịp sau một kỳ nghỉ dài?
Chủ đề liên quan:
chuẩn bị corona học sinh học sinh trở lại trường kỳ nghỉ phòng dịch bệnh trở lại virus corona