Trong bối cảnh các cửa khẩu quốc tế và đường mòn lối mở biên giới ở nước ta đang được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa dịch bệnh nCoV xâm nhập thì việc làm cần thiết nhất hiện nay là áp dụng các biện pháp cách ly tại những ổ dịch nCoV, không để virus gây bệnh lây lan ra diện rộng. Vậy việc khoanh vùng, dập dịch đang được thực hiện ở nước ta như thế nào?
Nước ta đã ghi nhận sự lây lan âm thầm của dịch bệnh nCoV khi phát hiện trường hợp dương tính với virus nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường, không có những biểu hiện của bệnh như sốt, ho, khó thở.
Thực tế này càng cho thấy, những ca bệnh nCoV ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là thể nhẹ. Hầu hết bệnh nhân chỉ xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng 1 tuần, trừ trường hợp bệnh nhân đầu tiên là người Vũ Hán, Trung Quốc có bệnh nền, được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên sự lây lan âm thầm của nCoV có thể gây khó khăn trong việc xác định bệnh nhân, trường hợp nghi nhiễm, khoanh vùng và kiểm soát ổ dịch. Nếu không phát hiện kịp thời người mang virus có thể sẽ lây lan sang những người có sức đề kháng yếu hoặc trường hợp mắc bệnh mãn tính, dễ trở thành những ca bệnh nặng.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy trình giám sát, sàng lọc và cách ly, thậm chí sẽ cưỡng chế những trường hợp không tuân thủ cách ly tại nơi cư trú.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết:“Tại cộng đồng thì đặc biệt cần lưu ý những trường hợp nghi ngờ, tiếp xúc gần với bệnh nhân, hoặc trở về từ vùng có dịch. Những trường hợp này phải được đưa vào diện theo dõi hết sức chặt chẽ, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm chuyển đến Viện vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur để xét nghiệm, khẳng định”.
Ổ dịch nCoV lớn nhất ở nước ta hiện nay là tại tỉnh Vĩnh Phúc, với "tâm dịch" là huyện Bình Xuyên, nơi có 8 công nhân được cử đi tập huấn từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về nơi làm việc là Công ty Nihon Plast và mang theo mầm bệnh. Đa số những công nhân vừa nêu đã có kết quả dương tính với nCoV và 1 số công nhân đã làm lây nhiễm bệnh cho người thân trong gia đình và người xung quanh có tiếp xúc gần.
Bác sĩ Doãn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên cho biết, 2 đội phản ứng nhanh của đơn vị đã đến tận nhà những người trở về từ Vũ Hán và những hộ dân lân cận với bán kính 300m để phun hóa chất khử khuẩn; yêu cầu các công ty thực hiện vệ sinh môi trường và đo thân nhiệt của công nhân 2 lần/1 ngày. Trung tâm cũng đã phát hơn 40.000 tờ rơi tuyên truyền tại 13 xã thị trấn và duy trì phát thanh lưu động đến từng khu dân cư.
“Trung tâm có khối dự phòng, tổ chức đi giám sát tại cộng đồng, phối hợp với chính quyền địa phương, y tế thôn, rà soát những gia đình có người đi từ chuyến bay Vũ Hán về và nắm bắt xem trong dịp Tết vừa qua họ đã đi những đâu, tiếp xúc với những ai, từ đó phát trên hệ thống truyền thanh để người dân được biết. Nếu có tiếp xúc gần thì tự nguyện đến khám tại Trung tâm y tế. Bên cạnh đó Trung tâm cũng lập danh sách những người tiếp xúc gần đề quản lý giám sạt tại nhà. Tại huyện Bình Xuyên đang có hơn 100 trường hợp đang được cách ly tại nhà”, bác sĩ Toàn nói.
Hướng dẫn mới nhất về điều trị bệnh nhân nCoV cũng đã được Bộ Y tế cập nhật những vấn đề mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đó là khi ghi nhận bệnh nhân sẽ tiến hành điều trị tại chỗ, tại cơ sở y tế tuyến huyện. Trên thực tế cũng đang có 5 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên và phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Vĩnh Phúc) với tình trạng sức khỏe ổn định.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ:“Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo để Bệnh viện Chợ rẫy và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh gửi những nhận xét, những kinh nghiệm điều trị; đặc biệt chụp toàn bộ bệnh án gửi ra cho Cục Quản lý khám chữa bệnh và Tiểu ban điều trị để họp, rút kinh nghiệm, cùng với các phương pháp điều trị của Trung Quốc và các nước khác để cập nhật phác đồ chẩn đoán, cập nhật cho 700 đầu cầu trực tuyến, xuống tận cơ sở y tế tuyến huyện, cùng nhau chi sẻ các kinh nghiệm điều trị.”
Cùng với phương châm điều trị tại chỗ, ngành y tế đang thực hiện 4 cấp độ cách ly đối với người từ vùng dịch đến, người có biểu hiện bị bệnh, người tiếp xúc gần với bệnh nhân và trường hợp có những yếu tố nguy cơ khác. Đây cũng là những kinh nghiệm được rút ra từ công tác phòng chống dịch bệnh SARS mà nước ta đã khống chế thành công năm 2003.