Giảm cân hôm nay

Giảm béo sau sinh bằng điều chỉnh hormone

(SKGĐ) Nếu ăn kiêng, tập thể dục, đi spa không giúp bạn lấy lại vóc dáng sau. Rất có thể, lý do khiến bạn khó giảm cân chính là các loại hormone đang loạn nhịp trong cơ thể bà mẹ mới sinh.

Mấy tháng rồi?

Mỗi lần đi đâu gặp người lạ hay người quen cũ lâu ngày không gặp, ai cũng chúc mừng chị vì “có thêm cháu” không quên kèm theo câu: “Mấy tháng rồi?” khiến chị Phương Thảo (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) rất “dị ứng”. Con trai chị đã 7 tháng mà ai gặp cũng tưởng chị đang mang bầu, khiến chị đã kém tự tin về vòng hai quá khổ của mình lại càng tự ti hơn.

Nào phải chị bỏ bê nhan sắc, không chịu làm đẹp sau sinh, đi bộ, thể dục, spa đánh bụng, giảm ăn giảm uống… chị đều đã thử qua nhưng “béo vẫn hoàn béo”, vòng hai của chị chả giảm đi được phân nào. Vì vụ này, chị với bà nội cháu cũng đã đôi lần xung khắc, thậm chí có lúc chị còn thấy stress kinh khủng. Chả là mới sinh xong, cơ thể mỏi mệt, em bé quấy đêm khiến chị Thảo cực kỳ thèm ngủ. Nhưng khổ nỗi ròng rã 1 tháng ở cữ, cứ sáng sớm, mẹ chồng lại thức con dâu dậy “tẩm bổ” để có sữa cho con bú. Rồi cứ đều đặn 3 tiếng một lần, bà lại mang đồ ăn lên cho chị, “ép” ăn bằng hết. Chị đã nhiều lần nói nhẹ, nói nặng, dỗi hờn, khóc lóc nhưng không thể làm cụ đổi ý.

Nhưng trước thì còn vin vào cái cớ “bị ép ăn” nên mới thành ra nông nỗi. Còn bây giờ con trai đã ăn dặm, chị cũng trở lại với chế độ ăn bình thường, thậm chí còn kiêng khem gắt gao hơn, chăm chỉ luyện tập hơn, vậy mà vẫn không giảm được hoa nào, thì quả vô lý.

Vòng 2 quá khổ: Có thể là do hormone

Lý giải về điều này, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Huy Cường, nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Béo sau sinh không phải là một hiện tượng hiếm. Tuy nhiên, thông thường, cơ thể sẽ có xu hướng giảm dần trọng lượng sau một khoảng thời gian nhất định. Nếu  cơ thể bạn không có dấu hiệu giảm cân sau khi đã thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và tập thể dục, bạn cần đến bệnh viện để khám. Rất có thể, nguyên nhân đến từ tình trạng rối loạn hormone trong cơ thể của chị em sau khi sinh con.

Trong quá trình nuôi con nhỏ, các thói quen sinh hoạt bị đảo lộn càng khiến tình trạng mất cân bằng hormone diễn ra trầm trọng hơn. Ví dụ: Khi phải thức đêm chăm em bé, cơ thể thiếu ngủ trầm trọng sẽ kích thích sản sinh cortisol và làm giảm hormon leptin (loại hormone có khả năng tương tác với não bộ để cơ thể ăn ít hơn và đốt cháy nhiều calo). Chưa kể đến là việc khi thiếu ngủ, cơ thể bạn sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, các cơ quan không đảm trách được chức năng vốn có, khiến cho lượng calo không thể tiêu hao, tăng lượng mỡ tích tụ.Và vì thế, những chị em càng phải thức khuya nhiều trong thời gian sau sinh càng khó giảm cân. Giải pháp đơn giản nhất để lấy lại cần bằng là hãy ngủ đủ giấc và thêm vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mình các loại rau củ xanh và đỏ, các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa.

Ngoài ra, theo bác sỹ Cường, không phải cứ ăn chất béo, hay chất ngọt từ thực phẩm mới tăng cân, căng thẳng thần kinh kéo dài do stress cũng có thể khiến bạn béo phì. Tình trạng căng thẳng kéo dài, stress khiến lượng hormone coritosteroid của tuyến thượng thận tiết ra nhiều hơn bình thường. Lúc này cơ thể dễ dàng rơi vào tình trạng rối loạn biến dưỡng chất béo. Khi đó, cơ thể bạn sẽ phản ứng sai lệch tới não bằng nhiều cách.

Một mặt, hormone insulin của tuyến tụy giúp chất ngọt trong thực phẩm biến thể thành mỡ, thay vì sinh năng lượng trực tiếp như bình thường. Mặt khác, gan sẽ tăng tốc quy trình tổng hợp chất béo để đạt được sản lượng nhiều hơn nhu cầu thực sự. Thêm vào đó, não cũng phát đi tín hiệu sai về nhu cầu năng lượng, dẫn đến việc cơ thể liên tục huy động chất béo và trữ trong những mô mỡ dưới da ở thành bụng, đùi, mông. Hậu quả là tình trạng stress càng kéo dài, cơ thể càng bị rối loạn hormone, nên dù không ăn chất béo, kiêng chất ngọt, vẫn có thể khiến số đo vòng 2 của bạn tăng lên.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của việc dư thừa nội tiết tố tuyến thượng thận, sau mỗi đợt stress, bạn sẽ cảm thấy có những đợt đói bụng kinh khủng trong ngày. Kết quả là dù có cố gắng kiêng khem, bạn sẽ vẫn phải ngấm ngầm làm hòa với cảm xúc, ăn uống vô độ những loại đồ ăn mà bạn thích. Mà những lúc stress, cơ thể con người thường có xu hướng thích ăn đồ ngọt và chất béo vì chỉ có những món này mới giúp thỏa mãn cơn đói. Vì thế, nếu thường xuyên bị stress, bạn nên cân nhắc đến việc nhờ bác sỹ can thiệp để có thể giảm cân hiệu quả hơn.

Giúp cơ thể cân bằng hormone

 Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị gây ra bởi rối loạn hormone, bạn nên duy trì các thói quen dưới đây để chủ động cân bằng hormone, ổn định cân nặng và nhanh chóng về phom:

- Ăn nhiều đậu nành: Thành phần có trong đậu nành có tác dụng tương tự như hormone leptin, báo hiệu rằng cơ thể đã no nên sẽ giúp hạn chế việc ăn uống quá đà.

- Tập thể dục hằng ngày: Giúp làm giảm hormone gây căng thẳng và béo phì cortisol đồng thời làm tăng khả năng miễn dịch.

- Hạn chế đồ uống chứa caffein, có gas: Vì chúng sẽ làm tăng mức độ hormone cortisol gây căng thẳng, dễ gây mất ngủ, suy giảm miễn dịch và béo phì.

 Hoàng Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/giam-beo/giam-beo-sau-sinh-bang-dieu-chinh-hormone-4635/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY