Tâm lý hôm nay

Giao lưu trực tuyến: Cách giảm stress hiệu quả

Stress chỉ trở thành có hại khi bạn tất bật nhưng không còn niềm vui và hứng thú trong công việc. Hãy cùng BS Lương Lễ Hoàng tìm hiểu về căn bệnh này.
BS Lương Lễ Hoàng tư vấn về cách giảm stress trong cuộc sống

Câu hỏi 1:
Em năm nay 36 tuổi, hai năm trước bị mất ngủ, đã điều trị một thời gian dài và cũng đỡ nhiều. Bây giờ thỉnh thoảng em hay bị stress là khó ngủ. Xin bác sĩ tư vấn có thể điều trị dứt điểm được không? Em cám ơn. - Bui Van Bang, 36 tuổi

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Ngày nào cũng stress quá đi thôi mà vẫn ngủ ngon mới là chuyện lạ. Nếu trước đây đã từng nhiều lần mất ngủ nhưng được điều trị hiệu quả, thì điều đó cho thấy bệnh không có nguyên nhân thực thể nào nghiêm trọng mà chỉ là phản ứng sai lệch dưới dạng rối loạn chức năng.

Bạn một mặt có thể hỗ trợ cho hệ thần kinh chắc chắn nhạy cảm của bạn bằng các khoáng tố cần thiết để dẫn truyền thần kinh về đúng điểm rơi như canxi, magie, phốt pho… Thay vì Thu*c an thần chắc chắn không thể là giải pháp lâu dài, bạn có thể dùng một số dược thảo có tác dụng thư giãn thần kinh như lạc tiên, vông nem, câu đằng, bạch quả, đinh lăng…

Mặt khác, bạn phải chủ động và linh động tìm cách xử lý stress của chính bạn, vì ngày nào nguyên nhân còn đó thì hệ quả tất nhiên không mời cũng đến.

Câu hỏi 2:
Kính thưa bác sĩ!
Tôi năm nay 28 tuổi, đã sinh con một lần bằng phương pháp mổ cách đây 2 năm. Tôi nhận thấy tâm trạng mình thực sự không tốt, nhiều lúc làm việc cứ như ngồi trên mây vậy, không thể tập trung, đầu óc cảm giác lúc nào cũng trĩu nặng, mơ hồ, không có gì rõ ràng cả nhưng cũng không trống rỗng. Nhiều lúc tôi tự hỏi liệu mình có bị âm binh không? Hay là đãng trí? Thỉnh thoảng trong một vài khoảnh khắc tôi thấy mình hoàn toàn minh mẫn, phân tích công việc, thị trường đều rất ổn và đi đúng hướng.

Xin nói thêm là tôi bị như thế này khoảng 5-6 năm nay, sau sinh thấy nặng hơn. Trước đây đi học tôi học khá giỏi, nhiều lần thử làm các bài test IQ với số điểm khá cao khoảng 112-130. Tôi có bị bệnh về tâm lý không, là bệnh gì, chữa trị ra sao? Một tuần tôi thường mất ngủ một đêm thức trắng, làm kiểu gì, nghe nhạc nhẹ, đọc truyện, xem phim... cũng không hề buồn ngủ.

Nhưng cơn buồn ngủ lại kéo đến bất kỳ thời gian nào trong ngày và thường là không thể cưỡng lại, nhạc đập bùm bùm bên tai hay đang đi ngoài đường mắt cũng rít lại, đầu mơ màng, kể cả lúc 5-6h chiều. Tôi thấy lo quá. Mong bác sĩ giải thích giùm tôi dù chỉ là sơ qua để tôi yên tâm hơn. - Hai Tra, 28 tuổi, Hà Nội

BS Lương Lễ Hoàng:

Bạn thân mến!

Đãng trí ở người còn trẻ, ở người bề ngoài coi còn khỏe đang và sẽ tiếp tục phổ biến trong cuộc sống tuy được tiếng văn minh nhưng trên thực tế “chỉ vì hiện đại mà hại điện” ở thế kỷ này. Lý do là vì não bộ không chuyển được kích ứng, dù là âm thanh, ánh sáng, cảm xúc…, vào đến bộ nhớ do kích ứng quá dồn dập nên kích ứng sau bôi ngay kích ứng trước.

Bằng chứng là hầu hết đối trượng đãng trí vẫn nhớ rất rõ chuyện ngày xưa, chẳng hạn cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nhưng quên ráo chuyện còn nóng hổi ngay bây giờ. Một trong các lý do khiến dữ liệu chưa kịp save thì đã bị delete chính là STRESS.

Nạn nhân nếu muốn phục hồi trí nhớ cần bình tâm tìm cho ra giải pháp làm sao để não có lúc nghỉ xả hơi đồng thời đừng quên tiếp cho não một số tác chất có công năng như chất keo dán kích ứng vào bộ nhờ, như lecithin trong đậu nành, kẽm trong hải sản…

Đừng quên điều chỉnh nội tiết tố nếu rối loạn kinh nguyệt, bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường, hội chứng mãn kinh, ghi nhận tình trạng mất ngủ gõ cửa thường hơn và hệ thần kinh càng lúc càng quá nhạy cảm theo kiểu nhà hàng xóm rớt cái chén mà bên này hồi hộp cả giờ.

Câu hỏi 3:
Bác sĩ nói tôi bị thiếu máu não nên rất dễ bị căng thẳng... Công việc của tôi cũng vậy, rất thường bị stress. Bác sĩ vui lòng cho hỏi tôi làm thế nào để giảm stress trong công việc, cũng như làm sao để giảm căng thẳng mỗi khi bị stress. Rất cám ơn bác sĩ.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Thiếu máu não là một định nghĩa mơ hồ. Chính xác hơn phải nói là tế bào não thiếu dưỡng khí, vì dưỡng khí tuy đủ trong không khí nhưng không được tế bào dung nạp và sử dụng với tiến độ cần thiết cho chức năng tư duy.

Không ai suy nhược thần kinh mà không thiếu dưỡng khí bên trong tế bào thần kinh. Bạn có thể cải thiện hàm lượng dưỡng khí nội bào thần kinh bằng cách:

- Cải thiện huyết áp thông qua thể dục thể thao.

- Phong bế kích ứng thần kinh thái quá bằng thiền định, yoga, thái cực quyền. Món nào tùy thích miễn vui là chính.

- Bảo vệ cấu trúc tế bào thần kinh bằng chất kháng oxy hóa như vitamin C, khoáng tố selen, chất màu anthocyanin trong rau trái, gaba trong gạo mầm.

- Ổn định dẫn truyền thần kinh bằng châm cứu, bằng dược thảo thuộc nhóm “hoạt huyết” của Đông y như bạch quả, đinh lăng, đương quy, thục địa …

Câu hỏi 4:
Em năm nay 35 tuổi, là nhân viên văn phòng, hơn một năm nay mất ngủ nhiều và ngủ không ngon giấc, đi ngủ lúc 23g được 2 - 3 tiếng sau là tỉnh giấc và không ngủ lại được nữa. Có lẽ em bị stress vì vợ chồng em vừa chia tay nên tâm trạng rất mệt mỏi. Xin bác sĩ cho lời khuyên? Trân trọng cảm ơn bác sĩ. - Lan Hương, 35 tuổi, Nam Định

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Người đặt lưng ngủ ngon, thậm chí rất dễ ngủ, nhưng bỗng bật dậy như bị ai chơi khăm đánh thức trước canh ba rồi sau đó trăn trở chờ sáng là đối tượng rối loạn nhip sinh học. Khi ấy trung khu điều hành giấc ngủ phát tín hiệu sai lệch khiến đêm dài trở thành quá ngắn, khiến nạn nhân thức sớm hơn gà. Lý do thường gặp là vì:

- Hội chứng mãn dục nam ở nam giới từ tuổi 40.

- Hội chứng mãn kinh ở nữ.

- Stress ở người chưa xong công việc trước đó trong ngày.

- Stress ở người có chuyện ấm ức nhưng nói không được.

- Thiếu dưỡng khí trong tế bào thần kinh vì huyết áp thấp.

- Hội chứng “chân ngủ không yên” do thiếu magiê (Mg) vì đã xài hết khoáng tố này trong ngày trước đó qua công việc căng thẳng.

- Tương tư ai đó hoặc bị ai đó nằm cạnh muốn “tương tác”.

Tùy theo nguyên nhân mà điều trị.

Câu hỏi 5:

Con chào bác ạ! Con đang cần tư vấn giảm stress trong cuộc sống gia đình. Con lập gia đình được 6 năm rồi nhưng cuộc sống của con chưa bao giờ yên bình, nhất là từ phía cha chồng.

Áp lực công việc rồi gia đình khiến con nhiều lúc chỉ muốn ch*t đi cho rồi, nhưng lại nghĩ tới con của con nó chưa hiểu được mọi chuyện... Nhờ bác sĩ tư vấn giúp con để cuộc sống thoải mái hơn, bớt phải suy nghĩ. Con xin chan thành cảm ơn. - Đinh thị Hoài Nhi, 32 tuổi

BS Lương Lễ Hoàng:

Không thể giải quyết stress nếu không thẳng thắn vạch rõ nguyên nhân. Trong trường hợp của bạn thì đối tượng cần được điều trị không phải là bạn mà là… cha chồng của bạn. Tình trạng này nếu kéo dài tất nhiên tác động bất lợi trên sức khỏe của bạn.

Đừng quên stress vì áp lực thời gian, chẳng hạn phải về nhà đúng giờ trong thành phố kẹt xe 24/24h còn ghê hơn áp lực vì công việc. Để giải quyết chuyện này chỉ có 2 cách:

- Hoặc bạn chủ động ra riêng để tìm lại được nét yên bình trong cuộc sống riêng tư.

- Hoặc thuyết phục chồng bạn đưa cha đến thầy Thu*c. Khó chịu quá đáng thường là dấu hiệu báo động của bệnh tiểu đường. Không dễ thuyết phục vì nếu dễ giao tiếp một cách hợp lý hợp tình thì nạn nhân đâu khó chịu đến thế. Tuy vậy, gặp người “khó chịu” thân nhân cũng phải “chịu khó” với nỗi đồng cảm với người cao tuổi là nhiều khi thủ phạm chẳng qua chỉ là nạn nhân. Thân!

Câu hỏi 6:

Chào bác sĩ Hoàng. Là một bác sĩ luôn bận rộn, bác sĩ thường giảm stress trong cuộc sống bằng cách nào?

BS Lương Lễ Hoàng:

Với trung bình 30 bài viết mỗi tháng, 2 chương trình truyền hình và 4 chương trình phát thanh hàng tuần cùng mấy chục bệnh nhân mãn tính hàng ngày, một cuốn sách mỗi 3 tháng, tôi tất nhiên có cuộc sống gọi là “không stress không về”.

Mệt là cái chắc nhưng mặt khác câu hỏi dành cho chính tôi là “liệu cuộc sống của tôi có nhàm chán lắm không nếu sáng mai này tôi không còn stress”. Một thầy Thu*c thiếu stress vì bệnh nhân phải chăng là một thầy Thu*c chữa bệnh… dở?

Tôi vì thế không xem stress là thù, tôi cũng không cần xem đó là bạn, nhưng là động cơ để tôi “mỗi ngày không cần chọn một niềm vui” trong “một cõi đi về”.

Stress chỉ trở thành có hại khi bạn tất bật nhưng không còn niềm vui và hứng thú trong công việc. Chính sự nhàm chán trong công việc, trong cuộc sống khiến tuyến yên không phóng thích nội tiết tố endorphin.

Đây là chất giúp ta vẫn lạc quan ngay trong những giây phút cực kỳ đen tối, chất giúp ta yêu đời dù đời thấy ghét, yêu người dù người thấy ghét và yêu mình dù mình khó ưa.

Câu hỏi 7:
Tôi hay tự tưởng tượng những khó khăn, hay sống cho quá khứ và cảm thấy rất khó chịu, thường bị nhức đầu. Xin tư vấn cho tôi làm sao để mình thắng được lòng mình, có cuộc sống nội tâm thoải mái. Xin cảm ơn. - Huỳnh Thái Trung, 37 tuổi, Đồng Tháp

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Nhìn thật kỹ những hoàn cảnh đáng thương quanh mình, nhìn thật rõ các tấm gương nghị lực của người khuyết tật và ngưng ngay cái lối suy nghĩ bi quan chán èo của một thanh niên mới 37 tuổi chưa hề đặt câu hỏi cho chính mình là “tôi đã làm được gì cho chính bản thân để đừng hổ thẹn với chính mình” trong khi “người khác đã làm quá nhiều điều cho tôi có ngày hôm nay”.

Đừng lên mạng tìm Thu*c thần tiên, cũng đừng chat với người vô công rỗi nghề. Thu*c tốt có sẵn trong tầm tay.

Theo BS Lương Lễ Hoàng - VnExpress
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/giao-luu-truc-tuyen-cach-giam-stress-hieu-qua-n210849.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY