Trước đây, để đánh bắt chim trời, thợ săn thường dùng các các loại bẫy như dùng lưới hay dùng chim mồi để bẫy, thậm chí còn dùng súng để săn bắn khi đàn chim tìm chỗ nghỉ. Tuy nhiên, đến nay khi nhiều công nghệ hiện đại, việc bẫy chim cũng đã có nhiều thay đổi.
Chẳng hạn, cũng trên những tấm lưới bẫy nhử lâu nay, người săn chim còn mở các file ghi âm tiếng chim khác nhau nhằm gây sự chú ý cho những đàn chim đang bay trên cao nghe thấy. Khi đàn chim sà xuống “bãi đáp” ngay lập tức mắc vào những “cạm bẫy” mà thợ săn giăng ra. Cách làm này rất hiệu quả, bởi khi đàn chim từ 30-50 con sà xuống, thì hầu như đều dính bẫy.
Tại nghệ an, nhiều địa phương đã trở thành “điểm nóng” xảy ra hiện tượng săn, bẫy chim hoang dã một cách tràn lan, trong đó có huyện diễn châu, quỳnh lưu, nghi lộc… thực tế, tại các địa phương thường xảy ra tình trạng bẫy chim trời hầu hết đều có cánh đồng rộng lớn hay bãi biển dài với nhiều rừng cây. tùy vào số lượng nhiều hay ít, lưới sẽ được quây theo vùng rộng hay hẹp.
Các điểm bẫy chim được phủ trắng những đàn chim giả làm bằng xốp, cũng là những vị trí được giăng “thiên la địa võng” bẫy chim trời bằng hệ thống nhựa được cắm dày đặc. tại đây được bố trí các con chim mồi thật để thu hút sự chú ý của các đàn chim, chỉ cần chúng sà xuống là dính bẫy. những chú chim trời “xấu số” trở thành mồi nhậu.
Còn tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò và xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc hơn 1 tuần nay, nhiều “tay” săn chim đã “phong tỏa” một khu vực bãi đất rộng lớn để bẫy chim. Những thợ săn cò thường có hàng trăm que nhựa được bọc vào đầu các thanh tre vót nhọn (một loại chất rất dính).
Sau đó, cắm vào ruộng lúa, lùm cây. Lúc này, những con cò mồi đã được những tay thợ săn cho đậu trên cành cây, buộc chặt để làm mồi nhử. Chỉ trong chốc lát, những đàn cò di cư, đã bị sa vào bẫy của con người và chúng bị bắt, vặt lông không thương tiếc.
Hay như, tại địa bàn xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu việc người dân săn, bắn chim trời vẫn diễn ra một cách công khai. Tại một khu vực rừng cây phi lao ven biển xuất hiện một nhóm khoảng 10 người (có cả trẻ em) đang thực hiện đánh bắt chim trời. Nhóm thanh niên này đã bắt được khoảng trên dưới 15 con chim như: Vạc, cò, cói đã được vặt lông và nhóm lửa nướng ngay tại trận.
“Mấy tuần nay, sau những đợt mưa bão, lượng chim bay từ biển vào khá nhiều. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ chúng tôi đánh được khoảng 12 con rồi. Mỗi con vạc bán được khoảng từ 50 - 100 nghìn đồng. Biết là sai, nhưng nó cũng là thức ăn, thậm chí là kinh tế của nhiều gia đình ven biển như chúng tôi” - anh N. thợ săn chim cho biết.
Theo số liệu của UBND xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu), chỉ trong một buổi ra quân, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Kiểm lâm huyện, công an, quân sự xã đã phá dỡ 30 điểm bẫy chim cò, tiêu hủy 450 con cò giả và 800 m lưới.
Trong khi đó, toàn huyện Diễn Châu, qua gần một tháng ra quân, các xã đã triệt xóa 545 điểm đánh bắt chim cò, tiến hành thu giữ trên 35.000 m lưới và tiêu hủy gần 75.000 cò giả làm bằng xốp.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tiến hành kiểm tra các nhà hàng, khu chợ trên địa bàn, nếu phát hiện tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Vũ Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Tình trạng săn bắt chim trời trên địa bàn thường xuyên xảy ra, nhất là vào vụ thu đông. Xã cũng đã giao cho lực lượng công an thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xóa bỏ, tịch thu, xử lý các phương tiện dùng để bẫy chim trời.
Được biết, vừa qua chi cục kiểm lâm nghệ an đã có văn bản yêu cầu các hạt kiểm lâm trực thuộc tăng cường quản lý đàn chim di cư trong mùa mưa, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã và tổ chức truy quét nạn săn bắt chim di cư. tuy nhiên việc đánh bắt chim trời theo kiểu “tận diệt” vẫn xảy ra...