Trường hợp này Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Phấn, Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam, phó Chủ tịch hội Giới tính Việt Nam đã gặp cách đây nhiều năm, chia sẻ lại ngày 22/3, đánh giá là rất hiếm gặp, cả ở Việt Nam và thế giới.
Bệnh nhân ở Kim Liên, đã đi khám chữa vô sinh trước đó nhưng không tìm ra nguyên nhân. Sau khi kiểm tra không có tinh trùng trong tinh dịch, phó giáo sư Phấn chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Ông phát hiện rất nhiều tinh trùng trong nước tiểu.
Bình thường, nước tiểu không có tinh trùng. Về nguyên lý, tinh hoàn sản xuất tinh trùng, tinh trùng được tích lũy trong túi chứa tinh (túi chứa tinh nằm ở gần bàng quang). Sau mỗi lần xuất tinh, túi chứa tinh co bóp, đẩy tinh trùng ra ngoài.
Ở bệnh nhân này, nước tiểu lấy sau xuất tinh khoảng 30-40 ml, xét nghiệm thấy có rất nhiều tinh trùng. chuyên gia chỉ định xét nghiệm lại một lần nữa sau 10 ngày. lần xét nghiệm sau lượng tinh dịch vẫn rất ít và không có tinh trùng, tuy nhiên lượng nước tiểu khoảng 20 ml, mỗi ml nước tiểu này có đến 120 triệu tinh trùng, "cực kỳ nhiều", phó giáo sư nói. thông thường trong một ml tinh dịch có 15 triệu tinh trùng. số lượng tốt nhất là > 70 triệu tinh trùng trong một ml tinh dịch. như vậy số lượng của bệnh nhân cao gấp nhiều lần thông thường.
Đặc biệt hơn, khi để nước tiểu chứa tinh trùng trong tủ lạnh, gần một tuần sau mang ra xét nghiệm vẫn còn có tinh trùng di động. Trong khi nguyên tắc tinh trùng sống được 2-3 ngày trong vòi tử cung, ra ngoài môi trường ch*t khá nhanh.
Kết quả chụp X-quang bệnh nhân phát hiện túi chứa tinh có một đường thông với bàng quang. Đây là nguyên nhân khiến tinh trùng từ túi tinh di chuyển hết sang bàng quang, không có tinh trùng nào trong tinh dịch, khiến không thể có thai.
Phó giáo sư Phấn cho biết lỗ thông từ túi chứa tinh sang bàng quang là trường hợp rất hiếm gặp, có thể do bẩm sinh, hoặc do viêm nhiễm tạo thành một đường thông. Bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu không phát hiện, sẽ không thể có con tự nhiên. Để điều trị, cần thực hiện phẫu thuật thắt phần thông giữa túi chứa tinh và bàng quang lại thì tinh trùng lại ra ngoài tinh dịch như bình thường và sẽ có con tự nhiên.
Trường hợp này, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân đã được kiềm hóa nước tiểu, lọc rửa tinh trùng, bơm vào buồng tử cung người vợ. Kết quả là cặp vợ chồng đã có con trước khi phẫu thuật thắt nơi nối thông túi chứa tinh và bàng quang.
Hình ảnh tinh trùng trong nước tiểu. Ảnh: Fishki
Phó giáo sư Phấn cho biết trường hợp này khác với việc xuất tinh ngược, tinh trùng đi ngược lên bàng quang, dẫn tới việc trong nước tiểu có tinh trùng.
Ông giải thích: "nếu xuất tinh ngược, đôi khi trong nước tiểu vẫn có tinh trùng, nhưng thỉnh thoảng mới có và có số lượng ít. nhưng trường hợp này tinh dịch rất ít và không hề thấy tinh trùng, ngược lại lượng lại rất nhiều".
Để chẩn đoán chính xác phân biệt hiện tượng xuất tinh ngược và xuất tinh vào bàng quang, cần yêu cầu bệnh nhân kiêng xuất tinh 5 ngày. khi đến xét nghiệm, bệnh nhân cần đi hết nước tiểu, lấy tinh, sau đó bệnh nhân lấy nước tiểu luôn. lúc này lượng nước tiểu không nhiều thì xét nghiệm tìm sẽ thuận lợi hơn. trường hợp có xuất tinh ngược thì có lần tinh trùng vào nước tiểu nhiều, có lần vào ít hơn và trong tinh dịch đương nhiên vẫn có tinh trùng, lượng tinh dịch cũng có thể giảm nhiều hoặc ít.
Trong trường hợp có đường thông giữa túi tinh và bàng quang thì tinh dịch không có tinh trùng mà nước tiểu lại có tinh trùng, thậm chí là nhiều hơn ở trong tinh dịch.
Chuyên gia cho biết, trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch hoặc xét nghiệm tinh dịch có lần thấy nhiều tinh trùng, có lần ít, nên làm thêm xét nghiệm tìm để phát hiện hiện tượng xuất tinh ngược và xuất tinh vào bàng quang. từ đó, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị thích hợp.