Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Hành trình đi tìm đồng đội của người lính Trung đoàn Ba Gia

(MangYTe) - Những năm tháng chiến tranh ác liệt đã lùi xa nhưng nỗi nhớ thương những đồng đội đã nằm lại trên chiến trường thì chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng cựu chiến binh Trần Văn Tần (phường Thanh Bình, Hải Châu, TP Đà Nẵng). Hòa bình lập lại đã hơn 40 năm thì cũng gần như bấy nhiêu năm ông âm thầm, lặng lẽ với tâm huyết đưa đồng đội, đồng chí của mình về lại với gia đình.

18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Văn Tần (SN 1945, quê xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam) cùng bạn bè  đồng trang lứa tình nguyện nhập ngũ và được phân về hoạt động chính trị tại Biệt khu đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 6/1964, bị địch bắt và phải chịu mức án một năm tù treo. Rời khỏi mảnh đất Sài Gòn, ông tiếp tục chiến đấu và trở thành chiến sĩ của Đại đội 12 ly 8, thuộc Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2, Quân khu V. Giữa những trận đánh ác liệt, sinh tử thoáng qua từng giây phút, bản thân ông đã 3 lần “trở về từ cõi ch*t” và cũng đã chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống…

Mùa hè năm 1965, mặc dù đế quốc Mỹ ra sức tấn công, bắn phá điên cuồng các chiến trường nhằm thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” tuy nhiên Quảng Ngãi vẫn làm chủ được nhiều vùng rộng lớn sau các đợt tiến công và nổi dậy, phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ. Quân và dân Quảng Ngãi hừng hực khí thế chiến đấu…

Tranh thủ nằm nghỉ lấy sức trước trận đánh, nhưng cứ nghe tiếng máy bay địch gầm rú bên ngoài hầm, hai chiến sĩ trẻ Trần Văn Tần và Phạm Ngọc Mân (Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu v) lại  trằn trọc, bồn chồn không yên.

 Cựu chiến binh Trần Văn Tần (giữa) xem lại anbum ảnh ghi lại những khoảnh khắc đi tìm mộ đồng đội, xem lại cuốn hồi ký do ông viết.

“Đêm đó không hiểu sao tôi cứ trằn trọc mãi. Đang miên man suy nghĩ thì đột nhiên nghe giọng Mân cất lên “Sau này hòa bình rồi, liệu tau và mi còn gặp lại nhau nữa không?”. Tôi gạt đi lời Mân đi rồi bảo lo nghỉ ngơi mai còn ra trận nhưng thực ra chẳng thể chợp mắt được và tôi biết anh bạn cũng thế… Ngày hôm sau, Mân ngã xuống ở tuổi đôi mươi trong một trận đánh ác liệt…” – ông Tần rưng rưng nước mắt kể lại.

Chiến dịch mùa khô đầu năm 1966, quân đội Mỹ tiếp tục huy động lực lượng càn quét khắp các vùng ở Quảng ngãi.

Sau thời gian dài ở Quảng Ngãi, đơn vị ông Tần hành quân ra Quảng Nam. Đến thôn Khánh Thượng (nay là xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) thì đơn vị hỏa lực của ông tạm nghỉ, bố trí ở nhà dân.

1h sáng ngày 1/4/1966, địch bất ngờ đổ quân tấn công, trên trời máy bay địch gầm rú, bắn phá điên cuồng, chiếm các cao điểm. Quân ta chiến đấu cảm tử, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắn rơi máy bay trực thăng, tuy nhiên cũng thương vong nhiều.

“Đó là một cuộc chiến không cân sức giữa quân ta với quân đội Mỹ có vũ khí tối tân, hiện đại. Đơn vị tôi chiến đấu với địch suốt một thời gian dài, đồng đội hy sinh gần hết. Tôi bị một viên đạn xuyên ngực, máu chảy ròng ròng. Thấy vậy, anh Mười (Đại đội phó Đại đội 12 ly 8) kêu tôi tìm chỗ nằm rồi ra lệnh tiếp tục chiến đấu. Tôi ráng lết đến một cái hầm của dân thì ngất xỉu, không biết gì nữa” - ông Tần kể.

Đến lúc ông tỉnh lại thì thấy hai đồng đội khác là ông Nha (quê Hiệp Đức) và ông Toại (quê Thăng Bình, Quảng Nam) đang trú trong hầm và cũng đang  bị thương rất nặng. Cả ba không còn một viên đạn nên xác định cùng nhau hy sinh nếu địch phát hiện, chứ nhất quyết không chịu đầu hàng. Lát sau, có hai lính Mỹ tiến về phía họ rồi liên tiếp xả súng khiến ông Nha và ông Toại hy sinh. Ông Tần nằm khuất trong hầm nên thoát ch*t.

Bị thương cả ngày, vết thương không được băng bó mất rất nhiều máu nên sức của ông cứ yếu dần đi, gắng chút sức lực cuối cùng để bò ra khỏi trận địa, ông Tần được dân cứu và đưa vào trạm gác.

 Ông Trần Văn Tần tìm về chiến trường xưa và thắp nhang cho những đồng đội đã hy sinh. (Ảnh: TƯ LIỆU)

“Chiến tranh ác liệt, đạm bon không biết né người, anh em ra trận luôn chuẩn bị tinh thần sẽ hy sinh bất kỳ lúc nào. Giờ hòa bình, tôi may mắn sống sót nhưng máu thịt  anh em, đồng đội đã hòa quyện vào mảnh đất Khánh Thượng…” – ông Tần tâm sự.

Suốt bao năm, ông Tần vẫn luôn đau đáu về câu hỏi  “sau hòa bình còn gặp lại nhau không” của người bạn thân, về hai người đồng đội đã anh dũng hy sinh nhưng vẫn chưa được trở về với quê hương, với gia đình. Những suy nghĩ ấy như thôi thúc người lính già trở lại chiến trường xưa, lần tìm những đồng đội đã ngã xuống.

Và hơn 30 năm sau, ông Tần mới tìm được nơi ông Mân ngã xuống để thắp cho người đồng đội một nén nhang. Ngày tìm được Liệt sĩ Mân và báo cho gia đình, cả hai bên đều xúc động nghẹn ngào, lòng ông cũng cảm thấy nhẹ hơn...

Sau giải phóng miền Nam, ông Tần còn làm nhiệm vụ tại Campuchia 10 năm trước khi về làm chủ nhiệm hậu cần Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1993, ông về hưu, vì nghĩa tình với đồng đội, chiến trường xưa, ông mang trên vai 31 mảnh đạn quay lại chiến trường ác liệt năm xưa để nhớ và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm những đồng đội không may nằm lại quê người.

Hai vợ chồng ông Tần lặn lộn về Thăng Bình rồi Hiệp Đức mới hay tin hai đồng đội là ông Nha, ông Toại đều không có giấy báo tử, hồ sơ cá nhân đều đã thất lạc. Không bỏ cuộc, ông bà bắt đầu hành trình dài “tìm lại tên” cho người đã khuất. Sau một thời gian, ông tìm được mộ của ông Nha và ông Toại đang yên nghỉ tại nấm mồ chung của 112 liệt sĩ  vô danh khác và báo về cho gia đình các anh. Riêng Liệt sĩ Nha không còn người thân, ông đã mang về thờ và làm giỗ hằng năm.

Năm 2008, ông vận động anh em, bạn bè, đồng đội số tiền 40 triệu đồng để xây dựng bia tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến Khánh Thượng năm xưa. Ông và gia đình cũng thường tổ chức giỗ chung cho những đồng đội không còn người thân vào tháng 7 hằng năm.

Đến nay, đã có gần 50 liệt sĩ được ông Trần Văn Tần tìm về với gia đình. Hễ có người nhờ hỗ trợ trong việc tìm kiếm, ông luôn sẵn sàng đi cùng. Ông cũng thờ và làm giỗ cho năm liệt sĩ không còn người thân.

Hành trình đi tìm đồng đội của những cựu chiến binh như ông Trần Văn Tần sẽ mãi là câu chuyện đẹp viết thêm vào trang truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Là bài học cho thế hệ tương lai rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với những chiến sỹ cách mạng đã không tiếc xương máu hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Lê Tâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Bảo vệ pháp luật (https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/hanh-trinh-di-tim-dong-doi-cua-nguoi-linh-trung-doan-ba-gia-87514.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY