Tâm sự hôm nay

Hãy để tôi ra đi

Tôi là một người đàn ông có vợ và ba đứa con. Cuộc sống vật chất của tôi tương đối thoải mái nhờ có nhà hàng ăn mà tôi làm chủ.

Ngày... tháng... năm...

Tôi là một người đàn ông có vợ và ba đứa con. Cuộc sống vật chất của tôi tương đối thoải mái nhờ có nhà hàng ăn mà tôi làm chủ. Tôi sống khá khép kín với mọi người xung quanh, thậm chí cả bố mẹ và các anh chị em trong gia đình. Dù sao ở tuổi 49 này thì ai cũng có một gia đình riêng của mình rồi. Ở cách bố mẹ có vài cây số nhưng tôi cũng không thường xuyên thăm hỏi.

Ngày... tháng... năm...

Đứa con gái lớn của tôi lấy chồng. Hai đứa nó lỡ có bầu với nhau. Gia đình hai bên thống nhất cho hai đứa cưới càng sớm càng tốt. Hàng xóm xì xào bảo vợ chồng tôi chỉ biết làm ăn mà không lo nuôi dạy con cái. Tôi kệ. Chúng nó sống thế nào là đời của chúng nó. Nhìn nó bụng bầu mặc áo cô dâu, tôi bực mình. Khác gì úp cái rổ vào mặt bố nó. Anh chị em trong nhà cũng chỉ qua chúc vài câu xã giao.

Ngày... tháng... năm...

Tôi thấy trong cơ thể mình có gì đó không ổn. Tôi hay bị ho và khó thở, nhiều khi phải ngồi xuống để lấy hơi. Tôi không làm được việc nặng nữa, đặc biệt mỗi lần vào bếp nấu ăn tôi lại bị ho nhiều hơn. Mùi bếp than quen thuộc giờ đây trở thành thứ gì đó khó ưa. Dù trong nhà có đứa cháu làm bác sĩ ở bệnh viện Trung ương nhưng tôi vẫn tự đi khám một mình.

Ngày... tháng... năm...

Hơn ba tháng đi khám mà không tìm ra bệnh, tôi đành phải gọi cho đứa cháu. Nó hỏi tôi một vài câu rồi đưa đi chụp XQ phổi. Không thấy nó phản hồi gì lại mà chỉ im im đưa tôi đi chụp CT. Tôi chưa hiểu lắm nhưng đoán là cần thì cháu nó mới đưa đi như vậy. Rồi cũng ra kết quả, nó bảo trong phổi tôi có một cục u, giống như cục thịt thừa, nằm ở đâu đó cái chỗ giữa hai lá phổi. Tôi phải mổ.

Ngày... tháng... năm...

Trong đầu tôi chưa hình dung ra được mình bị làm sao, hỏi cháu thì nó bảo “không sao đâu, bệnh này thường gặp chú ạ, mổ xong một thời gian là hết”. Tôi im lặng. Mấy ngày đầu nhập viện tôi thấy rất khó chịu, phần vì không rõ mình bị làm sao, phần vì buồn bực chân tay do lạ môi trường. Cũng may là tự dưng họ hàng và bạn bè quan tâm hơn, đến thăm tôi trong bệnh viện. Không ai nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng tôi lờ mờ đoán được một điều không lành.

Ngày... tháng... năm...

Tôi mở mắt với những thứ máy móc và ống xung quanh mình, xa lạ. Miệng tôi được gắn với một cái ống thở khiến tôi không thể mở miệng gọi xung quanh được. Nhưng chính cơ thể lúc ấy cũng không nghe theo lời tôi, chân và tay tê liệt. Phải mất một lúc sau, người ta mới phát hiện tôi đã mở mắt. Vừa mừng vì được chú ý tới, vừa mệt như sau một chuyến đi dài, tôi ngủ tiếp. Lần mở mắt thứ hai, tôi thấy vợ và những đứa con của mình bên cạnh, cười chung một nụ cười chào đón. Thứ gì đó len lỏi trong tôi, lâng lâng khó tả. Về sau tôi mới gọi được tên nó là: hạnh phúc.

Ngày... tháng... năm...

Tôi ra vào thường xuyên hơn ở Khoa Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ. Cháu tôi bảo phải vào để truyền Thu*c đánh cho mấy thứ u cục ấy không quay lại nữa. Tôi cười tươi làm ra vẻ hiểu hiểu, nhưng trong lòng tôi hiểu mình phải đối mặt với một thứ bệnh nan y: ung thư phổi. Ở đây, tôi làm quen được với vài người bạn già tốt bụng. Từ ấy, tôi đồng hành cùng bệnh viện và những người bạn này. Tôi chủ động cạo trọc tóc ngay lần đầu tiên vào truyền hóa chất. Anh em bạn bè đều bảo: nhìn như Việt kiều về nước ấy. Cơ thể to béo và cái đầu trọc vậy mà hợp mốt. Tiện thể tôi đóng bộ véc luôn cho tự tin.

Ngày... tháng... năm...

Một buổi chiều ở bệnh viện, ông bạn hay tâm sự với tôi nhất đã quên mất giờ đi đánh cờ. Tôi tìm đến giường thấy ông ấy đang nằm mà không buồn dậy. Tôi hỏi làm sao thế? Ông ấy nói: “Tôi buồn. Còn nhiều việc chưa làm được quá, giá như ngày xưa tôi sống khác đi”. Nghe đến vậy, tôi im lặng. Chính tôi cũng đang buồn như vậy.

Ngày... tháng... năm...

Sau vài đợt truyền hóa chất, tôi được chụp kiểm tra lại và cháu tôi vui mừng báo rằng: “Chúng nó bay hết rồi đấy ạ!”. Tôi trở về nhà trong sự chào đón của mọi người. Việc đầu tiên tôi làm là thay mấy cái bếp than bằng bếp điện cho vợ tôi nấu nướng.

Ngày... tháng... năm...

Những ngày sau đó thực sự rất đẹp và ý nghĩa. Tôi đi thăm hỏi bố mẹ và họ hàng thường xuyên hơn. Bình thường tôi ít khi mở hầu bao ra mua quà cho mọi người, nhưng hình như sau khi trở về từ bệnh viện, tôi đã thay đổi. Tôi cũng dành nhiều thời gian để chăm sóc cho hai đứa con chưa lập gia đình và người vợ của tôi. Cứ mỗi tháng tôi lại dành ra một khoản tiền đưa cả nhà đi du lịch. Cuộc đời tươi đẹp ấy kéo dài hơn mười sáu tháng sau.

Ngày... tháng... năm...

Tôi bị gãy cổ xương đùi. Mặc dù có đi kiểm tra định kỳ và đã được bác sĩ căn dặn trước nhưng tôi vẫn bị như vậy sau một lần ngã trong nhà vệ sinh. Cổ xương đùi của tôi đã có một ổ di căn từ trước nhưng mãi cho đến ngày hôm nay nó mới gây hậu quả. Tôi được mổ. Khi quay lại căn phòng ở bệnh viện sau gần hai năm, tôi được các bác sĩ và điều dưỡng nhận ra ngay. Tôi cũng vui mừng như gặp lại người thân. Nhưng khi hỏi đến mấy người bạn cùng phòng, cô điều dưỡng trẻ nói trong khóe mắt rưng rưng: “Họ ra đi cả rồi chú ạ”.

Ngày... tháng... năm...

Cơ thể tôi ngày càng mệt mỏi. Đau lưng. Rồi đau bụng. Rồi hoa mắt. Tôi dần dần cảm nhận sự suy sụp nhanh chóng. Tôi ngất. Khi tỉnh dậy, cháu tôi ở bên cạnh động viên: “Nó chạy lên não rồi, nhưng chú yên tâm, cháu sẽ dùng loại dao mổ hiện đại nhất để cắt bỏ nó đi”. Tôi mỉm cười. Ca mổ diễn ra thành công với một bác sĩ giỏi và một con dao mổ tên là dao gamma. Chỉ tiếc là sau mổ, tôi không còn đi lại được nữa, phải ngồi xe lăn.

Ngày... tháng... năm...

Cháu tôi phải đi công tác nước ngoài. Trước khi đi nó nói: “Chú yên tâm, cháu sẽ hội chẩn với giáo sư của cháu ở nước ngoài, khi về cháu sẽ mang cho chú loại Thu*c mới nhất nhé!”. Tôi mỉm cười. Trong lòng có chút lo lắng liệu tôi có chờ được đến ngày ấy hay không.

Ngày... tháng... năm...

Những cơn đau vật vã, tôi không ngủ được. Ngay đến việc tự chăm sóc bản thân tôi cũng không còn làm được nữa. Cơ thể tôi cứ vật lộn mãi. Bác sĩ cho tôi loại Thu*c giảm đau mạnh nhất, nhưng cũng không giúp được gì. Tôi phải vào viện.

Ngày... tháng... năm...

Trên người tôi lại đầy ắp các thứ dây và ống, máy móc xung quanh kêu tít tít. Tôi vẫn cảm nhận được xung quanh, mắt vẫn có thể nhìn được, miệng còn nói được thều thào, nhưng chân và tay tê liệt. Vợ tôi, rồi con tôi, rồi đứa em trai tôi thay nhau trông tôi, bao nhiêu ngày tôi cũng không biết, chỉ biết rằng mỗi lần mở được mắt ra, tôi không ở một mình. Ôi cả đời tôi chỉ thích ở một mình, nhưng hơn hai năm cuối cùng này, dù ngắn ngủi mà còn ý nghĩa và đáng sống hơn nhiều so với những chuỗi năm tháng trước đó. Tôi không biết điều này xảy đến với mình là không may mắn, hay ngược lại, chính nó đã giúp tôi tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống, tìm lại được gia đình và người thân.

Những cơn đau vẫn gào thét trong cơ thể thoi thóp của tôi. Có lẽ đã đến lúc rồi. Kết thúc để tôi được ra đi thanh thản. Kết thúc để tôi được chìm trong hạnh phúc của sự chăm sóc từ gia đình mình. Kết thúc vì tôi đã thực sự tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, ngắn hay dài không quan trọng bằng có mục đích hay không. Đâu cần phải sống thoi thóp như vậy, tôi muốn được ra đi thật nhẹ nhàng, êm ái, trong cái thân hình còn nguyên vẹn, trong lúc tâm hồn tôi còn xao động được, trong khi tôi còn nhìn thấy gia đình tôi vây quanh.

Bỗng thấy bóng áo trắng bước vào phòng. Tôi mấp máy môi không thành lời. Giọt nước mắt lăn ra ở khóe mi, cố gắng gửi gắm thông điệp: “Hãy để tôi được ra đi!”. Tôi nhắm mắt. Chìm vào giấc ngủ.

Mời tham gia Diễn đàn “quyền được ch*t”

Việc Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất bổ sung “quyền được ch*t” vào Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2005, khi xây dựng Bộ luật Dân sự, có ý kiến đề nghị những người mắc bệnh hiểm nghèo, y học bó tay có thể có quyền được “an tử”. 10 năm sau, khi xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, lại có những ý kiến đề xuất đưa “quyền được ch*t” vào Bộ luật Dân sự. Ðể rộng đường dư luận, báo Sức khỏe&Ðời sống mở Diễn đàn “quyền được ch*t”, kính mời bạn đọc, các chuyên gia, các học giả tham gia đưa ý kiến của mình cho một đề xuất luật đầy tính nhân văn rất sát sườn người dân nhưng rất khó trong quản lý cũng như trong việc thay đổi quan niệm văn hóa này.

Bài viết đóng góp cho diễn đàn xin gửi về hòm thư: bandientuskds@gmail.com, banthukysk@gmail.com hoặc gửi theo đường bưu điện về báo Sức khỏe&Ðời sống, Bộ Y tế, 138A Giảng Võ, Ba Ðình, Hà Nội (ghi rõ bài tham gia diễn đàn “Quyền được ch*t”).

Thanh Vân

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-hay-de-toi-ra-di-14963.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY