Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Hệ lụy từ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng

(MangYTe) - Gần 1.600 sản phẩm mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bị tiêu hủy do không chứng minh được nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng để lưu thông trên thị trường.

Theo cục quản lý thị trường tỉnh lạng sơn, toàn bộ số hàng hóa mỹ phẩm vi phạm trên do đội quản lý thị trường số 7 phát hiện, thu giữ tại hộ kinh doanh dương thị linh, địa chỉ xã tân thanh, huyện văn lãng (lạng sơn) trong tháng 8/2022.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, cơ sở kinh doanh này thường xuyên bán hàng hóa qua trang mạng xã hội zalo. Điều đáng nói, số hàng hóa trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng sử dụng.

Đội Quản lý thị trường số 7 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 triệu đồng đối với chủ hộ kinh doanh Dương Thị Linh và buộc đối tượng này thực hiện tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm.

Việc tiêu hủy số hàng hóa mỹ phẩm vi phạm trên được tiến hành tại bãi rác Tân Lang, thôn Kéo Van, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) trước sự giám sát của lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn. Việc tiêu huỷ hàng hoá được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Lạng Sơn tiêu hủy lượng lớn mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Những nguy cơ khi dùng phải mỹ phẩm kém chất lượng

Nói tới mỹ phẩm kém chất lượng, các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mỹ phẩm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của phái đẹp. Tuy nhiên, nếu như sử dụng sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả thì đó là một thảm họa. Chúng không những không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, mà nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình và sức khỏe.

Bởi thực tế, mỹ phẩm nhái, kém chất lượng thường không có những chất bảo vệ da hoặc thành phần không được nghiên cứu kỹ càng, không qua khâu kiểm nghiệm nào, vì thế chẳng ai đảm bảo chắc chắn nó an toàn cho làn da. Bên cạnh đó, những sản phẩm làm giả thường có các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng và làm tổn thương da. Da trở nên thiếu sức sống, nhiễm khuẩn, dễ bị bắt nắng và mụn nhọt khiến da trở nên xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, một số trường hợp mặt bị sưng phù, nếu tiếp tục dùng thì sẽ dẫn đến da bị teo, giãn mao mạch.

Các dấu hiệu thường thấy khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm kém chất lượng là sau khi sử dụng vài phút hoặc nhiều giờ sẽ bắt đầu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bong vảy da,… đặc biệt, khi ngưng dùng da nổi nhiều mụn, sần sùi, rất khó điều trị, làn da rất khó thích nghi với bất cứ sản phẩm nào sau đó, da dễ nhạy cảm hơn và có cảm giác châm chích ngứa thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra để tiết kiệm chi phí sản xuất và tạo lòng tin cho khách hàng, các cơ sở kinh doanh trái phép đã đưa vào thành phần kém chất lượng hay các hóa chất độc hại như corticoid, parabens, propylene glycol, chì, thủy ngân,… Mỹ phẩm nhái thường sử dụng những hóa chất này bởi chúng có giá thành rẻ nhưng có thể nhanh chóng đem lại cho bạn vẻ đẹp như ý. “Chớm nở” thì cũng “sớm tàn”, những hậu quả khôn lường sẽ dần hiện rõ trên cơ thể.

Đặc biệt những hóa chất cực mạnh gây bào mòn da khiến da trắng và mịn nhanh chóng tức thời. Nhưng cùng với nó lớp màng bảo vệ da cũng bị bào mòn một cách nhanh chóng, cấu trúc tự nhiên của làn da bị phá hủy gây khô bong tróc vảy nhỏ, nhiều mụn cám li ti, sạm đi nhanh chóng. Làn da sẽ bị lão hóa sớm, trở nên nhăn nheo và nhìn bạn sẽ già đi trông thấy. Nếu sử dụng một thời gian dài, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến ung thư da.

Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết”. Cũng đã có những trường hợp ảnh hưởng nặng tới mức biến đổi các tế bào dẫn đến u bướu hay ung thư như: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tử cung.

Cách nhận biết mỹ phẩm giả, kém chất lượng

Rất khó để nhận biết và phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả bởi vì nhiều loại mỹ phẩm giả, nhái đã được làm rất tinh xảo giống như hàng thật từ mẫu mã, mùi hương cho đến màu sắc, khiến cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Tuy nhiên nếu để ý cẩn thận người tiêu dùng vẫn có thể biết cách phân biệt.

Mỹ phẩm giả thường được sale sốc, sale lớn đến 70 – 80% nên có sức hấp dẫn khó cưỡng, khiến nhiều người đặt mua ngay mà không cân nhắc quá lâu vì sợ hết hạn. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại nếu một món mỹ phẩm được giảm giá mạnh hay có giá quá thấp so với mặt bằng chung thì hãy cẩn thận vì đây có thể là mỹ phẩm giả hoặc đã hết hạn sử dụng.

Khi mua các sản phẩm nước hoa, mascara hoặc son kem, son nước hãy chú ý khi ngửi mùi sản phẩm hoặc đặc điểm chất liệu sản phẩm. Mỹ phẩm xịn có mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu chứ không nồng nặc mùi hóa chất như sản phẩm nhái.

Về mặt cảm quan, các loại son, phấn mắt và phấn má là hàng thật thì khi test trên da có cảm giác nhẹ, mùi thơm thoảng và dễ chịu, độ phủ mịn, bóng. Còn sản phẩm giả khi thoa lên sẽ có cảm giác bí và nặng da, mùi nồng gắt.

Tiếp đến phần nhãn mác của mỹ phẩm giả rất phong phú và đa dạng, đầy đủ các chủng loại không thua kém gì so với hàng chính hãng. Phần lớn đều ghi tiếng nước ngoài như Nhật, Trung Quốc hoặc Thái Lan, nhưng lại không có nhãn phụ tiếng Việt. Sản phẩm thật có nhãn phụ bằng tiếng Việt với những thông tin cơ bản để người tiêu dùng có thể phân biệt được thành phần.

Mỹ phẩm thật bên ngoài bao bì có in trực tiếp mã code (có tác dụng truy nguồn gốc từ nước sản xuất). Một số sản phẩm bằng tuýp, ở phần đuôi có đóng nổi hạn sử dụng và mã code. Còn mã code của sản phẩm giả được in trên giấy rồi dán lên bao bì. Hơn nữa, nếu thấy bao bì sản phẩm làm bằng nhựa kém chất lượng, phai màu, logo in sai chỗ, màu sắc tèm nhem, phông chữ không đều, nhiều lỗi sai chính tả,… thì hãy cẩn thận trước khi mua.

Tiêu chuẩn ISO 22716:2007- Chứng nhận GMP đối với ngành mỹ phẩm

Ngành mỹ phẩm là một ngành kinh doanh đang phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, doanh nghiệp có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề. Các vật liệu độc hại bị cấm trong mỹ phẩm là gì? Bao bì, nhãn mác sản phẩm như thế nào là đúng yêu cầu ? Các quy định về quản lý nước ra sao?

Do đó, các nhà sản xuất, nhà cung cấp phải đảm bảo sản phẩm được sản xuất và kiểm soát một cách tốt nhất. việc tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn iso 22716 là một trong những cách kiểm soát chất lượng.

Các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 22716

Tiêu chuẩn ISO 22716 đã sắp xếp các yêu cầu và nguyên tắc cụ thể sau:

Nhân sự: ISO 22716 quy định rằng nhân viên phải được đào tạo phù hợp để sản xuất. Việc đào tạo phải được kiểm soát và lưu trữ. Bao gồm sơ đồ tổ chức, số lượng nhân viên, trách nhiệm chính của quản lý và nhân viên. Đào tạo nội bộ, vệ sinh cá nhân và sức khỏe của nhân viên. Khách đến thăm và nhân viên chưa qua đào tạo.

Trang thiết bị, dụng cụ sản xuất: Thiết bị sản xuất phải phù hợp đối với sản phẩm sản xuất. Tất cả các phần của thiết bị phải được làm sạch, khử trùng và bảo trì. ISO 22716 yêu cầu thiết bị của công ty mỹ phẩm phải được thiết kế, lắp đặt, hiệu chuẩn và có đầy đủ hệ thống dự phòng. Việc sử dụng và tiếp cận thiết bị chỉ nên được cung cấp cho người có thẩm quyền.

Nguyên liệu và bao bì: ISO 22716 quy định rằng các nguyên liệu được mua, cả nguyên liệu thô và nguyên liệu đóng gói, phải đáp ứng các tiêu chí đã được Công ty xác định. Nó phải được kiểm tra để kiểm soát chất lượng của sản phẩm cuối cùng. Tiêu chí bao gồm các khía cạnh vật lý, vi sinh và hóa học. Tương tự như vậy, chất lượng nước sử dụng trong sản xuất phải được kiểm soát. Các tiêu chí và biện pháp thích hợp phải được thiết lập để mua, tiếp nhận, trạng thái, xuất xưởng, bảo quản và đánh giá lại nguyên liệu thô.

Mặt bằng bố trí và Vị trí nhà xưởng: Mặt bằng phải được thiết kế, xây dựng, bố trí và sử dụng để đảm bảo việc bảo vệ sản phẩm, cũng như làm sạch, vệ sinh và bảo trì hiệu quả. Điều này nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro lây nhiễm chéo vào sản phẩm.

Quản lý Sản xuất: ISO 22716 bắt buộc các công ty mỹ phẩm phải kiểm soát mọi giai đoạn của quy trình sản xuất. Kể cả hoạt động đóng gói để tạo ra sản phẩm cuối cùng đáp ứng các đặc tính đã xác định.

Các công ty mỹ phẩm phải có khả năng đảm bảo sự sẵn có của các tài liệu liên quan. Phải thực hiện kiểm tra ban đầu, số lô được chỉ định và nhập kho nguyên liệu thô. Họ phải xác định các hoạt động trong quy trình, kiểm soát trong quy trình và bảo quản sản phẩm trong giai đoạn sản xuất và đóng gói.

Quản lý Nhà thầu phụ: Công ty cũng cần kiểm soát đối với các Nhà thầu phụ. Hoặc trong trường hợp mình là nhà thầu phụ của đơn vị khác (gia công). Công ty cần phải tuân thủ các quy định trong hộp đồng thầu phụ. Hợp đồng thỏa thuận bằng văn bản phải được thiết lập, xác nhận và kiểm soát bởi nhà thầu và nhà thầu phụ.

Thành phẩm: ISO 22716 buộc các công ty mỹ phẩm phải đảm bảo rằng các sản phẩm cuối cùng đáp ứng các tiêu chí chấp nhận đã xác định trước khi phân phối sản phẩm trên thị trường. Tương tự như vậy, thành phẩm phải được kiểm soát tuân thủ các phương pháp kiểm tra đã định. Các công ty nên xử lý việc bảo quản, vận chuyển, thu hồi và trả hàng theo cách duy trì chất lượng của sản phẩm cuối cùng.

Phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng: Phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng phải áp dụng các nguyên tắc do ISO 22716 thiết lập về nhân sự, thiết bị, cơ sở, hợp đồng phụ và tài liệu.

Phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng phải thực hiện việc lấy mẫu, thử nghiệm và phân tích để đảm bảo các kiểm soát liên quan và cần thiết. Điều này cung cấp một biện pháp bảo vệ rằng nguyên vật liệu được phân phối để sử dụng và thành phẩm được đưa đi phân phối, chỉ khi chất lượng của chúng đáp ứng các tiêu chí chấp nhận đã thiết lập.

Sai lệch: Sai lệch phải được xác định bằng cách thu thập đầy đủ dữ liệu và thực hiện các biện pháp khắc phục. Một điều khác mà các công ty mỹ phẩm cần nhớ là xác định việc xử lý sản phẩm nằm ngoài quy cách.

Quản lý chất thải: ISO 22716 yêu cầu các công ty mỹ phẩm phải xử lý chất thải một cách hợp vệ sinh, trật tự và kịp thời.

Tiến hành và Kiểm soát các thay đổi: Nhân viên có thẩm quyền phải phê duyệt các kế hoạch và hành động khi có sự thay đổi có thể ảnh hưởng đến chất lượng của thành phẩm trên cơ sở dữ liệu đầy đủ.

Xử lý khiếu nại và thu hồi: Tiêu chuẩn ISO 22716 hướng dẫn rằng tất cả các khiếu nại liên quan đến sản phẩm cần được quản lý, điều tra, xem xét và theo dõi. Các hành động cần được thực hiện nếu có thu hồi và hành động khắc phục phải tuân theo.

Thực hiện kiểm toán nội bộ: Các công ty mỹ phẩm phải giám sát việc thực ISO 22716. Các hành động khắc phục cần được khuyến nghị và lập kế hoạch.

Tài liệu thích hợp và đầy đủ: ISO 22716 quy định rằng tài liệu là một phần quan trọng của Thực hành Sản xuất Tốt. Tài liệu nhằm mục đích xác định các hoạt động GMP, bảo mật bằng chứng về các quy trình. Đồng thời ngăn ngừa nhầm lẫn và mất thông tin.

Các công ty mỹ phẩm nên tạo ra các hệ thống của riêng họ. Nhằm để thiết lập, thiết kế, cài đặt và duy trì tài liệu. Hệ thống này vẫn phải phụ thuộc vào loại sản phẩm và cơ cấu tổ chức.

An Dương

Mạng Y Tế
Nguồn: VietQ (https://vietq.vn/he-luy-tu-my-pham-khong-ro-nguon-goc-kem-chat-luong-d203331.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY