Mục tiêu an toàn trên hết là đúng nhưng giải pháp quay lại trường đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m giữa các em tôi nghĩ rất khó nếu cả 3 khối lớp đồng loạt trở lại trường. Nếu chỉ lớp 12 đi học lại thì thực hiện được. Cụ thể, mỗi 1 lớp chia thành 3 lớp nhỏ vì trường tôi một lớp 12 khoảng 45-50 em/lớp. Khi ấy giáo viên dạy lớp 12 phải tăng gấp 3.
Không thể lấy giáo viên dạy khối 10, 11 để thay thế vì giáo viên được phân công dạy lớp cuối cấp là cứng về chuyên môn, kinh nghiệm. Khi đó, kéo theo ngân sách để trả giáo viên 12 tăng gấp 3. Vậy đây là con số các trường biết lấy ở đâu cho cách giải quyết các buổi xen kẽ ra và chia đôi trường học trong khi nguồn nhân lực tăng gấp rất khó xử.
Theo quy định hiện hành, số lượng biên chế giáo viên giảng dạy hiện có của các trường là đều phải căn cứ theo số lớp, số lượng học sinh. Đồng thời sĩ số học sinh trong mỗi lớp học cũng đều phải theo quy định số lượng cụ thể của Bộ GD-ĐT đã ban hành trước đây.
Vì vậy, nếu bố trí học sinh ngồi học giãn cách 1,5m thì số lớp sẽ tăng lên. Theo đó, đòi hỏi giáo viên giảng dạy cho từng lớp, từng môn đều phải tăng theo số lớp phát sinh đó. Trong khi, số lượng giáo viên hiện có là đã tuân theo định biên theo số học sinh, số lượng lớp học bình thường trước đây.
Nếu có bố trí giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết cho số lớp tăng do ngồi giãn cách thì còn sẽ liên quan đến chế độ, chính sách, ngân sách để thanh toán cho thầy cô theo quy định pháp luật đối với người lao động.
Quy định khoảng cách ngồi của học sinh từ 1,5-2m sẽ rất khó triển khai để thực hiện. Nếu thực hiện theo chỉ thị 15 nhiều lớp học đã quá 20 học sinh/lớp. Ngoài ra, số bàn ghế, lớp học đã cố định nên rất khó giãn cách theo khoảng cách đề xuất của Bộ GD-ĐT.
Việc chia đôi mỗi lớp để đảm bảo khoảng cách 1,5-2m là không khả thi vì cơ sở vật chất không đáp được và cũng không đủ giáo viên để giảng dạy. Việc cho nửa lớp nghỉ để luân phiên giảng dạy theo ngày chẵn lẻ cũng không khả thi vì việc dạy và học sẽ căng thẳng, nặng nề.
Tỉnh đang bàn bạc các phương án để các trường học mở lại vào 4-5. Từ nay đến đó, chúng tôi đang chờ những chỉ đạo mới của Thủ tướng và Bộ Giáo dục xem có "nới lỏng" yêu cầu giãn cách, quy định đảm bảo phòng dịch mới để thực hiện.
Các em đi học lại trong điều kiện để an toàn về khoảng cách ngồi 1,5m và sỉ số giới hạn chia 20 em/lớp, nói thẳng là khó thực hiện. Nếu chỉ vài khối như khối 9, khối 12 thì thực hiện được chứ huy động toàn trường là khó. Giải pháp với khối tiểu học, các trường học 2 buổi/ngày thì phân ra sáng chiều, với THCS-THPT thì buộc phải học cách nhật, khối này học thì khối kia nghỉ và ngược lại.
Cái khó ở đây chính là cơ sở vật chất, là phòng học. Quy hoạch xây dựng trường không ai xây thừa phòng thừa lớp; cũng không thể lấy phòng thí nghiệm, phòng thực hành để kê bàn ghế vào học cho đúng an toàn cách ly. Vì thế, điều này rất khó thực hiện.
Ngồi giãn cách giữa học sinh từ 1,5-2m nếu chỉ áp dụng cho học sinh hai khối lớp 9 và 12 sẽ được chia mỗi lớp thành hai lớp thì vẫn đủ lớp vì các khối khác vẫn còn ở nhà, chưa đi học lại. Tuy nhiên, đến ngày 11-5, khi tất cả các cấp học đi học trở lại thì không thể thực hiện ngồi giãn cách được vì không đủ lớp học.
Bộ GD-ĐT hướng dẫn học sinh ngồi cách 1,5-2m khi học sinh đi học lại thì không hợp lý và khó để thực hiện. Sở đã tiến hành làm việc với Sở Y tế thì quy định chung của y tế hiện nay khoảng cách là 1m, nên sở đang hướng các trường thu xếp kéo dãn bàn ghế ra để học sinh ngồi đầu bàn và cuối bàn là 1m, chứ 1,5m thì không hợp lý và không kiếm đâu ra không gian.
Tôi thấy việc yêu cầu học sinh ngồi cách nhau 1,5-2m là rất khó thực hiện, bởi không đảm bảo cơ sở vật chất để các trường tổ chức dạy và học. Một tiết giảng giờ phải thành hai và giáo viên phải dạy hai lần thì tính toán như thế nào. Rất khó, không khả thi.
THẢO THƯƠNG - PHAN SÔNG NGÂN - TRUNG TÂN - MINH TRÂN - THÁI THỊNH - DUY THANH ghi
Chủ đề liên quan:
biên chế giáo viên học sinh học sinh đi học nguồn nhân lực phó giám đốc phó giám đốc sở quy định hiện hành tỉnh khánh hòa trở lại trở lại trường