Cô từng bị chẩn đoán mắc căn bệnh biếng ăn. Cho đến 7 năm trước, các bác sĩ mới tìm ra nguyên nhân thực sự khiến cô không thể ăn được. Nicolette hiện đang cố gắng quyên góp tiền để phẫu thuật ở Đức.
Nicolette chia sẻ: "Nếu không mổ, tôi sẽ ch*t vì đang ngày càng yếu đi, nhiều cơ quan thiếu máu hơn".
“Tôi không biết liệu mình có vượt qua được ngày phẫu thuật hay không nhưng tôi đang sống hết mình mỗi ngày và cơ hội có thể khỏe hơn đem lại hy vọng cho tôi”.
Nicolette Baker chỉ nặng có 20 kg
Nicolette mắc chứng rối loạn cực kỳ hiếm gặp gọi là hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (SMAS), ước tính ảnh hưởng đến 0,1 đến 0,3% người dân Mỹ.
Đó là khi một phần của ruột non (tá tràng) bị nén, khiến thức ăn không đi qua được mà tích tụ lại. Nicolette mô tả ruột non của mình giống như chiếc ống hút bị chèn ép so với một vòi nước thông thường.
Trung tâm thông tin về Bệnh di truyền và hiếm gặp cho biết, các triệu chứng của bệnh là suy nhược nghiêm trọng, đau, đầy bụng và nôn mửa trong vòng nửa giờ sau khi ăn.
Điều đó dẫn đến giảm cân và suy dinh dưỡng, là nguyên nhân gây T* vong ở 1/3 số bệnh nhân.
Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể phát sinh do thức ăn bên trong bị thối rữa. Người bệnh sợ ăn do đau. Do các mạch máu quan trọng cũng bị bóp nghẹt, các cơ quan không nhận được nguồn cung cấp máu cần thiết.
Từ khi 4 tuổi, Nicolette bắt đầu hạn chế ăn uống để giảm đau.
Cô kể: “Trong suốt 25 năm, tôi đã được điều trị như một bệnh nhân tâm thần mắc chứng rối loạn ăn uống. Tôi bị đưa đến các bệnh viện trong nhiều tháng, đôi khi đến cả năm. Tôi không chán ăn vì tôi muốn gầy. Chỉ đơn giản là tôi không muốn ăn do đau”.
Các bác sĩ cho biết, Nicolette bị đau và chướng bụng do dạ dày không quen với thức ăn. Cô được đưa vào bệnh viện đa khoa trong nhiều tháng, phải ăn qua ống. Điều này chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nicolette bắt đầu bị sưng và đau quanh lưng do táo bón.
Đó là thời điểm Nicolette chuyển sang một nhà tư vấn khác, sau khi chụp CT, cô được chẩn đoán mắc bệnh SMAS.
Bác sĩ ngay lập tức thử một ống truyền dịch qua chỗ nén, nhưng tình trạng của Nicolette quá nghiêm trọng.
Nicolette đã liên lạc được với một chuyên gia ở Đức, người đồng ý thực hiện ca phẫu thuật cứu sống cô vào tháng 2. Cô lập quỹ quyên góp cho chuyến đi từ Anh sang Đức, riêng tiền phẫu thuật hết gần 70.000 USD.