Nhịp cầu nhân ái hôm nay

Huấn luyện người mù xoa bóp - bấm huyệt

Nhiều người từng đi “mát xa người mù” nhưng chuyện họ học nghề này vất vả ra sao không phải ai cũng biết. Thêm nữa, huấn luyện người mù làm sao lại càng ít người hình dung nổi...
Sáng thứ bảy 20/6, được BS. CKII. Huỳnh Tấn Vũ (giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) “rủ rê”: “Đi Bình Thuận dạy mát xa, bấm huyệt cho người mù”, liền khăn gói đi ngay không đắn đo vì tò mò về những người khiếm thị làm sao vượt qua được khuyết tật của cơ thể để tiếp thu thầy giáo, lại chưa bao giờ thấy dạy cho người mù thì truyền đạt ra sao.

Lớp học cầm tay chỉ việc

Lớp học được tổ chức tại văn phòng Hội Người mù, tỉnh Bình Thuận, số 32 Hải Thượng Lãn Ông, TP.Phan Thiết, có tất cả 28 học viên, nhỏ tuổi nhất mới 15, nhiều nhất đã trên 50. Sau màn làm quen, “các học viên nghe giọng nói để nhận biết ra thầy”, như lời một cán bộ thuộc Hội Người mù nói, rồi giới thiệu chương trình và lịch học, cả lớp bắt đầu học. Họ được xếp thành một vòng khép kín ở giữa lớp, tay học viên đứng sau đặt vào vai học đứng trước. Thầy giáo đầu tiên bấm một huyệt (tượng trưng) sau lưng một học viên, chỉ cách bấm, lực bấm. Thế là tất cả học viên, từng người, từng người một, cảm nhận cách bấm của người phía sau và làm theo. Bởi vậy, người đầu tiên làm đúng, hầu hết tất cả làm đúng, còn sai thì tất cả đều sai. Thầy giáo sau khi chỉ cho người đầu tiên, lần lượt đến từng người chỉ lại. Ông chỉ xong thường khen để động viên: “Đúng rồi! Tốt lắm! Hay quá!”... Hàng người đứng nối vai nhau tựa như hàng cây sống bện chặt vào nhau. Buồn cười nhất là có anh cao quá, dễ gần 1,8m nên khi vào hàng “đồng đội” không thực hành được đành phải ngồi xuống nghế.

Mà quả thật, những người khiếm thị tiếp thu khá nhanh. Nhiều người nói, trời cho họ sự nhạy cảm, xúc giác nhạy bén. Thêm nữa, qua buổi học này mới thấy: họ dồn hết tâm trí học. Suốt buổi học, từ các cách bấm huyệt, đến các cách xoa bóp, vận động khớp tay, chân, bàn tay, bàn chân... gồm rất nhiều kiến thức nhưng họ bước đầu đã lĩnh hội được bằng cách hết sức kiên trì làm đi làm lại những thao tác. Thầy huấn luyện hết sức vất vả vì phải chỉ cho từng học viên nhưng tỏ vẻ hài lòng vì bước đầu đã thuận lợi, hy vọng chương trình học kéo dài 5 tuần có thể đạt được mục tiêu.

Học viên khiếm thị không hề “dấu dốt”. Nếu cần họ hỏi ngay, kiểu: “Em làm thế này đã đúng chưa? Thế này đã nhuyễn chưa?”. Các động tác đòi hỏi: đúng tư thế, đúng lực, nhuyễn, mềm mại nhưng không yếu ớt... vì thế đòi hỏi quá trình tập phải lâu dài, kiên trì. Nhiều động tác chỉ phát lực từ cổ tay nhưng hầu hết các học viên dùng cả cánh tay nên phải sửa đi, sửa lại cho họ.

Ngay cả giờ giải lao, nhiều học viên vẫn tranh thủ ôn bài. Họ trao đổi với nhau, có em còn tranh thủ chạy lại thầy để hỏi. Thầy dù mệt cũng vui vẻ trả lời và còn ngồi xuống, dùng cơ thể của mình để trò thực hành.

Sang ngay thứ hai của đợt học, các học viên đã có vẻ thuần thục hơn. Những người tiếp thu chậm được bạn nhường cho thực hành nhiều hơn. Có những động tác đòi hỏi nhiều sức lực, như động tác giãn đốt sống lưng, người yếu làm hới vất vả. Nhưng có động tác cần nhẹ nhàng, có người vì quá khỏe nên làm quá đà, khiến thầy luôn nhắc: nhẹ, thôi, từ từ thôi kẻo bạn đau mà sau này khách hành vừa đau lại vừa sợ.

Hy vọng một con đường sống

Hầu hết các học viên ở đây đều cảm nhận được rằng học rất yêu thích nghề mát xa, hơn nữa nghề này phù hợp với họ và là ngề có thể nuôi sống họ. Được biết, ngay tại trụ sở Hội người Mù Bình Thuận cũng đã có cơ sở mát xa do người khiếm thị thực hiện. Nhiều người đã sống được bằng nghề này, có những người đã thành vợ thành chồng và sinh con để cái.

Bởi vậy, anh Thơ từng là giáo viên dạy vi tính vì mắt ngày càng yếu đi và gần như mù hẳn đã tìm đến với nghề mát xa. Vốn sáng dạ nên anh tiếp thu rất nhanh, sẵn sàng chia sẻ hiểu biết của mình với bạn.

Anh Bình, đã ngoài 50 tuổi, bình thường anh làm việc nhà, làm ruộng rẫy nhưng có ai đau mỏi nhờ anh, anh cũng xoa bóp dùm. Có người mất ngủ đã được anh xoa bóp “không hiểu sao ngủ rất ngon”, như lời anh tâm sự, rồi cho anh 100.000 đồng nhưng anh không lấy. Anh nói: “Mình chưa học nghề thì chưa lấy tiền, chỉ làm giúp thôi. Học nghề rồi thì làm phải sống bằng nghề nên sẽ lấy tiền”. Khi học, anh Bình còn hỏi bạn: “Cái bàn mát xa này bao nhiêu tiền nhỉ? Đắt thế à?”. Có lẽ sau khi hoàn thành khóa học, anh Bình sẽ mua một cái bàn mát xa “xịn” để hành nghề, có thêm thu nhập.

Những học viên biết rằng, học nghề phù hợp (mát xa, làm tranh cát...) là con đường duy nhất giúp họ vươn lên, chiến thắng hoàn cảnh. Sắp ra về, tôi nghe được tâm sự của một học viên nữ. Em chừng mới 17 - 18 tuổi, khá xinh đẹp, quan sát kỹ mới biết là người khiếm thị. Em kể, cách nay chừng dăm năm, đang học trung học cơ sở, tự nhiên mắt ngày càng mờ đi. Gia đình em đã đưa em đi chữa chạy khắp nơi, kể cả các bệnh viện lớn tại TP.HCM nhưng không được. Đến nay, mắt em đã gần như mù hẳn, chỉ thấy lờ mờ... Em kể với nét mặt tươi cười không hề có nét buồn bã. Có lẽ em đã biết mình có thể đã có một nghề nghiệp đủ giúp mình và gia đình riêng sau này sống được.

Nét mặt tươi cười đó có trên nhiều khuôn mặt học viên khác. Tôi nhận thấy thế và mong nhiều người khiếm thị trên cả nước có ánh mắt - nụ cười đó.

Bài và ảnh: Nguyễn Hưng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-huan-luyen-nguoi-mu-xoa-bop-bam-huyet-15330.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY