Thời cổ đại, hậu cung của đế vương có vô số người đẹp, hoàng đế muốn sủng ái, thị tẩm phi tần, mỹ nhân nào, không ai dám can thiệp. Chỉ có điều, vì mục đích chính trị, hoàng thượng sẽ phải ban ơn mưa móc đồng đều đến tất cả các tần, phi trong hậu cung, nhiều khi thân bất do kỷ, không muốn cũng phải làm theo nghĩa vụ, có thể nói là khá cứng nhắc, mệt mỏi.
Đối lập với đa số các hoàng đế, tại Nhật Bản, vào thời Mạc phủ, đại tướng quân dù có địa vị cao nhất, đứng trên vạn người nhưng khi muốn sủng hạnh bất cứ thê, thiếp nào cũng phải xin phép trước.
Ngoài ra, để quản lý hậu cung đông đảo thê thiếp, phải dựa trên những cân nhắc về thể chất. Do đó, có một điều luật ngầm như sau: Bất kể là thê hay thiếp của đại tướng quân, sau 30 tuổi sẽ không được chung giường, không được ân ái với đại tướng quân nữa. Đối với các tướng quân, lãnh chúa, quý tộc khác cũng như vậy.
Luật ngầm này được bảo hộ dưới danh nghĩa "vì sức khỏe của phụ nữ". Mọi người đều biết, hoàng thất hay quý tộc Nhật Bản thời xưa, ai cũng thê thiếp thành đàn, mục đích là để nhân rộng nòi giống, bảo trụ, duy trì thế hệ sau của gia tộc.
Thế nhưng, y thuật cổ đại lạc hậu, phụ nữ mang thai đều ứng với câu "bụng chửa cửa mả", nếu không may sinh non, sinh khó, rất có thể phát sinh tình huống một xác hai mạng. Bởi vậy, nếu một người vợ, người thiếp đủ 30 tuổi, họ sẽ được coi là không thích hợp để mang thai. Mặc dù vẫn có thể sinh nhưng nguy cơ, rủi ro rất cao, nhất định có nguy hiểm.
Thêm vào đó, luật ngầm này không thể nghi ngờ được sinh ra là để hợp thức hóa quyền lợi "có mới nới cũ" của đại tướng quân và các vương công, quý tộc Nhật Bản. Do khoác lên mình vỏ bọc cao thượng, luật ngầm này được duy trì trong một thời gian rất dài.