Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Không chủ quan khi trẻ mắc tay chân miệng

Bên cạnh Covid-19, sốt xuất huyết, cúm mùa, dịch tay chân miệng (TCM) cũng có diễn biến phức tạp, phụ huynh cũng không thể coi thường, chủ quan với căn bệnh đang lưu hành này.
Điều trị trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: TTXVN.

Số ca mắc tăng hơn cùng kỳ 5 lần

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm tới nay, thành phố ghi nhận 1.028 trường hợp mắc TCM - tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của CDC Hà Nội, dự báo số ca TCM có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, khoa Nhi của cơ sở y tế này đã tiếp nhận gần 100 trẻ mắc TCM tính từ đầu tháng 7 tới nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 5-7 trẻ phải điều trị nội trú. Còn tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, trong tháng 6 và đầu tháng 7/2022 đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 170-180 ca bệnh. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bệnh viện Nhi trung ương với 5-6 trẻ nhập viện mỗi ngày.

Theo chuyên gia y tế, tcm là một bệnh truyền nhiễm có thể do nhiều loại virus gây nên, bệnh lây lan từ người sang người và có nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. đây là dịch bệnh xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. trẻ mắc tcm thường có các biểu hiện như: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

Nguy hiểm hơn, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Một trường hợp cụ thể, bé trai 19 tháng tuổi ở tại Văn Giang, Hưng Yên được cơ sở y tế tại địa phương chẩn đoán và chỉ định cho nhập viện theo dõi TCM. Vì chủ quan nghĩ nhà gần nên mẹ bé đã xin cho con về nhà chăm sóc. Tuy nhiên, tại nhà, bé trai sốt ngày càng cao và không thể hạ sốt nên gia đình phải cho con cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương. Sau 3 ngày chăm sóc, tình trạng trẻ dần ổn định trở lại.

TS. BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Trung tâm), Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đây chỉ là một trong không ít các trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị nội trú vì TCM. Thực tế, đa số các ca bệnh TCM là lành tính và hồi phục trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, có một số biến chứng rất nặng, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ dễ bị tử vong.

“Khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo phát ban lòng bàn tay, chân, mông, ngực, miệng, cần cho trẻ đi khám để phân loại. Trường hợp nào sốt nhưng không biểu hiện thần kinh, đáp ứng với thuốc hạ nhiệt thì hướng dẫn gia đình theo dõi tại nhà. Trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên theo dõi tại các cơ sở y tế, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu trẻ có biểu hiện run tay, giật mình, rối loạn ý thức thì diễn biến bệnh có xu hướng nặng lên” - bác sĩ Lâm cảnh báo.

Nguy cơ biến chứng cao

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cũng cho biết, một bộ phận không nhỏ phụ huynh tự ý điều trị cho trẻ khi phát hiện bệnh mà không đưa đi khám tại cơ sở y tế cũng là một trong những nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ mắc TCM. “Tại Trung tâm từng tiếp nhận trường hợp trẻ không đáp ứng hạ sốt, cha mẹ sốt ruột dùng thêm liều hạ sốt khác, dẫn tới quá liều lượng gây ra tình trạng trẻ bị ngộ độc paracetamol, dẫn tới tổn thương gan nặng nề” - bác sĩ Lâm kể lại.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho rằng, sai lầm của các phụ huynh là khi thấy trẻ càng nổi nhiều mụn nước lại cho rằng bệnh đang tiến triển nặng, nhưng thực tế không phải như vậy. Mụn nước xuất hiện nhiều không phản ánh mức độ nặng của bệnh, mà cần theo dõi xem trẻ có sốt cao không. Đáng nói, khi thấy trẻ bị sốt, nhiều phụ huynh lại cho con dùng kháng sinh, trong khi TCM là bệnh do virus gây nên, vì vậy, việc dùng kháng sinh không có tác dụng. Điều trị TCM chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi trẻ sốt dùng thuốc hạ sốt, nếu đau miệng dùng các thuốc bôi miệng, giảm đau để trẻ ăn uống được. Ngoài ra, vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ bị bội nhiễm, bị biến chứng viêm phổi và phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ, trẻ mắc TCM có thể điều trị tại nhà nhưng nếu có các dấu hiệu như sốt cao, kéo dài và nôn nhiều cần đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời. Những trẻ bị TCM thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà.

Đối với trẻ điều trị tại nhà, chuyên gia y tế khuyến cáo cần cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Cho trẻ dùng thìa mềm khi ăn, không cho trẻ ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang cho mình và cả trẻ, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành…

Trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hàng ngày nên đưa trẻ đi tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virus có thể còn tồn tại trong phân vài tháng sau.

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/khong-chu-quan-khi-tre-mac-tay-chan-mieng-5692668.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY