Một chất dinh dưỡng nào đó hấp thu vào cơ thể quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu ăn quá nhiều thức ăn hàn lương (như ăn nhiều trái cây, sống lạnh) sẽ làm tổn thương dương khí, tỳ vị dẫn đến tỳ vị hư nhược, hàn thấp sinh ra ở trong bụng gây đau bụng, tiêu chảy... Nếu ăn nhiều thứ cay, có thể làm cho trường vị tích nhiệt, sẽ mắc chứng miệng khát, bụng đầy trướng đau, táo bón. Ăn thức ăn có nhiệt độ quá cao, có thể dẫn đến ung thư thực quản.
Khi phối hợp thảo dược và thực phẩm có thể xảy ra tương ố, tương phản làm giảm hoặc mất công năng vốn có, hoặc phản tác dụng giữa thực phẩm và thảo dược phối hợp, gọi là kiêng kỵ. Những kinh nghiệm về kiêng kỵ thường được ghi trong các hạng mục thực phẩm và dược phẩm cụ thể.
Ăn uống thế nào để điều hòa ngũ tạng được đông y rất coi trọng.
Người có cơ địa hàn (người hay lạnh, chân tay lạnh, phân thường sống hoặc nát....), không nên ăn thức ăn sống lạnh (rau dền, mồng tơi, rau đay, các loại cá, cua...). Người có cơ địa nhiệt (người nóng, sốt, hay bốc hỏa, ngứa, táo bón, tiểu rắt...), không nên ăn uống thức ăn cay nóng (rượu, bia, ớt tỏi, hạt tiêu hoặc thực phẩm có tẩm nhiều gia vị cay nóng). Người béo bệu nên ăn quả chua chát (táo mèo), nấu canh, kho thịt cá. Người hay bị táo bón nên ăn bí đao, người ăn kém nên uống nước vối. Đề phòng cảm hàn, nên dùng gia vị hành gừng; đề phòng và điều trị cảm nắng, nên ăn đậu ván trắng... Miếng trầu có tác dụng đề phòng cảm hàn, giữ vệ sinh răng miệng, là một phong tục tập quán tốt đẹp “miếng trầu là đầu câu chuyện” trong quan hệ xã giao xưa.
Khi bị bệnh hoặc trong quá trình điều trị bệnh, kiêng những loại đồ ăn thức uống nào làm bệnh nặng thêm hoặc mất tác dụng của Thu*c điều trị. Nói chung, trong thời gian bị bệnh không nên dùng đồ ăn thức uống sống lạnh, tanh, dính nhớt, khó tiêu hóa. Với các bệnh khác nhau lại có sự kiêng kỵ khác nhau. Ví dụ: Khi tỳ vị hư hàn, đau bụng tiêu chảy, phải uống Thu*c ôn trung tán hàn, nên tránh ăn các trái cây mát lạnh (hàn, lương), tanh, trơn, dính. Người mất ngủ, dùng Thu*c an thần, nên tránh uống trà đặc hay cà phê, chất có tính kích thích thần kinh. Người dương hư, hàn thịnh, tránh dùng đồ ăn thức uống sống, lạnh, hàn, lương. Người âm hư nhiệt thịnh, tránh dùng đồ ăn thức uống cay ráo, động hỏa. Người bị phù trũng tránh ăn muối. Người đái tháo đường, tránh ăn đường. Người có dương chứng, mụn nhọt, phong chẩn, ghẻ lở, tránh dùng đồ ăn thức uống cay, thơm, ráo. Khi bệnh mới khỏi, vị khí chưa hồi phục, không nên ăn dầu, mỡ, nhiều gia vị mà nên ăn cháo điều dưỡng. Mắc bệnh nhiệt mới khỏi, không nên ăn thịt, sẽ khó tiêu, bệnh dễ tái phát; ăn nhiều thịt còn ảnh hưởng đến đại tiện, tiểu tiện, tinh dịch di tiết...
Khi có thai hoặc sau khi sinh đẻ, việc kiêng kỵ trong ăn uống cũng có ý nghĩa đặc biệt. Phụ nữ ăn quá nhiều thức ăn sống lạnh, có thể gây thấp trệ ở dạ con làm hành kinh mất điều hòa, hành kinh đau bụng.
Thời kỳ mang thai, khí huyết, kinh lạc, tạng phủ đều dồn đến hai mạch xung, nhâm để dưỡng thai, toàn thân ở trạng thái âm huyết thiên hư, dương khí thiên thịnh; do đó tránh dùng rượu, gừng khô, quế, hồ tiêu, ớt, thịt chó, các đồ ăn thức uống cay nóng để tránh tổn thương phần âm, hao tân dịch, ảnh hưởng đến thai nhi. Khi ốm nghén, tránh ăn uống các vị lạnh, hôi, dầu mỡ khó tiêu. Ăn uống khi mang thai cần hợp khẩu vị, đồng thời đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi thai nhi lớn dần, ảnh hưởng đến khí cơ thăng giáng, dễ thành khí trệ, nên hạn chế ăn đồ ăn thức uống gây trướng khí và thu sáp: thạch lựu, ô mai...
Sau khi đẻ thường rong huyết thương âm, ứ huyết nội đình do hư, do ứ; đồng thời còn phải tạo ra sữa để nuôi con. Bà mẹ nên ăn uống giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tránh ăn các thực phẩm cay, ráo, thương tổn âm, dễ phát sinh bệnh tật.
Chủ đề liên quan:
thực phẩm