Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM) cho biết, trẻ chuyển cấp cứu từ Cần Thơ tới vào cuối năm 2021. Trước chuyển viện, trẻ đã sốt nhẹ ho, khò khè, khó thở một tuần. Gia đình đưa bé đến bác sĩ tư nhân điều trị không bớt, nhập bệnh viện địa phương. Bác sĩ chẩn đoán trẻ viêm tiểu phế quản, được điều trị kháng sinh, hỗ trợ hô hấp thở oxy áp lực dương liên tục (CPAP). Tuy nhiên tình trạng suy hô hấp không cải thiện, trẻ được đặt nội khí quản giúp thở, chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, trẻ được điều trị kháng sinh chống viêm, tiếp tục hỗ trợ hô hấp thở máy với thông số máy cao. Kết quả xét nghiệm máu có tình trạng toan hô hấp nặng (ứ CO2 trong máu) rất cao, với phân áp CO2 (PaCO2) lên tới 86mmHg, bình thường từ 35 đến 45 mmHg, cho thấy trẻ tắc nghẽn đường thở nặng. Các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, tim mạch, ngoại lồng ngực, tai mũi họng... hội chẩn khẩn cấp, quyết định chụp CT khảo sát đường thở, mạch máu lớn trong lồng ngực cho trẻ tìm nguyên nhân.
Hình ảnh CT scan khí quản trẻ bị động mạch phổi trái quấn vòng quanh khí quản, làm hẹp đường thở khiến trẻ khó thở, tím tái. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Hình ảnh chụp chiếu ghi nhận động mạch phổi trái của trẻ đi ngược chiều. thay vì xuất phát từ thân động mạch phổi đi ra phía trước khí quản, vào thẳng phổi trái như bình thường thì động mạch phổi trái lại đi vòng từ bên phải ra phía sau khí quản, rồi qua bên trái vào phổi trái. mạch máu quấn chặt quanh đoạn giữa khí quản, có chỗ đường kính lòng khí quản chỉ 2 mm. từ đó, làm chèn ép hẹp khí quản (vascular sling), khiến trẻ khó thở kéo dài, bác sĩ tiến cho hay.
Trẻ được lên kế hoạch mổ với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Ê kíp phẫu thuật tiến hành mở ngực, cắt bỏ đoạn hẹp khí quản, đưa động mạch phổi trái ra trước khí quản; nối hai đầu khí quản theo kiểu "vát trượt" (sliding). Đồng thời, kíp mổ đưa ống nội khí quản chuyên biệt, có khung lò xo giữ nội khí quản không xẹp qua chỗ nối khí quản hai cm, cố định chặt phần bên ngoài.
Sau mổ, bệnh còn diễn tiến nặng do đường thở phù nề nhiều, bé được chăm sóc tích cực, như thở máy, an thần, giãn cơ, thở khí dung cùng nhiều loại Thu*c đặc trị chống viêm, phù nề...; bổ sung dinh dưỡng hỗ trợ lành vết thương khâu nối khí quản. Hiện, sau hai tuần điều trị, trẻ cải thiện dần, giảm được thông số máy thở, cai được máy thở và tự thở khí trời, tỉnh táo.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh khi thấy con em ở tuổi sơ sinh, nhũ nhi (dưới một tuổi) mà ho, khò khè, khó thở, hãy đưa đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, định bệnh chính xác. Từ đó, bác sĩ có kế hoạch điều trị thích hợp, kịp thời, vì ngoài nguyên nhân thông thường như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn nhũ nhi... trẻ còn có thể bị các bệnh lý khó chẩn đoán như mạch máu quấn quanh khí quản.