Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Một liệu pháp chống hen hiệu quả Dùng Thuốc nên biết

Hen phế quản (HPQ) là sự viêm mạn tính niêm mạc đường hô hấp gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy, một trong những bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu.
Hen phế quản (HPQ) là sự viêm mạn tính niêm mạc đường hô hấp gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy, một trong những bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, với các tiến bộ y học hiện nay, bệnh HPQ hoàn toàn có thể điều trị và kiểm soát được, đặc biệt là dùng các Thuốc corticoid dạng xịt hít vào đường hô hấp. Đôi điều về bệnh hen

HPQ là một bệnh của thể tạng bị quá mẫn và sự phản ứng quá mức ở niêm mạc đường thở, dẫn đến co thắt và tăng tính phản ứng của các nhánh phế quản, gây ra cơn hen. Đây là bệnh mạn tính và có tính chất gia đình, cho nên bệnh nhân hen thường có bố mẹ, anh chị em ruột... cũng bị hen, hoặc bị một bệnh dị ứng khác (viêm mũi dị ứng, eczema, bệnh mày đay, phù Quinke...).

Cơn hen thường xảy ra khi cơ địa dị ứng gặp lại một chất nào đó mà nó xung khắc (gọi là dị nguyên). Dị nguyên rất đa dạng, rất phong phú quanh môi trường sống, có thể là bụi nhà, vẩy và lông súc vật, phấn hoa, hóa chất... Hen là cơn khó thở có hồi phục, thường xảy ra khá đột ngột với 4 biểu hiện chính: ho, khó thở, thở rít có tiếng khò khè (cò cử) và nặng ngực. Sở dĩ như vậy là vì tình trạng dị ứng làm các cơ trơn của các tiểu phế quản bị co thắt lại, niêm mạc các ống phế quản bị phù nề và tăng tiết nhầy. Hậu quả là các lòng phế quản bị hẹp lại, gây một sức cản lớn cho sự thông khí, nhất là trong thì thở ra khiến người bệnh phải khó khăn lắm mới thở ra được, lúc này người bệnh bị thiếu ôxy nghiêm trọng. Cơn hen nhẹ thì kéo dài 5 - 10 phút, cơn nặng có thể hàng giờ, thậm chí cả ngày. Cơn hen dứt, nhưng sớm muộn cũng lại tái phát bởi bệnh hen vẫn còn, vì thể tạng người bệnh không hề thay đổi. Qua bao nhiêu lần như vậy có thể dẫn đến những biến chứng như viêm phế quản mạn, giãn phế nang, cơn hen ác tính...

Một số loại Thuốc thường dùng

Về điều trị, tốt nhất phải nhằm ba mục tiêu: trị tận gốc cơ địa dị ứng, chống viêm, chống co thắt phế quản. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cách trị tận gốc, chỉ điều trị triệu chứng (chống viêm, chống co thắt phế quản) bao gồm một số loại Thuốc sau:

Theophylin: Đã từng là Thuốc thông dụng phổ cập rộng rãi, là Thuốc giãn phế quản rất sẵn có và rẻ tiền, nhưng khoảng cách giữa liều điều trị và liều gây độc rất hẹp, nên hiện ít dùng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây lại cho thấy, theophylin cũng có tác dụng chống viêm (thông qua việc làm giảm các gen tổng hợp protein viêm) và điều hòa miễn dịch, nhưng thấp hơn so với tác dụng gây giãn phế quản.

Các viên corticoid loại uống: Corticoid có tác dụng ức chế sự tổng hợp các protein viêm dẫn đến giảm phản ứng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nó chống viêm rất tốt, điều trị HPQ có hiệu quả cao, nhưng đồng thời nó cũng phát huy tác dụng tại nhiều bộ phận của cơ thể nên sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn (giữ nước, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận...) có hại về lâu dài, nên hiện nay ít dùng trong điều trị hen.

Các Thuốc xịt salmeterol, salbutamol: Đây là những Thuốc kích thích chọn lọc các thụ thể bêta 2 chống co thắt phế quản. Đặc biệt salbutamol (biệt dược: ventolin, astalin...) có tác dụng rất nhanh, mau chóng cắt cơn hen, nhưng tác dụng ngắn không quá 4 giờ. Còn salmeterol có tác dụng kéo dài 12 giờ, nhưng không cắt cơn nhanh. Điều đáng nói là cả hai loại Thuốc kích thích thụ thể bêta 2 đều không có tác dụng chống viêm như các Thuốc corticoid.

Corticoid dạng xịt phối hợp “2 trong 1”

Những thập niên gần đây, người ta đã nghiên cứu sản xuất được các chế phẩm như fluticason, budesonid, beclomethason... có tác dụng chống viêm và dị ứng tại chỗ. Những Thuốc corticoid mới này có hai ưu điểm nổi bật: Một là, nhờ cấu trúc đặc biệt và phân tử lớn của Thuốc cho nên các Thuốc này chủ yếu tác dụng tại chỗ khi xịt hít vào đường hô hấp, mà không hoặc rất ít thấm vào máu. Hai là, Thuốc sử dụng ở dạng hít hoặc xịt với liều lượng rất nhỏ (chỉ một vài trăm microgram) dưới dạng các hạt cực nhỏ như sương mù, thấm sâu vào các tiểu phế quản bám lại tại đường thở gây tác dụng tại chỗ giảm tế bào viêm, giảm mức độ quá mẫn, giảm tần suất hen. Những đặc tính ưu việt này cho phép sử dụng Thuốc lâu dài, an toàn, hiệu quả cao.

Xu hướng nổi trội hiện nay là điều trị dự phòng cơn HPQ bằng Thuốc dạng xịt “2 trong 1” - nghĩa là corticoid phối hợp với Thuốc chống co thắt phế quản chung trong một bình xịt có van định liều. Chẳng hạn như ventid (gồm beclomethason và salbutamol), seretid (gồm fluticason và salmeterol)... Sự kết hợp “2 trong 1” này rất có lợi, Thuốc giãn cơ phế quản hoạt hóa thụ thể corticoid làm tăng tác dụng của corticoid trên thụ thể này, tăng cường sự di chuyển Thuốc vào trong nhân tế bào, nhờ vậy mà tăng cường sự kháng viêm. Trong khi đó corticoid làm tăng tổng hợp bêta 2, nhờ vậy mà làm tăng tác dụng của Thuốc chống co thắt phế quản. Như vậy, sự kết hợp này cho hiệu quả kép, vừa tăng tác dụng cùng chiều vừa hoạt hóa lẫn nhau. Nhiều bệnh nhân hen đã sử dụng loại Thuốc này, kiểm soát hen tốt ngăn ngừa được các cơn hen, học tập, lao động được bình thường.

BS. Vũ Hướng Văn

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mot-lieu-phap-chong-hen-hieu-qua-dung-thuoc-nen-biet-14375.html)

Chủ đề liên quan:

hiệu quả

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY