Theo kinh nghiệm truyền lại trứng kiến ngon nhất là vào tiết thanh minh, nhất là vào khoảng mồng ba tháng ba âm lịch. nói đến kiến mọi người ở vùng xuôi thường nghĩ đến loài vật cắn đau và đốt buốt như kiến lửa , kiến bọt hoặc loại kiến ba đoạn cắn sưng phồng tới phát sốt hay bọn kiến hôi hay mò mẫm vào thức ăn, lọ đường đáng ghét…thế nhưng quê tôi nói đến trứng kiến là nhắc đến món ngon mà một năm chỉ có dịp thưởng thức vào đầu tháng ba, mùa trứng qua nhanh như chùm vải tu hú chưa kịp thấy chua đã hết mùa.
Loài kiến ta lấy trứng là loài kiến đen, phần bọng đuôi cứ cong tớn về phía trước còn gọi là con kiến ngạt. tổ như quả gấc hoặc to hơn như cái mũ cối được đắp ôm lấy các chạc trên cành cây, mùa lá cây rụng trông xa nhiều người tưởng như các tổ chim vậy. kiến thích làm tổ ở cây vải, nhãn, hồng xiêm trong vườn và các cây gỗ, cây tre trên rừng, tổ nó được xây bằng các mẩu lá khô, thậm chí là cả bằng phân gia súc khô nữa.
Từ cuối đông, cây trút lá. các tổ kiến lộ rõ hơn. một số người tinh mắt đã nhằm và đánh dấu các vị trí tổ để đến mùa đỡ phải tìm. vào mùa chắc trứng chỉ cần một cái thúng nhỏ hay cái nong với một con dao là đủ đồ nghề. trước tiên ta hãy chặt tổ xuống. có người cầu kỳ cẩn thận lấy cành lá bắc vào tổ và gốc cây như cái thang cho kiến leo ngược lên để sang năm lại có tổ mới. thường thì dùng luôn dao bổ đôi bổ ba cho vỡ ra rồi lấy một đoạn cây vót nhọn xỏ vào từng mảng tổ kiến nhắc lên, lấy sống dao gõ liên tục vào cành cây tạo độ rung cho trứng kiến rơi ra mẹt. làm càng nhanh càng đỡ bị kiến cắn và kiến thợ đỡ vác trứng đi. trẻ con đi theo kiêng không được khen tổ kiến nhiều trứng kẻo kiến vác hết mất trứng. chẳng biết có đúng không nhưng chúng tôi vừa lấy trứng vừa la hét náo loạn vì kiến cắn vừa khen trứng nhiều, trứng chắc. có tổ trứng còn non thì được ít và trứng bé xíu, hay giập vỡ. tổ nào chắc thì trứng nhiều, trắng muốt trông ngon như bát gạo tấm vậy. tổ già, kiến nở gần hết thì vừa ít trứng vừa lắm con.
Khi gõ trứng kiến ra cái mẹt rồi phải nhanh chân bê cái mẹt ra thật xa đám kiến nhung nhúc ấy. lấy mấy cành lá tươi phủ lên cho bọn kến bâu vào rồi rũ đi. cứ liên tục một lát như vậy là còn lại lớp trứng trắng mịn. hãy nhẹ tay nhón nhặt các vụn tổ lẫn ở đó. cẩn thận hơn là dùng cái khăn mặt trải lên đám trứng kéo nhẹ, các vụn tổ bé xíu sẽ bám vào khăn mặt và được rũ đi vài lượt là trứng sach bong. nhớ nhẹ tay thôi kẻo giâp những hạt trứng như những con nhộng ong bé xíu và mềm mượt
Món chả trứng hấp tuy cầu kỳ nhưng khá ngon. ta hãy trộn chút bột nêm vào trứng. cứ một miếng lá vả non bằng bàn tay, lót một cái lá lốt, một cái lá mơ lông hoặc ngon nhất là kèm một miếng lá bí đỏ non rồi cho “nhân” là một thìa trứng kiến vào giữa, gói vuông lại rồi xâu vào cái lạt đã buộc nút một đầu dưới, lầm lượt như vậy hơn chục miếng được một xâu. đem các xâu chả lá ấy hấp cách thủy chin tới ăn nóng béo ngậy, bùi mềm, thơm nức. có thể đập thêm trứng gà vào nhân trứng kiến rồi gói nhưng thường thì chúng tôi thích hương vị vẹn nguyên của trứng kiến đầu mùa.
Một số nhà đồ xôi trứng kiến hoặc trứng kiến gói lá lốt rán chả. có thể đập trứng vào, đánh đều lên với lá lốt thái chỉ rồi rán thành về, đem cắt miếng chấm với muối ớt ăn nóng khá ngon. anh tôi thì bạo hơn, các anh tổ chức tiệc gỏi trứng kiến. các loại lá cây thì giống như món gỏi cá nhưng thành phần chính là trứng kiến tươi nguyên, béo ngậy cộng với vị chát ngọt của lá vả non và vị cay của muối ớt. ai ăn được gỏi kiến mới thực sự là biết thưởng thức món trứng kiến thơm ngon bổ béo mỗi độ tháng ba về.
Theo Sở hữu trí tuệ và sáng tạo
Link bài gốc Lấy link
https://sohuutritue.net.vn/mua-trung-kien-san-loc-rung-d212784.htmlTheo Sở hữu trí tuệ và sáng tạo