Gia đình cho biết, vợ chồng anh chị sinh đôi hai bé gái ngày 8/5 tại Khoa Sản bệnh viện, một trong hai bé bị khoèo chân. Các nghiên cứu cho biết cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có 4 trẻ bị khoèo chân bẩm sinh.
Ngay lập tức, bé gái được đưa vào điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình. Các bác sĩ hội chẩn liên khoa, đưa ra chỉ định chữa trị bằng phương pháp Ponseti nắn chỉnh nhẹ nhàng, bó bột để duy trì kết quả nắn. Các bước nắn và bó bột này được lặp lại mỗi tuần.
Trong vòng 6-7 tuần, dần dần bàn chân sẽ trở về hình dạng bình thường. Sau khi tháo bột lần cuối, bé cần mang đôi nẹp giày, có gắn trên một thanh nằm ngang để ngăn ngừa tái phát. Nẹp giầy được sử dụng cả ngày lẫn đêm trong 3 tháng đầu tiên và tiếp tục mang ban đêm trong 3 năm. Nếu tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị, các cháu bé sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tình trạng khoèo chân sẽ biến mất.
Hiện sau hai ngày, chân bé có dấu hiệu tiến triển tốt, đang được theo dõi sát tại bệnh viện mỗi ngày.
Các bác sĩ Khoa chấn thương chỉnh hình cho biết, bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật xảy ra trong thời gian người mẹ đang mang thai. Nguyên nhân do tư thế nằm trong bụng mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai, đặc biệt là các mẹ mang thai đôi. Ngoài ra còn do khiếm khuyết của mầm xương, di truyền...
Bé bị khoèo chân có biểu hiện chân vòng kiềng (chân cong), bàn chân bị nghiêng ngoài, khoèo chân, gối quặt ngược... Khám ngoại hình thường dễ phát hiện dị tật bẩm sinh ngay sau sinh.
Bác sĩ khuyến cáo trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm các dị tật của thai nhi. Nếu phát hiện sớm khi bé vừa chào đời thì vẫn có khả năng phục hồi lên đến 90%. Phương pháp điều trị chủ yếu là chỉnh hình tật chân khoèo bẩm sinh.