Chị Pi Năng Thị Mydia (bên trái) tuyên truyền chính sách dân số tại một hộ dân thôn Đa Râm, xã Khánh Thượng. Ảnh: Thanh Trúc
Tham gia công tác DS-KHHGĐ từ năm 2008, đến nay, chị Pi Năng Thị Mydia, CTV dân số thôn Đa Râm, xã Khánh Thượng đã gắn bó với công tác này gần 10 năm. Những ngày đầu, chị gặp không ít khó khăn vì đa phần người dân trong thôn đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế. Bằng sự nhiệt huyết của mình, chị vẫn gắn bó với công việc. Không chỉ làm tốt công tác dân số, chị còn là một trong những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con tốt.
Đối tượng được chị quan tâm là những gia đình nghèo, đông con, sinh con một bề là con trai hoặc con gái; gia đình kinh tế khá giả có nguy cơ sinh con thứ 3. "Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi tìm đến các gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiên trì phân tích cho từng đối tượng hiểu rõ tác dụng của việc sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời động viên họ thực hiện KHHGĐ. Nhiều trường hợp tôi phải vận động nhiều lần mới thuyết phục được", chị Pi Năng Thị Mydia nói. Chị Pi Năng Thị Nhuận (thôn Đa Râm, xã Khánh Thượng) cho biết: "Vợ chồng tôi có 4 đứa con. Trước đây, cuộc sống gia đình khó khăn, vì không hiểu biết nhiều, cứ nghĩ sinh nhiều sẽ được công nhận hộ nghèo, được Nhà nước nuôi. Chị Mydia đã thường xuyên tới động viên, khuyên tôi ngừng sinh, sử dụng các biện pháp Tr*nh th*i. Nhờ đó, 2 năm nay, kinh tế gia đình đã ổn định hơn".
Chị Cao Thị Nhung (thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng) cũng là một trong những CTV đầy lòng nhiệt huyết, trách nhiệm. Chị Nhung tâm sự, tuy mức thù lao cho công việc còn thấp, chỉ 100.000 đồng/tháng song chị vẫn gắn bó với công việc.
Ông Đặng Thanh Tuấn - Trưởng khoa DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết, nhờ sự năng nổ, nhiệt tình của đội ngũ CTV dân số, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chị Nhung và chị Pi Năng Thị Mydia nên tình hình công tác dân số ở xã Khánh Thượng có sự chuyển biến rõ rệt. Đến nay, tỷ suất sinh toàn xã giảm xuống còn 18,76%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 20,39%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp Tr*nh th*i đạt hơn 70%. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số của xã.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 145 CTV dân số, hoạt động ở 14 xã. Trong đó, hơn 2/3 là người dân tộc thiểu số. Tuy vậy, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", họ đã hoạt động tích cực để đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân. Không chỉ thế, họ còn giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường T*nh d*c... để đưa ra được những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất cho từng đối tượng trong từng giai đoạn tại địa phương.
Trong giai đoạn chuyển hướng sang Dân số và Phát triển, để công tác này đạt hiệu quả cao, hàng năm, địa phương đã tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kỹ năng và cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề, triển khai đề án, mô hình mới cho đội ngũ CTV, đặc biệt là các CTV người dân tộc thiểu số. "Tùy thuộc vào các mô hình, chúng tôi được địa phương thường xuyên cử tham gia các lớp tập huấn về công tác dân số. Với những đề án quan trọng như Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chúng tôi luôn phải tự trau dồi, trang bị kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ mang thai về lợi ích và quy trình sàng lọc, kỹ thuật lấy máu gót chân...", chị Ca Thị Thảo - chuyên trách dân số xã Khánh Thượng nói.
Ông Tuấn cho rằng, lực lượng CTV dân số đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng mức thù lao dành cho đội ngũ này còn thấp, chậm chi, không có các chế độ đãi ngộ khác. Điều này dẫn đến tình trạng đội ngũ CTV dân số thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động DS-KHHGĐ. Thời gian tới, địa phương rất mong các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến những CTV dân số để công tác dân số ngày càng phát huy hiệu quả.
Chủ đề liên quan:
chính sách dân số cộng tác viên cộng tác viên dân số dân số nâng cao tỉnh khánh hòa vai trò