Tâm sự hôm nay

Nên hoãn thực hiện phương án Một kỳ thi chung quốc gia

Nên hoãn thực hiện phương án “Một kỳ thi chung quốc gia”, để soạn thảo nội dung sao cho khoa học, hợp lý hơn .
Mới rồi, Bộ GD-ĐT công bố phương án tổ chức một kỳ thi chung quốc gia (sau đây gọi tắt là “phương án một kỳ thi chung”) và sẽ triển khai từ năm 2015. Dư luận xã hội - đặc biệt là giáo viên, HS và phụ huynh các em - bày tỏ nhiều băn khoăn, lo ngại về nội dung và sự phức tạp của phương án này; vì tưởng là đơn giản hóa, làm cho gọn nhẹ việc thi cử (kết hợp “2 trong 1”), nhưng sự thực thì lại làm rắc rối thêm cho việc thi cử. Ngay việc một kỳ thi mà làm hai nhiệm vụ (vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để làm căn cứ cho tuyển sinh ĐH-CĐ) đã không khoa học rồi. Huống chi, phương án một kỳ thi chung lại ghi rõ: HS phải thi “tối thiểu” 3 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), môn thứ 4 là môn thi tự chọn; HS thi theo 2 cụm thi (cụm thi dành cho thí sinh (TS) chỉ cần tốt nghiệp THPT mà không thi vào ĐH, và cụm thi cho các TS muốn vào ĐH); và nếu muốn vào ĐH-CĐ thì phải thi thêm từ 2 đến 4 môn nữa. Rồi Bộ GD-ĐT lại có công văn yêu cầu các trường ĐH-CĐ phải công bố các môn thi vào trường mình, chậm nhất là 15/10/2014.

Mới đọc phương án một kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT, đã thấy rất luẩn quẩn, không rõ ràng. Đến bây giờ, hầu hết GV-HS các trường PHPT đều tỏ ra lo lắng, hoang mang; và nhiều trường ĐH dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng cho TS thi vào trường mình, với các môn thi và cách thức khác nhau, sinh ra tình trạng lộn xộn thi cử. Như vậy, nội dung của phương án một kỳ thi chung là không rõ ràng, không rành mạch, thật là rắc rối và rất không khoa học; đồng thời tưởng là gọn nhẹ, nhưng lại phát sinh nhiều phiền toái, rắc rối thêm. Nói cách khác, phương án một kỳ thi chung lại hóa ra thành 3 kỳ thi chứ không phải là “một”!

Vì vậy, với tư cách một Giảng viên Đại học lâu năm, nhiều năm tham gia các Hội đồng tuyển sinh ĐH-CĐ, trực tiếp coi thi và chấm thi tuyển sinh ĐH-CĐ, tôi khẩn thiết đề nghị Bộ GD-ĐT tạm ngừng thực hiện">thực hiện phương án một kỳ thi chung- 2015 để bàn thảo cho kỹ lưỡng, biên soạn lại phương án sao cho khoa học, cụ thể, gọn gàng và minh bạch - tránh gây phiền toái và hoang mang cho các trường và dư luận xã hội.

Dưới đây, tôi đề xuất 2 vấn đề (2 bài) về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ từ năm 2015 theo tôi là khoa học và tối ưu.

***

CẦN CÓ KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT

Nhiều năm nay, dư luận xã hội đã đưa ra 2 loại ý kiến: 1- Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT (chỉ xét tốt nghiệp) và chỉ tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH (2 đợt thi ĐH, 1 đợt thi CĐ); 2- Bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH (Lấy điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH). Nói khái quát, dư luận xã hội nặng về đề xuất kỳ thi “Hai trong một”.

Là một Giảng viên ĐH, tôi rất ngạc nhiên về 2 loại ý kiến này. Không hiểu những người đề xuất 2 loại ý kiến đó đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm các nước Âu- Mỹ ra sao, và đã nắm bắt được thực tế về cả 3 phương diện Dạy- Học- Thi của các trường học Việt Nam đến đâu; hay mới chỉ là nghe phong thanh; hoặc như kiểu mấy ông “Thày bói xem voi”? Trong khi chất lượng dạy và học ở PT (và ĐH) của ta rất yếu kém: Trình độ chuyên môn của phần đông GV còn hạn chế, SGK thay đổi nhiều lần, phương pháp giảng dạy (do Bộ chỉ đạo) rất lạc hậu và cũng xáo trộn thường xuyên; còn HS thì chây lười học hành, tiêu cực trong nhà trường rất nhiều, mà lại đòi xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoặc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, nhập hai kỳ làm một, thì thật là kỳ lạ. Như thế, còn nói gì đến việc nâng cao chất lượng GD-ĐT và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà?!

Những người đề xuất 2 loại ý kiến trên đưa ra nhiều lý do: Các nước Âu- Mỹ không tổ chức 2 kỳ thi như của Việt Nam; Tổ chức 2 kỳ thi quá tốn kém kinh phí; 2 kỳ thi gần nhau gây áp lực lớn cho HS và phụ huynh; và, các kỳ thi tốt nghiệp THPT đều đạt tỷ lệ rất cao (trên 99%) thì còn thi làm gì?

Tôi hoàn toàn không đồng tình về các lý do nêu trên. Bởi vì, các nước Âu- Mỹ có nền kinh tế và giáo dục phát triển từ rất lâu, cách xa ta hàng trăm năm, trong khi kinh tế và giáo dục của ta lại yếu kém và lạc hậu từ lâu đời. Bên cạnh đó, tâm lý, tính cách của người Âu- Mỹ không giống tâm lý và tính cách của người Việt Nam ta: Họ coi trọng cái “thực”, không có “bệnh thành tích”, không gian lận trọng Dạy- Học- Thi, không mua bằng, bán điểm, không “làm ăn” kiếm lợi bất chính trong việc thi cử, v. v…Điều kiện kinh tế- xã hội và tâm lý- tính cách con người của các nước Âu- Mỹ và của Việt Nam khác nhau quá xa như vậy, thì tại làm sao nhiều người Việt Nam lại muốn học tập, bắt chước rập khuôn nền giáo dục của các nước Âu- Mỹ? Chỉ phân tích như thế, cũng đủ thấy 2 luồng ý kiến nêu trên (tức kỳ thi “2 trong 1”) là không khoa học và không bám sát thực tiễn đương đại của giáo dục Việt Nam rồi!

Tôi cũng rất lấy làm…lạ về tâm lý và tính cách của phần đông người Việt Nam ta, từ người bình dân có thể học hành có hạn, đến các bậc trí thức và quan chức các ngành, các cấp. Có thể chia ra làm 2 loại tâm lý- tính cách cơ bản của người Việt: Một là, loại “Rằm cũng ư, mười tư cũng gật”- tức chẳng cần phân tích, bàn thảo nghiêm túc gì hết, thế nào cũng được! Hai là, loại “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, tương đồng với những người “Nói như rồng leo”- tức là bất cứ “cái gì” và “thế nào” thì họ cũng bàn tán đa chiều được. Loại này thường chành chẻ, chi ly từng tý, săm soi từng chữ, từng câu, từng chi tiết rồi “bẻ quẹo” theo chủ quan (“Yêu nên tốt, ghét nên xấu”) của mình. Thế cho nên, khi thấy tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT đạt thấp (trên 50 – 60%), thì họ giãy nảy lên, với đủ loại lý do; nhưng khi tỷ lệ đạt cao (trên 90 – 99%), thì họ lại bảo là “Không đúng thực chất” và “Thế thì thi cử làm gì cho tốn kém, phức tạp”, v. v…

Sự thật thì, nguyên lý bất di bất dịch của giáo dục ở mọi thời và mọi nơi, là: Đã học, thì phải có thi. Thi- để kiểm tra, đánh giá về cả việc dạy và việc học. Có thi, thì GV và HS mới nỗ lực dạy và học, từ đó mà nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng con người. Mặt khác, 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH khác nhau về mục đích và mức độ khó - dễ của đề thi: kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhằm kiểm tra kiến thức PT của đại trà HS, khác với kỳ thi tuyển sinh ĐH là nhằm đào tạo các cán bộ khoa học- kỹ thuật, các chuyên gia về các lĩnh vực, đòi hỏi chất lượng cao hơn hẳn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, không thể nhập hai kỳ thi làm một !

Vì các phân tích như trên, cho nên, theo tôi, cần phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT và tổ chức như kỳ thi tháng 6/2014 (Thí sinh thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có câu hỏi theo hướng “mở”- gắn liền các vấn đề thời sự, tạo điều kiện cho HS phát huy tư duy độc lập, tránh chép “phao”). Kỳ thi tốt nghiệp THPT giao hoàn toàn cho các sở GD-ĐT địa phương đảm nhận. Kỳ thi tốt nghiệp THPT tháng 6/2014 theo hướng đổi mới- có thể nói là gọn nhẹ và đã thành công, được dư luận xã hội đánh giá cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trước 1 tháng kỳ thi tuyển sinh ĐH, là hợp lý, hoàn toàn không gây áp lực thi cử cho HS và phụ huynh. Nên xem đây là kỳ thi tất yếu và như buổi tập dượt để các em bước vào kỳ thi quan trọng hơn hẳn - kỳ thi tuyển sinh ĐH. Sau khi biết kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS mới đăng ký dự thi vào ĐH ; hồ sơ đăng ký tại Sở GD-ĐT của địa phương mình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015 về sau nên tăng cường xu hướng “nhẹ nhàng” (nhưng không tháo khoán), nghiêm túc nhưng không nghiêm ngặt, để tạo điều kiện cho đại đa số HS đỗ tốt nghiệp. Phần lớn các HS này sẽ học các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, hoặc ra đời kiếm sống ngay sau khi có tấm bằng tốt nghiệp THPT. Còn thi tuyển sinh ĐH thì phải làm chặt chẽ hơn hẳn, vì đây là kỳ thi nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đào Ngọc Đệ

(Giảng viên Đại học Hải Phỏng)

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nen-hoan-thuc-hien-phuong-an-mot-ky-thi-chung-quoc-gia-5791.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY