Tâm sự hôm nay

9 giải pháp tối ưu đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH

Tôi xin đề xuất phương án thi tuyển sinh ĐH theo tôi là tối ưu như dưới đây:
Trên cơ sở thực tiễn việc học hành, thi cử của ta, với mục đích nâng cao chất lượng GD&ĐT nói chung, nhất là chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) và chống tiêu cực trong thi cử, giảm phiền hà, tốn kém cho nhà nước và cho các TS, tạo sự công bằng cho các TS, tôi xin đề xuất phương án thi tuyển sinh ĐH theo tôi là tối ưu như dưới đây:

1- Mỗi năm cả nước chỉ tổ chức một kỳ thi chung (một đợt), theo phương án “3 chung” cho tất cả các trường ĐH, ở tất cả các khối A, B, C, D,…và các trường ĐH năng khiếu, kể từ các trường công lập (gồm cả các trường thuộc lực lượng vũ trang nhân dân), dân lập, tư thục và liên danh, liên kết với nước ngoài, trường trung ương cũng như trường địa phương).

Các trường CĐ (và hệ CĐ trong trường ĐH) không tổ chức thi tuyển sinh, mà chỉ xét tuyển qua giấy báo điểm thi ĐH và đơn xin học của các TS đã trượt ĐH. Như vậy, HS tốt nghiệp THPT mỗi năm chỉ thi ĐH một lần!

Về phương án “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi; thí sinh thi 3 môn theo khối thi: Khối A thi Toán- Lý- Hóa; Khối A1 thi Toán- Lý- Tiếng Anh; Khối B thi Sinh- Toán- Hóa; Khối C thi Ngữ văn- Lịch sử- Địa lý; Khối D thi Ngữ văn- Toán- Ngoại ngữ, và các khối khác cũng thi 3 môn như các năm vừa qua) đã thực hiện từ năm 2002 đến nay, ngày càng được hoàn thiện, được dư luận xã hội nói chung và dư luận HS đánh giá cao. Nói như vậy, để thấy “Dự thảo phương án một kỳ thi THPT quốc gia” (đề xuất 3 phương án, để lựa chọn 1) mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra xin ý kiến dư luận xã hội, theo tôi là không cần thiết, lại rườm rà, rắc rối, không khoa học, rất nặng nề và không phù hợp với cách dạy và học của nhà trường Việt Nam lâu nay.

Theo tôi, mỗi năm chỉ tổ chức một kỳ thi chung (một đơt) cho tất cả các trường ĐH hoàn toàn không phải là việc “hạn chế nhu cầu học lên ĐH” của HS- như nhiều người lầm tưởng; mà rất có lợi cho tất cả HS, có lợi cho Nhà nước và xã hội. Vì mỗi năm chỉ thi ĐH một lần, nên không lãng phí ngân sách, cả xã hội không xôn xao lo ngại, ngành GD-ĐT và gia đình các TS không phải tất bật, lo lắng, vất vả, tốn kém tiền bạc và công sức cho con em đi thi nhiều đợt, nhiều ngày, nhiều nơi. Mặt khác, nó làm cho HS phải chăm chỉ học hành ngay từ các cấp PT, từ đó mới tạo nên chất lượng thật cho giáo dục PT, chứ không chạy theo “thành tích” giả (Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nào cũng rất cao). Vì mỗi năm chỉ thi ĐH một lần, nên các TS sẽ phải lượng sức mình để chọn một trường ĐH phù hợp với khả năng và sở thích; không còn hiện tượng “TS ảo”, “đi thi cho vui” gây nhiễu và tốn kém hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi kỳ tuyển sinh. Từ đấy, các trường ĐH sẽ tuyển chọn được các TS có chất lượng và yêu thích ngành nghề đào tạo. Mặt khác, đây sẽ là điều mặc nhiên để không ít trường ĐH-CĐ tự đào thải: Trường nào có chất lượng tốt, có uy tín, thì mới có nhiều TS dự thi; và sẽ có rất nhiều trường quá ít hoặc không có TS dự thi, sẽ tự đào thải! Như vậy, nhất định sẽ tạo nên chất lượng đích thực cho GDĐH của ta- trước hết là chất lượng đầu vào ĐH!

2- Trong đơn đăng ký dự thi ĐH, TS được ghi hai (O2) nguyện vọng (NV): NV1- là vào học tại một Khoa (ngành) của trường ĐH khác cùng khối thi, nhưng có điểm đỗ thấp hơn của trường ĐH mình đã dự thi; NV2 - là vào học hệ CĐ của chính trường ĐH mình đã dự thi (trường ĐH có hệ CĐ), hoặc vào học tại một trường CĐ khác, cùng khối thi. Làm như vậy, sẽ không gây nhiễu cho kỳ thi, không gây nhốn nháo, phức tạp, tiêu cực trong việc tuyển sinh. Đây cũng là một cách để nâng cao chất lượng tuyển sinh ĐH. Hiện nay, TS được ghi nhiều NV, nên việc tuyển sinh rất chậm, quá kéo dài, gây nhiều tiêu cực.

3- Bộ GD-ĐT vẫn ra đề thi chung cho các trường ĐH (trừ môn năng khiếu); tuyệt đối không thi trắc nghiệm. Chung đề thi sẽ thống nhất được “chuẩn” của đề, đảm bảo được tính khoa học, tránh được việc ra đề sai; không lãng phí tiền bạc cho việc ra đề- như để các trường ĐH-CĐ trước đây tự ra đề (từ năm 2001 trở về trước). Kỳ thi ĐH là kỳ thi có tính khoa học nghiêm túc; không phải là thứ trò chơi, nên tuyệt đối không thi trắc nghiệm theo lối cầu may, mà phải thi tự luận để kiểm tra tư duy và kiến thức có thực của TS; nhưng coi thi và chấm thi phải nghiêm ngặt.

4- TS ở địa phương nào, thi ngay tại thành phố hoặc tỉnh lỵ của địa phương đó. Ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, thì có 63 Hội đồng thi (mỗi Hội đồng thi có nhiều “điểm” thi ). Làm như vậy, không gây tốn kém tiền bạc, công sức cho TS và gia đình các em, không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, hạn chế tối đa các T*i n*n, rủi ro, cạm bẫy đối với TS.

5- Cán bộ coi thi phải được lựa chọn từ giáo viên các trường THCS, THPT và phải được tập huấn chu đáo về nghiệp vụ coi thi. Tuyệt đối không lấy sinh viên ĐH-CĐ để coi thi, vì họ thường lúng túng, dễ dãi trong việc coi thi, dễ mắc sai phạm Quy chế coi thi. Thực tế các kỳ thi tuyển sinh ĐH, do các trường không tập huấn kỹ càng, nghiêm túc cho các cán bộ coi thi (CBCT) nên không ít CBCT đã mắc các sai phạm, nhiều khi đến mức ấu trĩ!

6- Tổ chức chấm chung, phúc khảo chung; hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo. Chấm thi tuyển sinh ĐH là công việc cực kỳ hệ trọng, hết sức nhạy cảm, xã hội rất quan tâm, theo dõi. Lâu nay, các trường đều tự chấm bài thi vào trường mình. Việc này, tưởng là để các trường “tự chủ”(?!), nhưng sự thật lại là một lỗ hổng rất lớn đẻ ra nhiều tiêu cực trong việc tuyển sinh. Để các trường tự chấm bài thi và chấm phúc khảo, thì nhiều phụ huynh và TS sẽ “chạy tiền” trực tiếp cho một số giám khảo, hoặc cán bộ, nhân viên nhà trường, hoặc qua bọn cò mồi. Vì vậy, những TS đã “chạy tiền”, hoặc là con em, là người thân của các cán bộ lãnh đạo địa phương và con em, người thân của các giám khảo, hoặc của các cán bộ, nhân viên trong trường sẽ đỗ ĐH-CĐ dễ như trở bàn tay! Đã có một số đường dây chấm thi ma mãnh (tuy không phải giám khảo nào cũng ở trong các đường dây này); họ chấm bài theo những ký hiệu riêng ở các bài thi của các TS được “đỡ đầu” và họ có quy định riêng về việc thống nhất cho điểm (cho nên những bài thi được “đỡ đầu” bao giờ cũng trùng khớp điểm giữa hai lần chấm, và không bị thanh tra, không bị chấm lại lần thứ ba). Nhiều năm nay, một số trường đã vi phạm quy chế chấm thi, quy chế tuyển sinh, đã bị báo chí lên tiếng. Năm nào, Bộ GD&ĐT cũng đề ra quy chế chấm thi: chấm hai vòng độc lập, bí mật điểm chấm lần thứ nhất, chấm thi tại hai phòng chấm khác nhau, v. v... nhưng thực tế những “quy định” ấy chẳng có ý nghĩa, tác dụng gì với số người chấm thi ma mãnh này! Các thanh tra viên và các cơ quan bảo vệ pháp luật rất khó phát hiện đường dây chấm thi tiêu cực, chưa kể nhiều khi còn bị “che mắt”, bị mua chuộc, bị vô hiệu hoá. Vì vậy, để ngăn chặn tiêu cực trong khâu chấm thi, cần phải chấm chung, phúc khảo chung; hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo.

Chấm chung, là tất cả các bài thi của các TS vào bất cứ trường nào, cũng được tập trung chuyển ngay về Bộ GD&ĐT hoặc các trung tâm chỉ đạo tuyển sinh của Bộ đặt ở các vùng, miền (lấy một trường ĐH nào đó làm cơ sở). Bộ có thể tổ chức chấm chung theo khu vực (Ví dụ: các trường ĐH miền Bắc chấm chung tại tỉnh X, tỉnh Y chẳng hạn, với nhiều địa điểm chấm thi; các trường miền Trung chấm ở TP. Vinh và Đà Nẵng chẳng hạn, cũng với nhiều địa điểm chấm thi; v. v …). Tốt nhất là chấm chung theo nhóm tỉnh và thành phố (các trường ở vài tỉnh gần nhau, chấm chung tại một nơi). Phúc khảo bài thi, cũng theo cách đó. Còn chấm chéo, thì Bộ sẽ chỉ đạo trường A. của tỉnh này, chấm bài của trường B. ở tỉnh kia (giữ bí mât tên trường). Phúc khảo chéo, cũng như thế. Giám khảo được các trường lựa chọn (hoặc thuê chấm) tập trung chấm bài ở địa điểm được thông báo. Mỗi địa điểm chấm thi, đều phải có nhóm thanh tra, giám sát của Bộ và các cán bộ thanh tra này được quyền tự chọn bài thi để chấm thanh tra (Thực tế, có nhiều nhóm thanh tra không được quyền tự chọn các bài thi để chấm thanh tra, mà cán bộ trường sở tại đưa cho bài thi nào thì chỉ được chấm bài thi đó! Các bài thi chấm thanh tra kiểu này, tuyệt nhiên không phải là các bài thi được “đỡ đầu”)! Sau khi chấm chung, phúc khảo chung, hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo, các hội đồng chấm thi sẽ vào điểm trên máy tính, có xác nhận của Bộ, rồi đưa lên mạng và gửi điểm thi về cho các trường. Các trường niêm yết công khai điểm thi của TS, rồi làm phiếu điểm gửi cho TS.

Tôi cam đoan rằng, việc chấm chung, phúc khảo chung, hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo - sẽ đảm bảo được tối đa sự công bằng cho các TS và tránh được tối đa những tiêu cực trong việc chấm thi; nhất định sẽ được đông đảo TS và các vị phụ huynh đồng tình!

7- Việc công bố điểm trúng tuyển (không gọi là điểm “chuẩn”) do các trường định ra, sau khi báo cáo lên Bộ GD-ĐT. Công bố điểm trúng tuyển sau kỳ thi tuyển sinh không quá 20 - 25 ngày. Điểm trúng tuyển lấy theo khối ngành, sao cho phù hợp với chất lượng cụ thể (tức là điểm thi của đa số các TS thuộc các khối ngành của từng trường) nhưng không quá thấp và dựa trên số lượng TS cần tuyển (Ví dụ: Trường X., điểm trúng tuyển Khoa Toán là 21; điểm trúng tuyển Khoa Văn là 20 chẳng hạn; Trường Y., điểm trúng tuyển Khoa Công trình thủy là 19, điểm trúng tuyển Khoa Kinh tế là 19,5 điểm chẳng hạn, v. v...). Không cần điểm sàn chung cho các trường ĐH trên cả nước. Sự khác nhau về điểm trúng tuyển của các khối ngành ngay trong một trường là chuyện bình thường. Các trường ĐH có thể tuyển hết chỉ tiêu được giao (lấy từ điểm cao xuống thấp theo từng ngành học); nhưng cũng không nhất thiết phải tuyển đủ chỉ tiêu được giao, nếu có nhiều TS tổng điểm quá thấp! Đây là điều cần thiết, để không xảy ra tình trạng “vơ bèo vợt tép” và không để cho các trường tha hồ xin chỉ tiêu vượt quá khả năng của trường mình.

8- Những TS trượt, nhưng có tổng điểm tương đối khá, có thể xin xét tuyển vào học một trường ĐH khác, cùng khối thi (tức NV1 nêu trên), nhưng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trường mình đã dự thi, nếu trường ĐH này công bố có nhu cầu tuyển cho đủ chỉ tiêu được giao; hoặc xin xét tuyển vào học một trường CĐ, hoặc hệ CĐ của chính trường mình dự thi (cùng khối thi) theo điểm quy định của trường này (tức NV2). Việc xét tuyển thêm đối với TS đã thi trượt, vào một trường ĐH khác, hoặc trường (hay hệ) CĐ, chỉ tiến hành tối đa trong vòng 20 ngày, kể từ sau khi các trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển; không kéo dài như mấy năm qua! Các trường xét tuyển theo giấy báo điểm thi (bản chính) của TS. Nếu đến chỉ tiêu cuối cùng, mà có nhiều TS cùng điểm, thì ưu tiên cho TS là con em các gia đình chính sách, đặc biệt là con các thương binh, liệt sĩ; và vì thế, Bộ có thể chấp nhận dôi dư một vài chỉ tiêu (không đáng kể) cho các trường này.

9- TS thi vào các trường ĐH Sư phạm (SP) phải có học lực từ khá trở lên và kết quả thi tốt nghiệp THPT phải đạt từ khá trở lên; điểm thi tốt nghiệp của môn chính thi vào ĐHSP phải đạt từ 6,5 điểm trở lên. Ví dụ: TS thi vào khoa Văn- ĐHSP thì phải có học lực khá, tốt nghiệp THPT từ loại khá trở lên, trong đó điểm thi môn Văn phải đạt từ 6,5 điểm trở lên. Sở dĩ tôi đề xuất điều này, vì lâu nay, phần đông TS thi vào các trường SP thuộc loại học lực trung bình hoặc yếu; trong khi yêu cầu của ngành GD-ĐT đối với người giáo viên là rất cao về mặt kiến thức. Đồng thời Nhà nước nên có một số chính sách ưu tiên (như lương, phụ cấp, học bổng, v. v…) cho các trường SP, GV và sinh viên các trường SP.

Các trường CĐ, trung cấp, dạy nghề không thi tuyển, mà chỉ xét điểm thi của các TS đã trượt ĐH.

Tôi cho rằng: 9 giải pháp trên đây là phương án tối ưu đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH từ năm 2015 về sau. Nó đảm bảo tính khoa học, gọn gàng, không rối rắm rườm rà, không tốn kém, không phiền toái, có tác dụng thiết thực thúc đẩy rõ rệt chất lượng của GDPT và nâng cao được chất lượng đầu vào ĐH, góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Ngay việc chấm chung, phúc khảo chung, hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo- cũng không khó khăn, phức tạp gì cho công tác tổ chức của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, cùng với việc đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH, Nhà nước cần thiết thực quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH, viết mới các giáo trình, xây dựng CSVC và kiểm tra chặt chẽ việc xin mở thêm các trường ĐH. Tôi cũng mong các bậc phụ huynh, các TS và toàn xã hội, hãy coi việc thi cử là chuyện rất bình thường. Đỗ vào trường ĐH bây giờ hoàn toàn không phải là việc khó- nếu HS chăm chỉ học hành. Vả lại, con đường dẫn tới sự thành đạt của mỗi người không nhất thiết phải là con đường vào trường ĐH! Tôi muốn nhắc lại rằng: Có học, thì phải có thi, và phải tổ chức thi sao cho khoa học, nghiêm túc, gọn gàng. Có như thế, mới nâng cao được chất lượng đích thực cho nền giáo dục nước nhà- nhất là chất lượng GDĐH, và mới thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với tương lai dân tộc!

ĐÀO NGỌC ĐỆ

Giảng viên Đại học

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-9-giai-phap-toi-uu-doi-moi-ky-thi-tuyen-sinh-dh-5749.html)

Tin cùng nội dung

  • Mới đây, ở Cần Thơ, người nhà bệnh nhân thắc mắc, sao: “Nói cắt ruột thừa cho con tôi nhưng rốt cục là cắt buồng trứng?”.
  • Tại các điểm quán giải khát vỉa hè, hàng loạt các loại nước giải khát tự chế, tự gắn mác đủ hương vị, màu sắc được bán tràn lan với giá cực... rẻ.
  • Sau sau có tên khác là sau trắng, cây thau, cổ yếm, có nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Bộ phận dùng làm Thu*c là quả (lộ lộ thông), lá (phong hương diệp), rễ (phong hương căn), nhựa (phong hương chi).
  • Cây mận còn có tên lý (mai mơ - lý mận - đào đào), có nhiều chất dinh dưỡng. Với tính năng bổ âm, sinh tán chỉ khát
  • (SucKhoeDoiSong.vn) - Gãy cổ xương đùi là một T*i n*n rất hay gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân thường gặp là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất,
  • Gãy cổ xương đùi là một T*i n*n rất hay gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân thường gặp là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất, mật độ xương thấp và giòn do tuổi cao nên dẫn tới nguy cơ này.
  • Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vừa phẫu thuật cứu sống ngoạn mục một trường hợp bệnh nhân cao tuổi bị tắc hẹp 5 đoạn động mạch vành.
  • Cha mẹ sẽ giúp con loại bỏ những lo âu, căng thẳng trong mấy tháng cật lực ôn luyện.
  • Xuất tinh sớm là một dạng chung trong hệ thống rối loạn cương dương, được lý giải với nhiều quan điểm khác nhau.
  • Khó tiêu là rối loạn tiêu hóa thường gặp, nhất là trong thời ăn nhanh, uống vội hiện nay. BSCK2 Trần Ánh Tuyết, chia sẻ một số giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY