Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Ngày 3/5, Việt Nam ghi nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19; bảo vệ trẻ em và phụ nữ trong khu cách ly

Theo Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 3/5, Việt Nam đã ghi nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19 là chuyên gia dầu khí người Anh, nâng tổng số ca bệnh lên 271 trường hợp.

Ca bệnh thứ 271 đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Bệnh nhân số 271 (nam, 37 tuổi, quốc tịch Anh), là chuyên gia của Tập đoàn Dầu khí, được nhập cảnh để thực hiện dự án kinh tế.

Ngày 28/4, bệnh nhân bay từ Anh tới Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay riêng mang số hiệu AXY 2504 (không phải chuyến bay chở khách thương mại). Cùng đi với bệnh nhân có 12 chuyên gia khác, tất cả đã được quản lý, cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), nên không lây ra cộng đồng.

Xét nghiệm lần 1 ngày 28/4 của tất cả 13 người đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 2/5, lấy mẫu xét nghiệm lần hai, thì 12 người kết quả âm tính, riêng bệnh nhân số 271 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân số 271 đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh).

Như vậy, tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 3/5, đã 17 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 271 ca mắc COVID-19 tại Việt Nam, có 131 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Việt Nam đã có 219/271 trường hợp khỏi bệnh. 52 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở khám, chữa bệnh gồm bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Đa số các bệnh nhân có sức khoẻ ổn định.

Trong số 52 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, đã có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 30.530 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 246 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 5.748 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 24.192 người.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dịch bệnh ở nước ngoài còn phức tạp, có những nơi trên thế giới còn căng, xác định dịch kéo dài 18 - 24 tháng. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục làm tốt việc cách ly những công dân Việt Nam từ nước ngoài về hoặc khi mở cửa hơn nữa cũng phải tiếp tục ngăn chặn những ca nhập cảnh để phòng, chống dịch.

Đồng thời, phải thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, phát hiện được ngay ca đầu tiên càng sớm càng tốt. Hiện tại, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước đang được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào trong nước vẫn còn hiện hữu, do đó không được chủ quan trong phòng chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống COVID-19: Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2 mét; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh; thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Chung tay bảo vệ trẻ em và phụ nữ trong các khu cách ly

Ngày 3/5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tại Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra thông cáo báo chí chung về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trong các khu cách ly.

Thông cáo báo chí chung nêu rõ, hàng nghìn trẻ em và phụ nữ trong các khu cách ly trên khắp cả nước được đảm bảo an toàn nhờ các nỗ lực tiên phong gần đây của Chính phủ Việt Nam, UNICEF và UN WOMEN trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, trẻ em, vị thành niên và phụ nữ là những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch này. Trong các khu cách ly, họ phải đối mặt với những nguy cơ về an toàn và họ cần được bảo vệ trong thời gian này. Những nguy cơ này bao gồm rủi ro có liên quan đến nơi ở tại khu cách ly, nguy cơ bạo lực, xâm hại T*nh d*c, an toàn vệ sinh mang tính đặc thù dành cho giới và an toàn dinh dưỡng, cũng như vấn đề an toàn thông tin cá nhân.

“Đây là một hành động đi đầu của Chính phủ Việt Nam trong tổng thể những chiến lược ứng phó đại dịch hiệu quả đã được công nhận tới nay”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.

Hàng chục nghìn hướng dẫn đã được phân phát tới các khu cách ly trên cả nước để đảm bảo những người làm công tác quản lý và nhân viên tại đây được hướng dẫn trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên và phụ nữ.

Những hướng dẫn này đề cập đến các nội dung như: điều kiện sinh hoạt an toàn về thể chất và vệ sinh, dinh dưỡng, những bố trí cần thiết để bảo đảm sự an toàn và riêng tư đặc thù về giới nhằm bảo vệ trẻ em, người vị thành niên, phụ nữ trước các nguy cơ bạo lực và xâm hại T*nh d*c, hỗ trợ tư vấn tâm lý, những quy định về an toàn thông tin. Những lời khuyên và hướng dẫn nhằm hỗ trợ sức khỏe tâm lý dành cho trẻ em, người chưa thành niên cũng được cung cấp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống trong các khu cách ly.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Trong cuộc chiến chống COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã đặt tính mạng của người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ lên ưu tiên hàng đầu. Đối với những người ở trong hoàn cảnh đặc biệt ví dụ như trong các khu cách ly thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF và UN WOMEN, cùng các tổ chức quốc tế khác ở Việt Nam đã kịp thời đưa ra các giải pháp để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của nhóm này”.

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, trong tình huống này, trẻ em và phụ nữ cần phải được cung cấp thông tin, kỹ năng, động viên, hỗ trợ đầy đủ. Bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN WOMEN tại Việt Nam nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 có tác động khác nhau tới phụ nữ và nam giới do đó các kế hoạch ứng phó trước đại dịch cần có nhạy cảm giới. Chúng tôi khuyến khích Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương đang điều hành các cơ sở cách ly sử dụng hướng dẫn này, đưa ra các biện pháp để đảm bảo mỗi địa điểm cách ly là nơi an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Bà Eliza Fernandez Saenz cho biết thêm, việc quan tâm đến nhu cầu, khả năng lãnh đạo của phụ nữ sẽ tăng cường khả năng ứng phó trước đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Các hướng dẫn và tài liệu truyền thông đã được đưa lên trang web và mạng xã hội của UNICEF, UN WOMEN và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Có rất nhiều hoạt động truyền thông được thực hiện trên mạng xã hội hướng tới trẻ em, vị thành niên, phụ nữ để nâng cao nhận thức và cung cấp giải pháp ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chính phủ và các cơ quan của Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện để thu hút sự chú ý của công chúng trong việc bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

V.T/Báo Tin tức

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo tin tức (https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-35-viet-nam-ghi-nhan-them-mot-truong-hop-mac-covid19-bao-ve-tre-em-va-phu-nu-trong-khu-cach-ly-20200503213159124.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Bộ phận nhạy cảm này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn thể chất khỏe mạnh, đời sống T*nh d*c như ý của các chị em.
  • Cài đai an toàn bảo vệ bạn và em bé khỏi thương tích hoặc Tu vong trong trường hợp bị T*i n*n xe hơi. Bạn nên cài đai an toàn dù ngồi ở bất cứ vị trí nào trong xe.
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Chất độc hại bao gồm các hóa chất, sản phẩm gia dụng, Thu*c trừ sâu và các loại mỹ phẩm. Bảo vệ con bạn và đưa trẻ tránh xa các chất độc hại.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY