Kinh tế xã hội hôm nay

Người sản xuất và buôn bán bột ngọt, hạt nêm giả đối mặt với án tù chung thân

Vừa qua, Tòa án Nhân dân Quận 12, TP. HCM cho biết đã tuyên phạt bị cáo Đinh Văn X (SN 1984 tuổi, ngụtại quận 12, TP. HCM) 2 năm tù về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo điều 193 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018.

Tòa án Nhân dân Quận 12 đã quyết định tuyên phạt 2 năm tù giam đối với bị cáo Đinh Văn X với tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo điều 193 BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 cũng như tiêu hủy toàn bộ số hàng giả.

Trước đó, trên đường vận chuyển và tiêu thụ, tổ công tác Công an quận 12 phát hiện bị cáo X đang điều khiển xe mô tô có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, cơ quan điều tra phát hiện hơn 150 gói bột ngọt, hạt nêm giả không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tại chỗ ở của bị cáo X, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 25 gói bột ngọt, hạt nêm thành phẩm cùng nhiều tang vật liên quan. Theo lời khai, X mua bột ngọt hiệu 2 con tôm với trọng lượng 25kg/bao và hạt nêm Việt tại các tiệm tạp hóa loại 10kg/bao và tiến hành sang chiết, đóng gói trong các bao bì đã in sẵn nhãn hiệu từ các thương hiệu nổi tiếng.

Những bao tải bột ngọt 25kg hiệu hai con tôm được sử dụng để sang chiết thành gói nhỏ mang thương hiệu nổi tiếng vá bán ra thị trường.

Đây là một trong những vụ án xét xử theo BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã bổ sung tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm vào chung hình phạt với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Theo đó, Điều 193 về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định rõ người nào có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất từ 2–5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa. Với mức vi phạm cao hơn, người sản xuất sẽ phải đối mặt với mức án tù 20 năm hoặc cao nhất là tù chung thân. “Đây là điểm cải tiến rõ nét nhất trong bộ luật mới, cho thấy sự quan tâm của cơ quan lập pháp cũng như các cơ quan bộ, ngành trong việc chăm lo đời sống nhân dân”, Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Công ty Luật TNHH Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP. HCM) nhận xét.

Có thể thấy, với những điều chỉnh mới trong BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018, việc sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm gồm các chất tạo hương, chất tạo vị (bột ngọt/ mì chính)… đều bị phạt tù thấp nhất từ 2–5 năm không kể số lượng và giá trị hàng hóa. Tùy theo giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm nghiêm trọng như phạm tội có tổ chức với tính chất chuyên nghiệp, gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng hoặc gây ch*t người, đối tượng phạm tội có thể phải nhận mức phạt hình sự cao nhất là tù chung thân theo điều 193, và sẽ bị phạt hành chính từ 20 – 100 triệu đồng.

Một điểm mới đáng lưu ý là tại Điều 76 của Bộ luật này quy định pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm. Theo đó, pháp nhân thương mại phạm tội tại điều 193 thì mức xử phạt thấp nhất là 01–18 tỷ đồng. Đối với những trường hợp pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng nhiều người, gây ra sự cố môi trường hoặc có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện hành vi vi phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Với việc bổ sung, sửa đổi nhiều quy định trong BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý hình sự và răn đe các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và buôn bán hành giả là phụ gia thực phẩm gây nhiều nhức nhối trong thời gian qua.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nguoi-san-xuat-va-buon-ban-bot-ngot-hat-nem-gia-doi-mat-voi-an-tu-chung-than-n164301.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY