Nhà phân tích Apjit Walia thuộc Deutsche Bank nhận định kết quả trên cho thấy mặc dù người tiêu dùng hai nước chưa tẩy chay hàng hóa của nhau nhưng chủ nghĩa dân tộc trong thương mại lẫn tâm lý không thích toàn cầu hóa đang gia tăng.
Thái độ thiếu tin tưởng hàng Trung Quốc được thúc đẩy bởi giới chức Washington - đặc biệt là Tổng thống Donald Trump với hàng loạt phát ngôn đổ lỗi chính quyền Bắc Kinh về dịch COVID-19. Giới phân tích dự đoán ông sẽ tiếp tục dùng Trung Quốc để đánh lạc hướng chú ý khỏi cách chính quyền Mỹ xử lý dịch bệnh cũng như thiệt hại mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh bầu cử sắp đến.
Trong một khảo sát khác do đơn vị tư vấn FTI Consulting thực hiện, 78% người Mỹ được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho một sản phẩm nếu công ty cung ứng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, khoảng 55% không tin Trung Quốc thực hiện cam kết tăng mua hàng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Lao động giá rẻ dồi dào cùng cơ sở hạ tầng tốt biến Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” suốt vài thập kỷ qua, người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi từ nguồn cung hàng hóa rẻ tiền. Tuy nhiên chi phí lao động dần tăng cao và chiến tranh thương mại kéo dài 2 năm làm xói mòn vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nay lại thêm đại dịch COVID-19 khiến hàng loạt quốc gia tăng cường nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo giáo sư Sulmaan Khan thuộc Đại học Tufts, chính sách ngoại giao cứng rắn để bảo vệ an ninh quốc gia của chính quyền Bắc Kinh là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp Trung Quốc đánh mất lòng tin của nước khác. Ông còn cảnh báo nỗ lực gia tăng chủ nghĩa dân tộc có thể phản tác dụng và vượt khỏi tầm kiểm soát.