Theo truyền thuyết vào thời kỳ Hùng Vương, có chàng trai tên là Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại Hưng Yên trong thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Một hôm, nhà cháy, chỉ còn chiếc khố hai cha con thay nhau mặc. Khi rời nhà, Chử Đồng Tử mặc khố và cha phải ở nhà, và ngược lại.
Trong giờ hấp hối, người cha dặn con phải giữ lấy khố để mặc. Thương cha, Chử Đồng Tử cãi lời, liệm khố chôn theo cha. Chử Đồng Tử câu cá ban đêm, ban ngày bơi theo thuyền buôn để đổi thực phẩm.
Hình ảnh Chửi Đồng Tử và Tiên Dung trong văn học dân gian
Vua Hùng Vương thứ ba có con gái tên là Tiên Dung, cô thích đi thuyền du lịch khắp nước. Một hôm, Công chúa và đoàn hầu tới Hưng Yên. Thấy đoàn thuyền rồng tới, Chử Đồng Tử vùi mình vào cát che thân.
Tiên Dung quây màn quanh một bờ lau để tắm, không ngờ gần Chử Đồng Tử. Cô xối nước tắm, làm lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Ngạc nhiên và mắc cỡ, Tiên Dung hỏi sự tình. Như một nhân duyên, sau này Tiên Dung và Chử Đồng Tử thành vợ - chồng.
Buồn bực và giận dữ, Vua Hùng Vương cấm Công chúa về cung. Cặp vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung đành mở chợ, buôn bán hàng để mưu sinh.
Cơ duyên trở thành Phật tử đầu tiên
Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh chép: Truyện Đầm Nhất Dạ: Tiên Dung Mị Nương và Chử Đồng Tử chứng minh sự có mặt của Đạo Phật vào đời Hùng Vương thế kỷ thứ III. (Triều đại 18 vua Hùng kể từ 2879 – 257 tr TL Thục An Dương Vương).
Trong sách có ghi chép rằng: Hai vợ chồng Tiên Dung Mị Nương và Chử Đồng Tử. Sau khi vua cha đuổi ra khỏi cung, bèn lập ra cái chợ để buôn bán. Ngôi chợ này vẫn thường có các thương nhân ngoại quốc lui tới.
Người ngoại quốc ở đây chỉ có thể là người Ấn Độ đã vượt biên giới phía Bắc Ấn Độ sang vùng trù phú Myanmar (Miến Điện) rồi vào vùng Founan (Phù Nam). Trong truyện có nói rõ là hai vợ chồng gặp một đại thương gia dùng thuyền để đi buôn và nói với Tiên Dung: “Quý nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngoài biển mua vật quí, sang năm sẽ lời được một thoi”.
Hai vợ chồng bàn với nhau rồi đồng ý. Người chồng đã cùng với đại thương gia đi buôn ở biển. Ngoài biển có hòn đảo tên là Quỳnh Viên (sách Đạo Giáo Nguyên Lưu ghi là Quỳnh Vi). Nơi đây có một am và có một vị Tăng sĩ tên là Phật Quang.
Người đại thương gia và Chử Đồng Tử đã ghé thuyền vào đảo để lấy nước ngọt. Dịp này Đồng Tử được vị Tăng sĩ Phật Quang (nghĩa là ánh sáng đức Phật) thuyết pháp cho nghe nên giác ngộ và được truyền pháp khí là chiếc gậy và cái nón lá và bảo rằng: “Những cái ấy làm chìa khóa cho mọi năng lực thần bí”.
Việc này giống như trường hợp thời Phật Thích Ca trước khi nhập Niết Bàn truyền Pháp Ấn cho Ngài Ma Ha Ca Diếp là áo cà sa và bình bát, còn Chữ Đồng Tử được trao chiếc gậy và cái nón lá.
Đồng Tử có pháp khí thần thông nên bỏ nghề buôn, rồi đưa thoi vàng cho người đại thương gia đi buôn và dặn, khi nào trở về ghé vào am để chở Đồng Tử cùng về đất liền. Khi về gặp lại nhau, Đồng Tử đem đạo giáo lý đạo Phật thuyết giảng với Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ và hai vợ chồng cùng nhất trí đi tìm thầy học đạo. Sau này hai vợ chồng đều đắc đạo.
Chử Đồng Tử trở thành một trong 4 vị Thánh Tứ Bất Tử theo quan niệm của người Việt.
Đền thờ Chử Đồng Tử
Bao gồm hai đền chính. Đó là đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Và đền Hóa (nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu phân hóa về trời - PV) thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khóai Châu, tỉnh Hưng Yên.
Cả hai đền đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân (Có thuyết kể rằng: Chử Đồng Tử trong lúc chu du tìm thầy học đạo cùng vợ đã lấy thêm một người vợ thứ hai là một tiên nữ giáng trần. Cả ba người đã giúp dân chữa bệnh - PV).
Ngoài ra còn một số đền Làng thờ như : Đền Ngự Dội làng Màn Trầu, huyện Đông Yên nay là thôn Toàn Thắng, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đền Làng Quan Xuyên xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên...
Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Hai Âm lịch hàng năm ở cả hai ngôi đền này.
Tịnh Phương (lược soạn)
(*) Chú thích: Bài viết được tổng hợp từ tư liệu đăng trên một số trang mạng Phật giáo