Bé Tùng Anh đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, hai năm nay không hoàn thành xong lớp một vì căn bệnh ung thư máu. Mẹ cậu bé chia sẻ, năm 2019, vừa bắt đầu đi học lớp một được vài ngày thì bé được chẩn đoán ung thư máu. Thay vì được học những chữ cái đầu tiên thì cậu bé phải vào viện truyền hóa chất. Sau những đợt điều trị tấn công, bệnh tình cải thiện, Tùng Anh được đi học trở lại.
Chưa được bao lâu, cậu bé lại phải nhập viện vì ung thư tái phát. Các bác sĩ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, hiện tại, tình trạng ung thư đã thâm nhiễm vào thần kinh trung ương, không thể truyền hóa chất được mà chỉ có thể điều trị triệu chứng để cầm cự. Hiện, bệnh nhi đứng trước nguy cơ thiếu máu, thiếu cả tiểu cầu nên rất mệt, đau nhức toàn thân và có nguy cơ bị xuất huyết.
Nằm cùng phòng bệnh với Tùng Anh là bé gái tên Ngọc, 11 tuổi, bị chứng xuất huyết giảm tiểu cầu. Bệnh còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, là một bệnh rối loạn miễn dịch, trong đó có sự bất thường về đông máu. Xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gây ra bầm tím dưới da và chảy máu lâu cầm. Xét ngiệm máu thấy có giảm số lượng tiểu cầu.
Trước đây, bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đợt này do tình trạng chảy máu quá nặng và khan hiếm máu nên bé được chuyển sang Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Bà của bé cho biết, cách đây mấy hôm máu ộc ra từ mũi cháu và chảy suốt mấy tiếng liền. Cháu còn nôn ra cục máu tụ và đi ngoài phân đen. Đến giờ, trên cơ thể bé đầy những vết xuất huyết bầm tím, trên mũi vẫn còn chiếc gạc cầm máu.
Bác sĩ Trần Quỳnh Mai, bác sĩ điều trị cho cháu tại Khoa Bệnh máu trẻ em, cho biết khi cháu nhập viện tiểu cầu chỉ còn dưới 10 G/l, trong khi trung bình là 150 đến 350 G/L. Tình trạng xuất huyết rất nặng còn dẫn đến thiếu máu khiến cháu mệt mỏi, không đủ máu nuôi dưỡng cơ thể.
"Chúng tôi đã điều trị tích cực và xin dự trù khối tiểu cầu, khối hồng cầu gấp cho cháu. Nhưng hiện nay nguồn máu thực sự khan hiếm", bác sĩ cho biết.
Cơ thể bệnh nhi đầy những vết xuất huyết bầm tím. Ảnh: Công Thắng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 bệnh nhân thì có một người cần truyền máu. Ước tính ở nước ta, mỗi ngày cần đến 5.200 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị. Nhu cầu về máu là phổ biến, nhưng cơ hội được đáp ứng đủ máu và chế phẩm máu của tất cả những người cần máu thì chưa thể được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tình trạng khan hiếm máu vẫn xảy ra ở nhiều nước đang phát triển, nhiều địa phương, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh.
Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động hiến máu và an toàn truyền máu trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chia sẻ sự bùng phát trở lại của Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị của các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc. Lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và nhiều trung tâm máu đang giảm mạnh do không có nguồn người hiến máu. Nhiều lịch hiến máu đã bị hoãn, hủy ở hầu hết các địa phương, đơn vị, kể cả ở các địa phương không thuộc phạm vi phong tỏa, cách ly y tế phòng chống dịch. Nhiều người dân dù đã đăng ký trước nhưng có tâm lý e ngại dịch bệnh nên đã không đến hiến máu.
Từ 27/4 đến 11/5, lượng máu tiếp nhận tại Viện chỉ bằng 30% so với kế hoạch. Trong 12 ngày đầu tháng 5, Viện chỉ tiếp nhận được 2.920 đơn vị máu, nhưng đã cung cấp 4.822 đơn vị máu. Cả tháng 5, Viện tiếp nhận được hơn 15.000 đơn vị, bằng một nửa so với nhu cầu máu cần. Đã có gần 80 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn, hủy. Trong khi Viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân.
Hiện nhiều hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh đã được hạn chế để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. mỗi ngày, viện vẫn cần đến 1.000 đơn vị máu và gần 200 đơn vị tiểu cầu để cung cấp cho các cơ sở điều trị.
"Không chỉ gia đình người bệnh mà cả y bác sĩ đều hết sức lo lắng trước tình hình nguồn máu phục vụ điều trị khan hiếm như hiện nay", bác sĩ cho biết.
Tháng 6, tháng của Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương kêu gọi cộng đồng hiến máu để "giữ nhịp đập trái tim" của những em bé đang cần máu.
* Tên bệnh nhân được thay đổi.
Chủ đề liên quan:
covid-19 thiếu máu ghi nhận khám chữa bệnh thiếu máu trong đại dịch tin nóng trẻ em thiếu máu