Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Những điều khiến người dân luôn tin và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế chống dịch COVID-19

MangYTe – Theo chuyên gia, công cuộc phòng chống dịch bệnh ở mức độ rộng như dịch COVID-19 luôn phải được tổ chức do, bởi và cần thiết từ Nhà nước, từ Chính phủ.

Tính đến ngày 11/3, Việt Nam đã có tổng số 38 ca nhiễm COVID-19. Trong số này, 16 ca nhiễm đã được chữa trị thành công và duy trì gần 1 tháng không có trường hợp nhiễm mới.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở giai đoạn 2 không ít người dân lo lắng, thậm chí có trường hợp phản ứng một cách tiêu cực và phản tác dụng như "bỏ phố về quê" để "trốn" dịch hoặc mua hàng hóa tích trữ.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, người dân phải tin tưởng và đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch COVID-19.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam ta đã làm rất tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch lây lan ra khỏi phạm vi Trung Quốc.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, thời gian qua, từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam ta đã làm rất tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch lây lan ra khỏi phạm vi Trung Quốc. Mọi kịch bản lường trước đã xảy ra và Việt Nam đã có các ca nhiễm.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, bằng tinh thần "chống dịch như chống giặc", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu đề cao kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… về phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, từ khi Việt Nam chính thức có ca nhiễm đầu tiên (thời điểm Tết Nguyên đán), Chính phủ đã rất quan tâm và chỉ đạo sát sao các cấp, các ngành và đề ra nhiều biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh nhân thứ 35 (BN35) vừa được phát hiện mắc COVID-19 trưa 11/3 đã di chuyển khá nhiều nơi tại Đà Nẵng trước khi được cách ly, xét nghiệm.

"Thậm chí là có những biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo an toàn cho người dân, công dân, ví dụ như vấn đề nhập cảnh, tạm dừng miễn thị thực, từ chối cấp thị thực… Cho đến thời điểm này, Chính phủ và Bộ Y tế đã và đang sẵn sàng mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm", PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích: "Điều quan trọng nhất khi có dịch là người dân phải tin tưởng và đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan chuyên ngành trong công tác ngăn chặn dịch bệnh, bằng cách kiên trì thực hiện nghiêm các nguyên tắc chống dịch mà Chính phủ đang triển khai. Đây không những trách nhiệm chống dịch của mỗi người dân mà mỗi hành động cụ thể trong chống dịch của người dân, cũng là để cả cộng đồng chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch".

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học trao đổi với PV.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cũng đồng tình với quan điểm trên.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết: "Dịch bệnh cộng đồng là dịch bệnh có tính chất đe dọa toàn thể cộng đồng trên diện rộng. Thậm chí là đe dọa ở phạm vi quốc gia, lãnh thổ, khu vực. Dịch bệnh cộng đồng cần phải có một cơ quan "tổng đạo diễn", có bộ máy, có lực lượng, lực lượng tinh nhuệ, có năng lực, chuyên môn để phòng, chống, ngăn chặn dịch, mà ở đây chính là Nhà nước, là Chính phủ, là ngành y tế.

Bao giờ công cuộc phòng chống dịch bệnh ở mức độ rộng cũng phải được tổ chức do, bởi và cần thiết từ Nhà nước. Vì vậy, người dân phải tin tưởng vào sự tổ chức, điều khiển, phân phối, chia sẻ, thông báo… cũng như trang bị đào tạo kỹ năng cần thiết từ Chính phủ, bất kể là Chính phủ nào", PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho hay.

Bảo Minh

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/nhung-dieu-khien-nguoi-dan-luon-tin-va-dong-hanh-cung-chinh-phu-bo-y-te-chong-dich-covid-19-20200311164021827.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY