Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, mở cửa trở lại sau một thời gian dài nghỉ dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn trên các phố Tô Hiệu, Duy Tân (quận Cầu Giấy), đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên Hồng (quận Đống Đa)… không chỉ ý thức tốt trong việc bảo đảm ATTP mà còn thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…
Trước khi mở cửa trở lại, anh Đặng Mạnh - chủ nhà hàng cá lăng trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đã tu sửa lại hệ thống nhà hàng, bếp ăn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, đồng thời tập huấn, bồi dưỡng kiến thức vệ sinh ATTP cho nhân viên nhà hàng trong thời gian nghỉ dịch. “Từ khi mở cửa đến nay, chúng tôi luôn ý thức việc bảo đảm ATTP từ khâu chọn mua nguyên liệu, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rửa tay, đeo bao tay, khẩu trang khi chế biến thực phẩm. Ngoài ra, việc rửa bát, tráng bát bằng nước đun sôi cũng được nhà hàng thao tác rất cẩn thận, tỉ mỉ. Bên cạnh hướng dẫn khách rửa tay, sát khuẩn trước khi vào nhà hàng, chúng tôi cũng tuyên truyền để khách luôn ý thức trong việc phòng, chống dịch” - anh Mạnh cho biết.
Còn chị Thục Quyên - chủ nhà hàng chuyên gà trên phố Duy Tân, quận Cầu Giấy cho hay, nhà hàng không chỉ khắt khe trong chọn lựa thực phẩm chất lượng mà còn đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh ATTP. Ngay từ khi mở cửa trở lại, nhà hàng đã chuẩn bị mọi khâu phòng dịch như nước sát khuẩn, xà phòng để phục vụ khách.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc ăn uống an toàn chưa thực sự được coi trọng, nhất là đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố. Rất nhiều chủng loại thực phẩm chế biến sẵn như cá kho, cá rán, đậu rán, vịt quay, thịt nướng, các loại dưa cà muối… sẵn sàng phục vụ thực khách. Do sự tiện lợi, nhiều người lựa chọn thức ăn đã sơ chế, chế biến sẵn, tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm này tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn như không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập.
Đề cập đến công tác quản lý ATTP, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng quận liên tục tăng cường thanh tra, kiểm tra. Gần đây nhất, Tổ xét nghiệm, Phòng Y tế quận đã lấy mẫu thực phẩm (gồm thịt gia súc, gia cầm, nội tạng gia súc, gia cầm) tại siêu thị Kmart Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, siêu thị Vinmart số 89 Lê Đức Thọ, chợ Phùng Khoang phường Trung Văn để gửi mẫu đi xét nghiệm chuyên sâu tại Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia.
Riêng tại chợ Phùng Khoang, tổ lấy mẫu đã thực hiện test nhanh 20 mẫu giò, chả của 5 cơ sở kinh doanh, kết quả tất cả mẫu đều âm tính với hàn the và chất bảo quản. Trước đó, Tổ xét nghiệm cũng đã thực hiện lấy một số mẫu xét nghiệm hải sản, thịt gia súc, gia cầm và rau, củ, quả tại 7 cở sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường Cầu Diễn. “Sau 10 ngày có kết quả xét nghiệm, tổ sẽ báo cho trạm y tế và UBND các phường để thông tin kết quả đến các cơ sở kinh doanh. Trường hợp kết quả các mẫu thực phẩm không bảo đảm an toàn, ở mức độ vừa phải, quận sẽ đưa ra cảnh báo. Với những chất bảo quản hay hóa chất gây hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, chủ các cơ sở có mẫu vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định về VSATTP như đóng cửa, xử phạt hành chính” - Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch và bảo đảm ATTP trong mùa Hè, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường giám sát các cơ sở trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo đảm ATTP. Đặc biệt chú trọng các mặt hàng thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể....
Chủ đề liên quan:
an toàn an toàn thực phẩm bệnh truyền qua thực phẩm mùa hè ngộ độc thực phẩm thực phẩm