Cây đàn bỏ lâu không dùng, nay nghỉ học và phải ở nhà nhiều, thằng bé mới lôi ra lau bụi, rồi bắt đầu tập tành. Cây guitar này cũng thằng bé đòi mua mấy năm trước, nhưng rồi nó chẳng học hành được gì, lịch ở trường đã hết ngày. Có bao nhiêu thời gian rảnh lại hẹn hò ăn uống chơi bời với bạn học. Tối về mệt thì lăn ra ngủ. Cuối tuần rảnh rỗi ở nhà đi chăng nữa thằng bé cũng chỉ chăm chăm cầm điện thoại. Cả thế giới của nó mấy năm qua không có cây đàn.
Vậy mà giờ, nó lần mò lên mạng tự học guitar. Ban đầu chỉ là học chơi cho đỡ chán. Nhưng rồi mỗi ngày nó chăm chỉ hơn, giờ đã đàn được mấy bài đơn giản rồi. Càng được khích lệ, nó càng say mê với những giai điệu. Câu chuyện của tôi với thằng bé đã không còn đơn điệu với kiểu hỏi đáp ngắn gọn nữa, nó đã nói nhiều hơn về âm nhạc. Khoe những bài học mới, thao thao nói về cách luyện ngón, so dây.
Nhìn thằng bé rất khác trước đây. Trước nó làm biếng, có phần ngỗ nghịch và nóng tính. Hay cãi lời ba mẹ và những khi bực mình khó chịu chuyện gì lại trốn biệt vào phòng, đóng cửa im thin thít. Giờ nó có "trốn biệt" thì bên ngoài vẫn nghe tiếng gảy guitar cần mẫn. Vừa đàn vừa hát. Nó làm không khí trong nhà cũng bớt ngột ngạt hơn. Khách đến chơi nhà được dịp thưởng thức những bài "cơ bản", nhưng cũng đủ để khen ngợi nỗ lực của thằng bé. Nó càng phấn khích.
"Tự dưng con thay đổi, thấy mà mừng. Chỉ cần nó có đam mê, tự khắc sẽ vui hơn, suy nghĩ tích cực hơn" - mẹ thằng bé bảo thế. Tôi cũng chắc chắn như thế. Một người, khi có đam mê riêng sẽ cảm thấy mọi điều xung quanh không quá chán ngắt, mệt mỏi hay buồn tẻ. Nhất là vào khoảng thời gian nghỉ học và hạn chế ra đường như lúc này.
Thời gian của thằng bé giờ cũng được sắp xếp lại theo "lịch của đam mê". Sáng dậy cu cậu tập thể dục quanh nhà, ăn sáng rồi vào phòng tập đàn. Ăn trưa, ngủ trưa dậy lại tập đàn, điện thoại vẫn dùng nhưng là để học đàn online. Trên đó còn có các nhóm cộng đồng học đàn-dạy đàn để thằng bé học tập, trao đổi thêm kiến thức.
Mới đây, có người chia sẻ rằng hãy dành khoảng thời gian này để làm những điều yêu thích mà trước đây chưa có điều kiện làm. Như học nấu ăn, vào bếp nấu nướng, học ngoại ngữ, tập yoga, luyện chữ viết... Giờ trên mạng là cả một thế giới để con người bước vào, khám phá. Trẻ nhỏ đang có nhiều thời gian để bắt đầu những môn học năng khiếu, rèn luyện kỹ năng online. Tôi có hai đứa cháu nhỏ, không đến trường chúng ở nhà say mê tập vẽ. Mẹ mua cho hộp màu chì, chúng vẽ hết rồi xin mua thêm màu nước. Những bức tranh trẻ con chưa đẹp lắm nhưng làm ấm lòng người lớn. Đó là những bức vẽ thể hiện góc nhìn của trẻ nhỏ về cuộc sống, môi trường, những mong ước và tình cảm gia đình.
"Bận rộn" với sở thích của bản thân, những đứa trẻ không làm phiền người lớn, mà cũng không lãng phí thời gian nhàn rỗi. Đó là chưa kể, có thể chúng sẽ phát hiện ra đam mê, những kỹ năng sở trường mà lúc mải bận học chưa để ý, không có thời gian để luyện tập. Thậm chí, nghệ thuật có thể làm thay đổi tính cách của một đứa trẻ chưa trưởng thành. Như "thằng bé học đàn", mẹ nó bảo "dạo này có chút nhạc vào người, con điềm đạm hơn, lời ăn tiếng nói cũng khác lắm".
Tôi nhớ anh tôi ngày xưa, ở cái tuổi định hình nhân cách cũng vô cùng ngỗ nghịch, hay cãi các chị, thích đi đánh nhau với chúng bạn. Thế nhưng, từ khi được cho đi học võ, tính tình anh khác hẳn. Hiền lành hơn, trượng nghĩa hơn, biết nhường nhịn và đặc biệt là hiểu chuyện hơn. "Thằng bé học đàn" chính là "phiên bản nhí" của anh tôi ngày trước. Nó đang đổi thay dần từ những tiếng đàn...
Dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc, có lẽ ba mẹ cũng nên hướng con cái tìm đến những sở thích riêng, học hỏi, phát triển. Lịch nghỉ học còn kéo dài, thay vì chờ đợi trong buồn chán, mệt mỏi, có thể cùng con trẻ bắt đầu một môn học mới, ngoài trường học.