Tâm linh hôm nay

Phật giáo với văn hóa Việt

Gắn bó với văn hóa dân tộc, song hành cùng lịch sử văn hóa, Phật giáo xưa và nay vẫn luôn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Không chỉ trong văn hóa Đại Việt thời Lý, Trần mà ở các triều đại khác

Nhân loại bước vào thế kỷ XX với những kiến giải khác nhau về vai trò của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Có chính khách dự báo rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của tôn giáo, có người lại nghi ngờ về vai trò của tôn giáo trong mối quan hệ với văn hóa và phát triển trong tương lai. Nhưng có một sự thật là trong bức tranh đời sống hiện tại, tôn giáo ngày c àng khẳng định vị trí của mình bằng sự bùng nổ của các tôn giáo mới, bằng sự tăng trưởng của các tín đồ, bằng tác động của niềm tin vào đời sống tâm linh và tình cảm con người. Có thể tìm thấy lời giải thích từ một điều tưởng chừng như nghịch lý, đó là khoa học càng phát triển, càng trở thành động lực cho sự phát triển của tôn giáo. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đưa con người lên vũ trụ, giúp con người chiếm lĩnh tự nhiên, con người tưởng mình đã trở thành chúa tể của muôn loài, có thể xây dựng được thiên đường nơi trần thế và không cần đến tôn giáo nữa. Bởi tôn giáo được hiểu là “hình thái ý thức xã hội phản ánh một cách hư ảo thế giới hiện thực, sự phản ánh mà trong đó những sức mạnh trần gian đã mang hình thức sức mạnh siêu trần gian. Đặc điểm chủ yếu của tôn giáo là niềm tin vào cái siêu nhiên: thần thánh, thế giới bên kia, sự bất tử của linh hồn...

Sự xuất hiện của tôn giáo gắn liền với trình độ phát triển thấp của sản xuất xã hội, con người bất lực trước sức mạnh tự phát của thế giới tự nhiên cũng như của những tai họa xã hội và không giải thích được bản chất của chúng.” (Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội -2005, trang 485). Thế nhưng khi xã hội của loài người đã bước vào thời đại văn minh trí tuệ với sự bùng nổ dân số, bùng nổ thông tin, bùng nổ khoa học kỹ thuật và công nghệ, cũng là lúc xã hội ấy làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong đời sống tinh thần mà con người không thể tìm ra giải pháp, để tạo ra sự cân bằng giữa đời sống vật chất vốn dư thừa và đời sống tình cảm đang chịu nhiều mất mát. Có thể chính bởi lý do trên mà tôn giáo đã được tìm đến như là một điểm tựa tinh thần, tạo cho con người niềm tin, đem đến cho con người một sự giải thoát. Tôn giáo luôn song hành với văn hóa và phát triển, tôn giáo trong xã hội Việt Nam xưa và nay vận hành theo một nguyên lý là sống tốt đời đẹp đạo. Cư trần lạc đạo - đó chính là nguyên lý hình thành trong lịch sử văn hóa dân tộc kể từ khi các tôn giáo xuất hiện ở Việt Nam. Với Phật giáo nguyên lý ấy được thể hiện rõ trong phương châm: Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội. Đi suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển ở Việt Nam, phương châm ấy đã trở thành tôn chỉ và mục đích, định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo. Điều này giải thích vì sao Phật giáo lại đóng vai trò quan trọng và luôn gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam.

Theo giáo lý của Phật Thích Ca Mầu Ni, thế giới tự thân nó tồn tại, không do ai tạo ra. Thế giới ấy là vô thường, vạn vật luôn vận động và phát triển. Số phận con người là do bản thân con người tạo ra, con người tự chịu trách nhiệm và tự định đoạt số phận của mình. Đạo Phật chủ trương bình đẳng, đề cao lòng từ bi bác ái, hướng con người tới điều thiện, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Với tư cách là một tôn giáo đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, giản đơn trong hình thức l ễ nghi, Phật giáo đã tìm được con đường đến với trái tim nhân loại. Đó là bản chất của đạo Phật và đó chính là sức mạnh của đạo Phật. là lý do để Phật giáo trở thành một trong ba tôn giáo lớn của thế giới, ảnh hưởng sâu rộng đên đời sống văn hóa xã hội loài người. Mục đích của Đức Phật khi xuất hiện ở thế gian là vì hạnh phúc của chúng sinh, là giải thoát cho con người khỏi bất hạnh và khổ đau, là đem đến cho con người sự an lành, đem đến thế giới hòa bình. Cho nên con đường mà Phật giáo đi đến trái tim nhân loại là con đường tự nguyện, Phật giáo trở thành tôn giáo bình dân với ý nghĩa giản dị và sâu sắc nhất của nó.

Khi đến với Việt Nam trong buổi bình minh của lịch sử, Phật giáo đã tìm đến với văn hóa dân gian để kết thành duyên nợ, để từng bước tạo được c hỗ đứng trong tâm thức nhân dân bằng truyền thuyết Man Nương kỳ bí và huyền ảo. Nơi gặp gỡ của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa đã trở thành bảo tàng lịch sử văn hóa dân tộc để từ đó Phật giáo luôn gắn bó và đồng hành với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Bởi văn hóa dân gian là sản phẩm sáng tạo của nhân dân, kết tinh trí tuệ, thể hiện khát vọng và tâm tư tình cảm của chính nhân dân. Tìm đến với văn hóa dân gian, kết hợp với tín ngưỡng dân gian là Phật giáo đã tìm đến với nguồn cội của văn hóa dân tộc, tìm đến với sức sống và bản sắc của văn hóa Việt Nam. Đất nước Việt Nam “là đất nước nhân dân - Đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại” (Nguyễn Khoa Điềm).

Phật giáo ở Việt Nam là sản phẩm của giao lưu tiếp biến trong văn hóa Việt - Ấn nên ngay từ điểm khởi đầu ấy nó đã đặt ra mối quan hệ tương tác biện chứng giữa văn hóa và tôn giáo. Quá trình truyền giáo và phát triển của đạo Phật khi du nhập vào Việt Nam một mặt chịu sự tác động và chi phối của đặc trưng văn hóa, mặt khác nó tác động vào chính văn hóa Việt Nam mà kết quả là Phật giáo sẽ thích ứng chọn lọc, hội nhập với nền văn hóa, được làm phong phú và sâu sắc thêm bởi các giá trị văn hóa bản địa. Phật giáo sẽ bổ sung cho văn hóa, thúc đẩy văn hóa phát triển, làm xuất hiện một nền văn hóa Phật giáo của Việt Nam, khác với Phật giáo ở Trung Quốc hay Ấn Độ cổ đại. Cái căn bản của Phật giáo, cái tinh túy của Phật giáo là ở chỗ mục đích của đạo Phật chỉ là một, đó là giải thoát. Mục đích ấy là bất biến, nhưng tiến trình lịch sử văn hóa lại là một quá trình động cho nên phương pháp và cách thức thể hiện của đạo Phật là hết sức linh hoạt, uyển chuyển và sáng tạo. Những thăng trầm của lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Phật giáo gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc, chung vai gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của muôn dân. Dân tộc và Phật giáo trong văn hóa Việt Nam đã gắn kết thành một thể thống nhất, cùng hướng tới một mục tiêu là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nước mạnh, dân giàu. Lợi ích tôn giáo và lợi ích của dân tộc gắn kết chặt chẽ cho thấy những đóng góp rất quan trọng của Phật giáo đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Khi vua Asoka (268-232 TCN) mà kinh Phật gọi là A Dục Vương tuyên bố Phật giáo là quốc giáo ở đất nước Ấn Độ cổ đại, cho xây dựng 84.000 chùa tháp lộng lẫy, thi hành nhiều chính sách văn hóa nhằm bảo vệ và thúc đẩy việc truyền bá đạo Phật cả trong và ngoài Ấn Độ, thì Phật giáo đã ngay lập tức tìm đến Việt Nam và bén duyên ở miền Kinh Bắc trang nghiêm, cổ kính. Lúc bấy giờ, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã thu hút niềm tin của nhân dân, hỗn dung với tín ngưỡng dân gian qua hình tượng Tứ Pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện) mà tạo thành những ngôi chùa ngày nay là cổ tự linh thiêng trên đất Việt. Dấu tích của Phật giáo thời kỳ ấy còn lưu giữ ở chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, âm vang chuông chùa còn đồng vọng trong ký ức lịch sử. Kể từ đó Phật giáo dần bước vào kiến trúc thượng tầng trong văn hóa Việt Nam, gắn bó với lịch sử dân tộc, góp phần tạo nên những thành quả to lớn trong tiến trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Phật giáo mang tư tưởng nhập thế khuyên con người tích đức hành thiện, giúp con người biết cách tu thân theo những chuẩn mực đạo đức. Phật giáo ở Việt Nam có vai trò to lớn trên tất cả các lĩnh vực vật thể và phi vật thể của văn hóa.

Trên lĩnh vực tư tưởng, cùng với Nho giáo, Phật giáo đã trở thành nền tảng tư tưởng trong nhà nước pháp quyền Việt Nam. Tinh thần nhập thế của Phật giáo gắn bó sâu sắc với khát vọng độc lập dân tộc, với tinh thần yêu nước của nhân dân, tạo nên xung lực cho sự phát triển của văn hóa dân tộc. Ngay từ thời tiền Lý giữa lòng thủ đô đã hiện diện một di tích, một danh thắng nổi tiếng, đó chính là chùa Khai Quốc - ngày nay mang tên chùa Trấn Quốc, được đổi tên từ thời Lê. Khai quốc là mở nước, được xây dựng từ thời tiền Lý, gắn với nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế vào năm 544 - 546. Bây giờ kết cấu của chùa Trấn Quốc vẫn mang dáng dấp xưa. bố cục theo ki ểu nội công ngoại quốc, tiền đường nhìn về hướng tây là xứ Tây Trúc, quê hương của đạo Phật. Đến thời hậu Lý, văn hóa Đại Việt đã phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết. Thăng Long thời Lý, Trần là thời đại của Phật giáo, chùa Khai Quốc là trung tâm Phật giáo c ủa kinh thành. Bấy giờ dòng thiền Vô Ngôn Thông đã du nhập vào Việt Nam, khiến Phật giáo càng trở nên hưng thịnh. Nhà sư Khuông Việt đến thụ nghiệp ở chùa Khai Quốc đã được Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành mời về Hoa Lư làm cố vấn cho nhà nước võ trị Đại Cồ Việt. Như vậy sức mạnh của nhà nước võ trị phải dựa vào tư tưởng Phật giáo, đó là con đường phát triển của Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Nhà sư Khuông Việt là người nổi tiếng đương thời, tinh thông Phật học, tinh thông Nho lý. Chùa Khai Quốc ngày càng thu hút nhiều thiền sư, trở thành trung tâm trao truyền giáo lý của đạo Phật, đào tạo hiền tài cho các vương triều Lý Trần. Sau này nguyên phi Ỷ Lan cũng nhiều lần mở tiệc chiêu đãi các nhà sư tại đây.

Vị vua mở đầu của vương triều Lý là Lý Thái Tổ cũng sinh ra từ một ngôi chùa, lớn lên bằng sự giáo dưỡng của giáo lý đạo Phật, được nhà sư Lý Khánh Văn, Lý Vạn Hạnh dạy dỗ. Khi quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Lý Thái Tổ đã làm nên một kì tích văn hóa bằng cách biến Thăng Long kinh thành tráng lệ thành kinh đô Phật pháp. Thiền sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội) chính là học trò của nhà sư Khuông Việt, đã nhiều lần được Lý Thái Tổ mời vào cung để tham vấn về đạo và đời, nhà sư được tham dự quyết định những việc chính sự trong triều với tư cách như là quốc sư. Các vua nhà Lý đã ra sức mở mang chùa tháp. Trong một khoảng thời gian ngắn, thành Thăng Long đã được trang hoàng lộng lẫy bởi vô số chùa chiền mang đậm sắc thái Phật giáo Việt Nam. Năm 1031 triều Lý cho xây dựng 950 ngôi chùa, năm 1129 cho mở hội khánh thành 84.000 tòa bảo tháp. Vua quan và các tầng lớp quí tộc rất sùng đạo Phật, nhân dân quá nửa là sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa. Những con số tưởng lạnh lùng vô cảm nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, nó nói với hậu thế về tầm quan trọng của Phật giáo trong đời sống văn hóa Đại Việt đương thời. Vua Lý Thái Tông cũng là một vị thiền sư, thuộc đời thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông. Vô Ngôn Thông vốn là thiền sư nổi tiếng tu ở chùa Kiến Sơ, người lập ra phái thiền Vô Ngôn Thông, trải truyền qua nhiều thế hệ. Đến đời nhà Lý phái thiền này trải qua 15 thế hệ, trở thành nguồn gốc của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Các nhà sư của phái Vô Ngôn Thông đều có tư chất thông minh, am tường Nho thuật, trong đó nổi tiếng là sư Trí Không (hiệ u là Thông Biện đại sư), thiền sư Mãn Giác, sư Tĩnh Giới, thiền sư Nguyễn Minh Không - Lý Quôc Sư. Bên hồ Lục Thủy, triều Lý cho xây dựng chùa Báo Thiên với tháp mười hai tầng đã trở thành một trong An Nam tứ đại khí với tầng tầng bảo tháp lẫn trong mây tr ời Thăng Long. Cùng với tháp Báo Thiên là chuông Quy Điền, là tượng Phật ở chùa Quỳnh Lâm và vạc đồng ở chùa Phổ Minh.

Trong các chùa ở chốn kinh đô có ngôi chùa Chân Giáo gắn bó với những thăng trầm của văn hóa Đại Việt suốt 400 năm thời Lý, Trần. Đó là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa xã hội, là nơi các vị sư già có đức hạnh thường được vua mời đến và cũng là nơi tu hành của vua Lý Huệ Tông trong những năm tháng cuối đời. Các nhà vua của triều Lý, Trần xây dựng tư tưởng trị nước căn bản dựa trên tư tưởng Phật giáo nên rất quan tâm đến việc xây dựng chùa. Các nhà sư không đứng ngoài chính sự mà trực tiếp tham gia vào chính trị. Thiền sư Từ Vạn Hạnh là người có công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Thiền sư Từ Đạo Hạnh tương truyền đã giáng trần l àm vua Lý Thần Tông. Người chũa bệnh cho vua Lý Thần Tông la thiền sư Minh Không - học trò của Từ Đạo Hạnh, cũng chính là người được phong làm quốc sư nay vẫn còn đền thờ tại phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Phái Thảo Đường cũng là phái thiền tông ở triều Lý đã có rất nhièu đóng góp cho sự phát triển của văn hóa nước nhà. Văn học Phật giáo thời nhà Lý vô cùng rực rỡ, ghi tên tuổi của vua Lý Thánh Tông, nhà sư Không Lộ, sư Giác Hải. Đến thời Trần, nền văn học Phật giáo lại càng phát triển mạnh mẽ. Cư trần lạc đạo chính là bài thuyết pháp bằng thơ của người sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - vua Phật Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo nhập thế, Trần Nhân Tông là một đấng minh quân, một anh hùng dân tộc gắn liền với hào khí Đông A của văn hóa Đại Việt thời Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Khi ông tìm đến với núi rừng Yên Tử để lập nên thiền phái Trúc Lâm là khi đạo và đời đã liên kết thành một thể thống nhất, tạo nên sức mạnh và niềm tin để toàn dân chung sức chung lòng trong c uộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc.

Phật giáo không phải chỉ là tôn giáo thuần thúy, Phật giáo là đạo đức, là trí tuệ. Nó không chỉ tạo ra tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt, nó còn góp phần rất quan trọng trong việc định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam. Vượt qua chốn thờ tự tôn kính linh thiêng, Phật giáo đã tham dự vào cấu trúc văn hóa Việt với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, nhưng lại để lại dấu ấn sâu sắc cả trong văn hóa sinh hoạt vật chất. Đến với Phật giáo là đến với cõi tịnh tâm, với sáng láng trí tuệ để con người trở về với chính mình, lấy ánh sáng trí tuệ của Đạo pháp đẩy lùi cái vô minh, gột rửa tham sân si trong chính bản thân mình.

Phật giáo là khởi nguồn cho vô số lễ hội của Việt Nam mà mỗi một lễ hội đều là một bảo tàng văn hóa dân tộc. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt, bản thân nó là một kho lịch sử khổng lồ, tích tụ vô số những lớp phù sa văn hóa, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, chứa đựng các giá trị tinh thần sâu sắc. Trong lễ hội là kho tàng phong tục tín ngưỡng, là ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, là những lớp văn hóa trầm tích và được lưu giữ suốt chiều dài lịch sử. Lễ hội xuất phát từ tôn giáo tín ngưỡng sẽ thỏa mãn các nhu cầu của con người về đời sống tâm linh, đời sống văn hóa. Đó là sự thăng hoa của ngày thường thành không gian tôn kính linh thiêng, vừa phản ánh hiện thực, vừa thể hiện khát vọng của con người trong cuộc sống. Vì vậy lễ hội vừa mang ý nghĩ cộng đồng cộng cảm sâu sắc, vừa mang ý nghĩa dân chủ và nhân bản. Lễ hội chứa đựng các giá trị thẩm mỹ cao bởi lễ hội chính là không gian cho con người phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật của mình. Bắt nguồn từ Đạo Phật, các lễ hội Phật giáo của Việt Nam thực sự đã làm phong phú cho đời sống văn hóa Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của văn hóa nước nhà. Có thể kể tên các lễ hội tiêu biểu như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Bái Đính... những lễ hội mà chỉ cần nhắc đến tên đã làm nô nức con tim bao du khách gần xa, không chỉ tín đồ Phật giáo.

Gắn bó với văn hóa dân tộc, song hành cùng lịch sử văn hóa, Phật giáo xưa và nay vẫn luôn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Không chỉ trong văn hóa Đại Việt thời Lý, Trần mà ở các triều đại khác, Phật giáo cũng khẳng định vị trí của mình bằng những đóng góp đáng ghi nhận. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các tăng ni phật tử cũng xuống đường đ ấu tranh đòi độc lập cho dân tộc, hòa bình cho cuộc sống của muôn dân. Phật giáo đã đứng về phía nhân dân trong cuộc đấu tranh chính nghĩa là bởi Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội là một thể thống nhất, biện chứng, không tách rời. Ngày nay Phật giáo càng khẳng định mình bằng những hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc. Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, không chỉ trùng tu và xây dựng chùa chiền mà còn mở mang hệ thống đào tạo tăng ni trên toàn quốc, đào tạo cả trong và ngoài nước. Bởi trong hoạt động tôn giáo, các chức sắc luôn có vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới các tín đồ, cho nên nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo Phật giáo thực hiện chương trình đào tạo tăng ni ở các bậc cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ.

Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa mở, một mặt bảo vệ bản sắc dân tộc để nhất quán với chính mình, mặt khác không chối từ những ảnh hưởng tích cực của các yếu tố văn hóa ngoại sinh, khoan dung tôn giáo cũng chính là khoan dung văn hóa, bởi tôn giáo là sản phẩm của văn hóa, là thành tố văn hóa. Phật giáo trở thành cầu nối tiếp xúc văn hóa để Việt Nam vươn ra thế giới trong hội nhập toàn cầu. Không chỉ cung cấp hệ tư tưởng cho các triều đại phong kiến Việt Nam mà Phật giáo còn góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước, chỉ ra con đường tu thân cho mỗi con người thông qua tứ diệu đế và bát chính đạo, nó góp phần điều chỉnh hành vi con người theo chuẩn mực chân thiện mỹ. Tinh thần nhập thế của P hật giáo ở Việt Nam là lí do gắn kết Phật giáo với dân tộc, với văn hóa và phát triển trong quá khứ - hiện tại - tương lai.


TS.Nguyễn Ánh Hồng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/phat-giao-voi-van-hoa-viet-d9069.html)

Chủ đề liên quan:

phật giáo văn hóa văn hóa Việt

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY