Ngày 14/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh – ông Lê Trí Thanh vừa chủ trì cuộc họp xử lý các tồn tại của Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (đóng ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc).
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ Nhà máy là Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm tiếp tục khắc phục các tồn tại theo yêu cầu của đoàn kiểm tra Sở TN-MT.
Cụ thể, doanh nghiệp này phải nghiên cứu và triển khai các công trình, biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động lâu dài của nhà máy.
Sau khi được Sở TN-MT, UBND huyện Đại Lộc kiểm tra, xác nhận, đề nghị cho hoạt động trở lại, doanh nghiệp phải phối hợp với UBND xã tổ chức công bố kết quả khắc phục sự cố môi trường và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của nhà máy cho cán bộ, nhân dân biết để giám sát…
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhà máy cồn phải khẩn trương làm việc với 2 đơn vị trên lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải của nhà máy theo quy định. Và việc nhà máy hoạt động trở lại chỉ thực hiện sau khi được cấp giấy phép xả nước thải.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Đại Lộc chủ động khảo sát vị trí di dời dân khu vực Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân kết hợp với thực hiện quy hoạch xây dựng khu tái định cư nông thôn mới, bảo đảm các điều kiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân.
Trước đó, như PV phản ánh, khuya 18/9, hàng chục người dân ở thôn Nam Phước tập trung trước cổng nhà máy cồn Đại Tân yêu cầu gặp lãnh đạo Công ty vì không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối phát ra từ các cống xả thải.
Ngay trong sáng 19/9, Phòng Cảnh sát môi trường Công an huyện Đại Lộc đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra và ghi nhận tình hình.
Đại tá Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, theo báo cáo của nhà máy cồn Đại Tân là do sự cố vận hành trong quá trình chiết xuất dầu fusel đổ ra môi trường gây ô nhiễm.
Chiều 24/9, UBND huyện Đại Lộc tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân và người dân sinh sống lân cận nhà máy.
Buổi đối thoại rơi vào bế tắc khi người dân một mực yêu cầu “một là di dời nhà máy, hai là di dời dân”.
Được biết, nhà máy Ethanol Đại Tân thuộc Công ty Cổ phần Đồng Xanh với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải.
Sau khoảng hai năm đi vào hoạt động, tháng 11/2012, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn.
Đến tháng 3/2015, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại toàn bộ nhà máy này. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy nhiều lần để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Chủ đề liên quan:
cấp giấy phép ethanol giấy phép hoạt động nhà máy nhà máy cồn nước thải ô nhiễm quảng nam trở lại xả nước xả nước thải