Pháp luật hôm nay

Sang chiết gas trái phép: Ðùa với tử thần?

Thực tế đã cho thấy, tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng người dân...
Thực tế đã cho thấy, tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng người dân, có nguyên nhân từ việc sử dụng các bình gas sang chiết lậu, kém chất lượng. Tuy nhiên, nhiều điểm kinh doanh, sang chiết gas trái phép vẫn hoạt động, chưa bị xử phạt thích đáng và từ đây nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn đang hiện hữu.

Làm rõ nhiều sai phạm

Mới đây nhất vào ngày 3/8, Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, phối hợp với Phòng An ninh kinh tế PA81 (Công an Hà Nội) tạm giữ hàng nghìn bình gas sang chiết trái phép tại Công ty THHH khí đốt Thăng Long thuộc Cụm công nghiệp Quất Đông, huyện Thường Tín, Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn nghiêm trọng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang nhân viên công ty đang sang chiết gas LPG trái phép vào các bình gas mang hơn 10 nhãn hiệu khác nhau, trong đó có các nhãn hiệu nổi tiếng như: Venus, Total, Đại Hải, Hoàng Long... Đáng nói, 12 cột bơm được công ty này dùng để sang chiết gas trái phép có tới 6 cột bơm không có tem kiểm định và 5 cột bơm có tem kiểm định nhưng đã hết hạn. Quá trình làm rõ hành vi của doanh nghiệp này, lực lượng chức năng phát hiện Công ty THHH khí đốt Thăng Long còn sản xuất vỏ bình gas trái phép, trong khi doanh nghiệp này không có giấy phép đăng ký sản xuất vỏ bình gas. Hàng ngày, cơ sở sản xuất này đưa ra thị trường số lượng lớn vỏ bình gas các loại của các hãng khác nhau, không hề có sự kiểm định chất lượng cũng như độ an toàn đối với người tiêu dùng. Lực lượng chức năng cho biết đây là hành vi vi phạm nguy hiểm trong lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Cơ quan công an đã tạm giữ toàn bộ số bình gas này để mở rộng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào giữa tháng 5/2015, Công an tỉnh Long An đã bắt quả tang vụ sang chiết gas lậu tại Trạm chiết gas Minh Phúc, thuộc Công ty TNHH Hà Linh, xã Mỹ Yên, Bến Lức, Long An. Qua kiểm tra, đại diện công ty đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh trạm chiết nạp này hoạt động hợp pháp. Cơ quan điều tra đã thu giữ được hàng trăm bình gas mang các thương hiệu SGPetro, Gia Đình gas, MT gas đã chiết nạp xong, cùng với 11 trụ chiết nạp và một bồn chứa gas. Theo các trinh sát, cứ mỗi ngày có khoảng 7-8 chiếc xe tải, mỗi xe vận chuyển trên 100 bình gas ra vào cơ sở này. Ước tính, mỗi bình gas sang chiết trái phép sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 30.000 đồng, tức cơ sở này có thể thu lời bất chính tới hơn 27 triệu đồng/ngày, và tính theo tháng có thể lên tới gần 1 tỷ đồng.

Xử phạt chưa mạnh tay nên chưa sợ

Theo ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam, cho rằng hiểm họa từ gas lậu, gas kém chất lượng đã quá rõ ràng, nhưng lực lượng chức năng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Trường hợp Công ty Hà Linh là minh chứng cho sự trễ nải, thiếu kiên quyết của các ngành chức năng. Cơ sở sang chiết gas này hoạt động trái pháp luật từ năm 2011 đến nay với nhiều tên gọi khác nhau, bị bắt quả tang nhiều lần. Tính đến tháng 4/2014, công ty này đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt 4 lần vì bắt quả tang sang chiết, mài vỏ hàng ngàn bình gas mang thương hiệu Thủ Đức Gas, MT Gas, Petrolimex, Gia Đình Gas, Vinagas... Tuy nhiên đến giữa tháng 5/2015, lại tiếp tục ghi nhận hoạt động chiết nạp gas ban đêm tại công ty này, nhưng phía cơ quan chức năng cho biết vẫn còn đang điều tra.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT, kiêm Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) nhận định, mặt hàng gas trôi nổi đang tấn công trực diện vào túi tiền, tính mạng người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tất cả các bình gas giả mạo, sang chiết lậu đều chất lượng kém, trọng lượng thiếu, nên đun nhanh hết, thực sự là quả bom nổ chậm bất kỳ lúc nào.

Liên quan đến thực trạng sang chiết gas trái phép, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an cho biết, hiện cả nước có hàng chục nghìn cửa hàng kinh doanh gas, riêng Hà Nội có khoảng 1.000 cửa hàng. Theo dõi, báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC địa phương cho thấy hầu hết các cửa hàng kinh doanh gas đều là thuê mặt bằng từ nhà ở để chuyển sang kinh doanh gas, do vậy rất chật hẹp, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Nhiều cửa hàng không tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn PCCC; tồn trữ lượng gas vượt quá quy định; thậm chí có cửa hàng, kho chứa còn có hiện tượng tổ chức sửa chữa bình, bếp gas, sang, chiết nạp trái phép...Thực tế, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ ở các cơ sở, cửa hàng, kho chứa gas, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để chấn chỉnh thực trạng này cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng: công thương, quản lý thị trường, các lực lượng công an... phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát PCCC trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gas. Phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác hành vi, vi phạm các quy định về an toàn PCCC nói chung, đặc biệt là hành vi sang chiết nạp gas trái phép, để sớm ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ vì cuộc sống bình yên của cộng đồng.

Tuấn Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-sang-chiet-gas-trai-phep-dua-voi-tu-than-15424.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY