Trong những ngày qua, giá dầu trên thị trường thế giới liên tục biến động. Điều này xuất phát từ việc cả Saudi Arabia và Nga không đạt những thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu, nhằm giữ cho giá dầu trên thị trường ổn định.
Saudi Arabia nắm giữ vai trò chủ chốt thậm chí lấn lướt các nước còn lại trong OPEC, còn Nga là quốc gia xuất khẩu dầu lửa nhiều thứ hai thế giới. Vì thế, hai quốc gia này có tiếng nói quyết định đến thị trường dầu mỏ.
Cách đây 3 năm, Nga, 14 nước thành viên của OPEC và 10 nước xuất khẩu dầu mỏ khác trở thành một liên thủ không chính thức với tên gọi OPEC+ sau khi các bên đạt được một thỏa thuận chung.
OPEC+ được tạo ra nhằm giúp cân bằng thị trường dầu mỏ. Bất cứ một hành động nào trong việc tăng hay giảm sản lượng dầu của các thành viên, đều cần có tham vấn từ tổ chức.
Thời gian gần đây, giá dầu trên thị trường thế giới giảm nhanh và sâu chưa từng thấy kể từ năm 1991. Để ngăn chặn tình trạng này, Saudi Arabia muốn Nga giảm sản lượng dầu hàng ngày. Việc cung giảm sẽ giúp giá dầu không bị tụt dốc, thậm chí có thể tăng.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Giá dầu giảm cũng khiến thu nhập của Nga bị ảnh hưởng. Song, có nhiều lý do để Nga chưa đồng ý cắt giảm sản lượng dầu từ mong muốn của Saudi Arabia.
Lý do quan trọng nhất là Nga muốn giá dầu thấp để ngăn chặn Mỹ mở rộng thị phần trên thị trường dầu mỏ thế giới, điều mà Mỹ đang rất nỗ lực thời gian qua. Nhờ khai thác dầu từ đá phiến bằng công nghệ Fracking, Mỹ đã hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Không những vậy, họ còn đang vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất xuất dầu lửa lớn nhất thế giới.
Có điều, việc khai thác dầu bằng công nghệ Fracking rất tốn kém. Khi giá dầu thấp, hoạt động này không thể kéo dài bởi chính phủ Mỹ sẽ không thể liên tục hỗ trợ hoặc bù lỗi trong một thời gian dài.
Vì lẽ đó, tổng thống Trump nhiều lần gây áp lực buộc Saudi Arabia có biện pháp làm giảm giá dầu lửa để đổi lại sự ủng hộ khác. Song, giảm giá dầu lại gây thiệt hại kinh tế cho chính quốc gia Trung Đông này, nhất là trong bối cảnh họ đang phải chịu chi phí rất lớn khi dẫn đầu Liên quân chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen.
Những mối quan hệ phức tạp với lợi ích chồng chéo, những toan tính tinh vi của các ông lớn là cuộc chơi đầy cam go và không có nhiều điểm chung để ai đó chịu nhường bước.
Trong một biến biến mới nhất, Ngoại trưởng Saudi Arabia cho biết vào ngày hôm qua rằng một phát biểu được cho là của tổng thống Putin về việc Saudi Arabia rút khỏi thỏa thuận OPEC+ là không chính xác, và Nga mới là bên rút trước.
Đồng thời, Ngoại trưởng - Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud cũng bày tỏ quan điểm của Saudi Arabia về lập trường sản xuất dầu đá phiến là một phần quan trọng của các nguồn năng lượng.
Bộ trưởng năng lượng Saudia Arabia bác bỏ ý kiến của Nga về việc quốc gia Trung Đông này đã rút khỏi thỏa thuận OPEC+.
“Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga là người đầu tiên tuyên bố với truyền thông rằng tất cả các nước tham gia đều được miễn trừ các cam kết bắt đầu từ đầu tháng Tư, dẫn đến quyết định rằng các nước đã đưa ra sản xuất để bù đắp giá thấp hơn và đền bù cho sự thiệt hại của họ”, Hoàng tử Abdulaziz nói trong một tuyên bố.
Trong khi đó, giới chức Nga tin tưởng OPEC+ có thể đạt thỏa thuận giúp cân bằng tị trường dầu mỏ nếu có các nước cùng tham gia, nhưng không cho thông tin về các nước có thể tham gia thỏa thuận mới. Một ẩn ý của việc kêu gọi Mỹ tham gia vào cuộc chơi chung thay vì đang hoạt động một cách độc lập.
Người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh rằng, các nước cùng cần hành động để khôi phục nền kinh tế trước tác động khủng khiếp từ dịch bệnh Covid-19 và cũng có thể cùng hành động trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC+.
Trong phát biểu mới đây, lãnh đạo Cơ quan Năng lương Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu mỏ của thế giới có thể giảm 20 triệu thùng/ngày, khoảng 20% tổng cầu trong bối cảnh 3 tỷ người đang thực hiện các lệnh phải ở trong nhà do dịch Covid-19.
Thực tế, OPEC và các đồng minh đang thực hiện một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu chưa từng có, tương đương với khoảng 10% nguồn cung trên toàn thế giới trong những gì họ mong đợi đây sẽ là một nỗ lực toàn cầu bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã không cam kết như vậy sau gặp gỡ với các công ty dầu khí vào ngày thứ Sáu.
Tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ cam kết giúp đỡ ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và không khẳng định sẽ thuyết phục các công ty Mỹ cắt giảm sản lượng.
Trong một cuộc hội đàm qua điện thoại sau đó, Bộ trưởng năng lượng Mỹ Dan Brouillette đã nói với các giám đốc điều hành các công ty ngành năng lượng rằng, Nhà trắng không đàm phán với Saudi Arabia và Nga, nhưng khuyến khích họ đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Lúc này thị trường dầu mỏ gần như sụp đổ, với giá giảm xuống còn 20 USD/thùng từ mức 65 USD từ đầu năm, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Nhu cầu năng lượng giảm 1/3 dẫn đến quyết định giảm từ 10 triệu đến 15 triệu thùng/ngày như một giải pháp để không kéo giá tiếp tục xuống thấp thêm.
Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cần đồng loạt thực hiện biện pháp cắt giảm, bao gồm cả Mỹ, hiện là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Vấn đề là tổng thổng Trump cho biết hôm thứ Năm rằng ông không có nhượng bộ nào với Saudi Arabia và Nga, chẳng hạn như cắt giảm sản lượng trong nước của Mỹ, một động thái bị cấm bởi luật chống độc quyền của Mỹ.
Dự kiến một cuộc họp của OPEC và các đồng minh như Nga đã được lên kế hoạch vào ngày 6/4, nhưng những chi tiết về việc phân phối chính xác các định mức cắt giảm trong cuộc hội đàm này vẫn chưa được xác định. Ngay cả thời gian cụ thể tiến hành cuộc họp này cũng không rõ ràng.
Các nhà sản của OPEC đang chờ xem liệu Mỹ có bất kỳ cam kết trong nỗ lực ổn định thị trường hay không. Họ cho rằng, một thỏa thuận mới phải bao gồm các nhà sản xuất bên ngoài OPEC+, tức là liên minh gồm các thành viên OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác nhưng không bao gồm các quốc gia dầu mỏ như Mỹ, Canada, Na Uy và Brazil.
Nga từ lâu đã bày tỏ sự thất vọng rằng, việc cắt giảm chung với OPEC chỉ là hỗ trợ cho các nhà sản xuất đá phiến ở Mỹ có chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Sáu tuyên bố, nước Nga sẵn sàng cắt giảm sản xuất cùng với OPEC và Hoa Kỳ, trong khi vẫn đổ lỗi cho Saudi Arabia về sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Nga nói rằng, ông hiểu rằng Hoa Kỳ có những hạn chế pháp lý đối với việc cắt giảm sản lượng, nhưng vẫn nên linh hoạt.
Trong bối cảnh các thỏa thuận mới vẫn chưa đạt được, nhưng sự kiềm chế gia tăng sản xuất của cả Saudi Arbia và Nga giúp thị trường dầu mỏ có dấu hiệu hồi sinh. Trong tuần này, giá dầu Brent Biển Bắc ổn định ở mức 34,65 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 12% lên 28,34 USD/thùng.
Như vậy, trong tuần qua, dầu WTI đã vọt gần 32%, dầu Brent cũng tăng 22%, tạm kết thúc dự báo giá dầu về dưới 20 USD/thùng.
Việc giá dầu tăng trở lại cho thấy một tín hiệu cho sự hồi sinh của nền kinh tế thế giới. Tình trạng “đóng băng xã hội” sẽ tan; quanh cảnh đìu hiu và u ám của khu vực kinh tế tư nhân bắt đầu náo nhiệt trở lại với những sắc xanh trên thị trường chứng khoán…
Chủ đề liên quan:
Covid 19 cuộc chiến giá dầu dịch bệnh giá dầu giá dầu thô Khủng hoảng kinh tế saudi arabia tài chính virus corona Xuất khẩu dầu mỏ