Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Sợ tay chân miệng cũng đừng tùy tiện dùng Cloramin B

Rất nhiều gia đình vì quá lo lắng nên đã mua Cloramin B dù không có bệnh tay chân miệng. Điều này không cần thiết, thậm chí phản tác dụng.
Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 2.091 trường hợp mắc tay chân miệng">tay chân miệng (TCM) trong đó 2 trường hợp Tu vong. Các ca mắc, Tu vong vẫn tăng khiến người dân thêm hoảng loạn, lo lắng và tìm mọi cách phòng bệnh cho con. Ngoài việc ồ ạt đưa con đi khám, xét nghiệm truy tìm virus gây bệnh, nhiều bậc cha mẹ chủ động đến trạm y tế gần nhà nằng nặc xin, thậm chí mua Cloramin B về khử khuẩn. Cẩn thận với Cloramin B Chị Mai, nhân viên trạm y tế Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết mấy ngày gần đây có nhiều phụ huynh đến xin hóa chất Cloramin B. “Nhiều phụ huynh xin Cloramin B về khử khuẩn. Đến khi cán bộ y tế hỏi nhà có cháu bị TCM hay không để còn tuyên truyền, xuống tận nhà hướng dẫn cách khử khuẩn thì mới biết là người dân mua hóa chất về phòng ngừa cho chắc”. Chị Yến, nhân viên y tế phường Ngọc Hà, Ba Đình, cho hay ngay khi có một cháu trong phường Tu vong vì TCM, cán bộ y tế đã xuống tận nhà phát miễn phí Cloramin B và hướng dẫn khử khuẩn vệ sinh nhà cửa, đồ dùng. “Thấy cán bộ y tế xuống khử khuẩn, nhiều gia đình đã đến trạm y tế để xin, thậm chí có gia đình cứ đòi mua Cloramin B. Chúng tôi phải giải thích mãi người dân mới hiểu”, chị Yên nói. Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết Cloramin B chỉ nên dùng với nhà trẻ, gia đình có ghi nhận ca mắc TCM. Những trường hợp không có trẻ mắc, người dân không nên tự ý dùng, chỉ nên phòng ngừa bằng cách vệ sinh với những chất tẩy rửa thông thường. “Hóa chất Cloramin B nếu dùng không đúng cách hoặc dùng với nồng độ quá đậm đặc có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ”, tiến sĩ Cảm cảnh báo. Quên vệ sinh đồ chơi cho trẻ Hiện nay, các trường mầm non đều đã dán thông báo hoặc phát tờ rơi tuyên truyền về bệnh TCM đến phụ huynh học sinh. Trạm y tế phường thường xuyên phát loa tuyên truyền cách nhận biết, phòng chống bệnh. Điều đó phần nào tác động đến ý thức của nhiều em nhỏ, phụ huynh về căn bệnh TCM. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm một cuộc khảo sát tại nhiều trường mầm non, thì ngoài kiến thức phòng bệnh bằng cách rửa tay cho bé trước khi ăn thì nhiều phụ huynh không biết các biện pháp vệ sinh khác. Theo tiến sĩ Cảm, ngoài việc rửa tay thường xuyên cho bé bằng xà phòng, cha mẹ cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh khác. “40% trường hợp lây bệnh từ bàn tay người chăm sóc trẻ. Do đó, người lớn cũng cần phải vệ sinh tay của mình trước khi chế biến đồ ăn, cho ăn và chơi với bé. Ngoài ra, rất ít cha mẹ nhận thức được việc vệ sinh đồ chơi của con. Trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tốt nhất bậc phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi của bé ít nhất một lần mỗi tuần bằng nước xà phòng, nước khử khuẩn thông thường. Cha mẹ chú ý không chỉ rửa tay cho bé trước khi ăn, mà phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng 1 - 2 giờ một lần để diệt mầm bệnh, tránh dắt bé đến các tụ điểm đông người”, ông Cảm khuyến cáo.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tính đến 30/9 cả nước ghi nhận 61.805 trường hợp mắc TCM tại 61 địa phương, trong đó có 114 trường hợp Tu vong tại 24 tỉnh, thành phố. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Pasteur TP HCM cho thấy có 747/1.332 mẫu dương tính với EV71, chiếm 42,8% và 575 mẫu dương tính với các EV khác. Bộ Y tế đã yêu cầu tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc TCM, đặc biệt là các trường hợp nặng, có biến chứng nhằm xác định sự lưu hành của týp virus gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virus. Liên ngành Bộ Y tế - GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh TCM trong trường học năm học 2011-2012. Theo đó, yêu cầu 80% cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, người chăm sóc trẻ được truyền thông rõ về bệnh TCM, kỹ năng vệ sinh cá nhân, cách pha và sử dụng Cloramin B; 90% cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ phát hiện sớm các ca bệnh, biết tổ chức cách ly và thông báo cơ quan chức năng kịp thời để hạn chế lây lan. Tại BV Nhi Trung ương, trước diễn biến phức tạp và lo lắng của các bậc phụ huynh, bệnh viện đã lập tổ phản ứng nhanh gồm 15 thành viên. Tổ phản ứng này cập nhật các thông tin mới nhất về dịch bệnh, phác đồ điều trị chẩn đoán của Bộ Y tế, đưa ra quy trình thăm khám, chẩn đoán, xét nghiệm, theo dõi bệnh nhân TCM chặt chẽ. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tìm virus TCM tăng mạnh của người dân, tổ phản ứng nhanh còn thành lập phòng xét nghiệm chuyên biệt, bệnh nhân được nhận sớm kết quả trong vòng 24h.

Theo M.Hương - Báo Đất Việt
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-so-tay-chan-mieng-cung-dung-tuy-tien-dung-cloramin-b-10020.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY