Năm nay, tại Hà Nội, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng đáng kể. Bệnh SXH đang có xu hướng bùng phát không theo quy luật.
Quy luật bị đảo lộn
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trước đây, cứ 5 năm dịch SXH
bùng phát một lần. Dịch thường
bùng phát vào tháng 6 đến tháng 7, đỉnh dịch rơi vào tháng 9, 10, kết thúc tháng 11, 12. Tuy nhiên, những năm gần đây, dịch SXH xuất hiện dày, sớm hơn và không mang tính chu kỳ như trước.
Năm nay, do thời tiết diễn biến khá phức tạp, dịch xuất hiện từ đầu năm với số người mắc bệnh tăng. Theo thống kê, số người mắc bệnh SXH tại Hà Nội từ đầu năm đến nay là 239 trường hợp, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh SXH có biểu hiện ban đầu giống một số triệu chứng sốt do vi rút khác nên có người bệnh chủ quan tự điều trị tại nhà như truyền dịch hoặc dùng kháng sinh. Đây là điều rất nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Điều có thể nhận biết đối với những người mắc bệnh SXH là bệnh nhân thường sốt cao 39-40 độ, kéo dài từ 2-7 ngày. Kèm theo đó có những biểu hiện khác như đau nhức toàn thân, xuất hiện những chấm đỏ dưới da, chảy máu mũi, chân răng, nôn ra máu, đại tiện có phân đen, đau bụng vùng gan, phụ nữ bị rong kinh…
“Thời điểm này, Hà Nội vẫn đang có dịch sốt phát ban ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh này khiến bệnh nhân cũng bị sốt kèm theo những ban nốt đỏ khiến người dân dễ nhầm lẫn với SXH, vậy càng nên đến cơ sở y tế để phát hiện và điều trị đúng bệnh”- TS. Cảm cho biết thêm.
Cách nào phòng chống?
Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ người mắc bệnh SXH cao vì mật độ dân cư đông, lại tập trung nhiều sinh viên và lao động ngoại tỉnh đến học tập, kiếm sống.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 8.000 trường hợp bị SXH, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2011, dịch có thể đến sớm hơn những năm trước, và tập trung nhiều nhất ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung.
|
TS. Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Muỗi truyền bệnh phát triển phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu. Năm nay khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều tạo cơ hội cho muỗi phát triển. Muỗi truyền bệnh SXH lại thường sống trong nhà, đẻ trứng vào những nơi có chứa nước sạch như bể, chum vại, lọ cắm hoa, chậu cảnh...
Để phòng bệnh SXH, người dân cần loại trừ những nơi mà bọ gậy có thể sống trong và xung quanh nhà như thả cá vào bể chứa nước, thường xuyên thay nước lọ hoa. Đi ngủ buổi tối nhất thiết phải buông màn; đối với trẻ em cần buông màn cả khi ngủ trưa.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại Thu*c diệt muỗi, từ dạng bình xịt đến các loại Thu*c pha. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân không nên tự ý dùng các loại Thu*c này để diệt muỗi.
TS. Nguyễn Nhật Cảm lý giải: Mỗi loại muỗi truyền bệnh (như SXH, viêm não Nhật Bản, giun chỉ…) có một loại Thu*c diệt trừ khác nhau. Nếu mua Thu*c không đúng chủng loại, pha Thu*c sai liều lượng hoặc phun Thu*c không đúng kỹ thuật sẽ lợi bất cập hại.
Theo Kiến Nghĩa - Tiền Phong