Những người bị khối u não thường được xạ phẫu (xạ trị sử dụng một liều xạ lớn) nếu ung thư chỉ ở một hoặc một vài vị trí trong não. Tác dụng phụ phụ thuộc vào nơi bức xạ chiếu vào. Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện nhanh chóng, nhưng một số khác có thể không xuất hiện cho đến 1 đến 2 năm sau khi điều trị. Hãy hỏi bác sĩ xạ trị của bạn về những gì cần theo dõi và khi nào bạn cần gọi cho bác sĩ.
Nếu ung thư ở nhiều vị trí, đôi khi cần xạ toàn não. Các tác dụng phụ của xạ trị toàn não có thể không được nhận thấy ngay mà phải sau khi bắt đầu điều trị được vài tuần.
Xạ vùng não có thể gây ra các tác dụng phụ ngắn hạn như:
Đau đầu
Rụng tóc
Buồn nôn
Nôn
Mệt mỏi, kiệt sức
Nghe kém
Biến đổi trên da và da đầu
Gặp khó khăn về trí nhớ và phát âm
Co giật
Một số tác dụng phụ này có thể xảy ra vì phóng xạ làm phù não. Bác sỹ có thể kê đơn thuốc ngăn ngừa phù não, nhưng điều quan trọng là người bệnh phải báo cho bác sĩ biết nếu bị đau đầu hoặc gặp bất kỳ triệu chứng nào khác. Điều trị có thể ảnh hưởng đến mỗi người một khác, và bạn có thể không gặp những tác dụng phụ này.
Xạ trị não cũng có thể có tác dụng phụ xuất hiện muộn hơn - thường là từ 6 tháng đến nhiều năm sau khi điều trị kết thúc. Những tác động muộn này có thể bao gồm các vấn đề nghiêm trọng như mất trí nhớ, các triệu chứng giống như đột quỵ và giảm chức năng não. Người bệnh cũng có thể có nguy cơ có một khối u khác trong vị trí xạ, mặc dù điều này rất ít gặp. Vì vậy hãy hỏi bác sĩ về những gì có thể xảy ra do kế hoạch xạ trị của bạn
Những người được xạ vào vùng đầu cổ có thể gặp các tác dụng phụ như:
Đau nhức (hoặc thậm chí lở loét) trong miệng hoặc cổ họng
Khô miệng
Khó nuốt
Thay đổi khẩu vị
Buồn nôn
Đau tai
Sâu răng
Sưng ở nướu, họng hoặc cổ
Rụng tóc
Thay đổi kết cấu da
Cứng hàm
Xạ trị điều trị triệt căn ung thư hạ hầu tại khoa Xạ trị bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Cách chăm sóc miệng trong quá trình xạ trị
Nếu bạn được xạ trị vào đầu hoặc cổ, bạn cần chăm sóc tốt răng, nướu, miệng và họng. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp bạn khắc phục các vấn đề về răng miệng:
Tránh thức ăn cay và thô, chẳng hạn như rau sống, bánh quy khô và các loại hạt.
Không dùng đồ ăn thức uống quá nóng hoặc quá lạnh.
Không hút thuốc lá, nhai thuốc lá hoặc uống rượu - những thứ này có thể làm cho vết loét miệng tồi tệ hơn.
Tránh dùng đồ ăn vặt có đường.
Đề nghị bác sĩ giới thiệu một loại nước súc miệng tốt. Chất cồn trong một số nước súc miệng có thể làm khô và kích thích các mô miệng.
Súc miệng bằng nước ấm và nước soda mỗi 1 đến 2 giờ khi cần thiết (Sử dụng 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng cà phê baking soda trong 1 lít nước).
Uống ngụm nhỏ đồ uống mát thường xuyên trong suốt cả ngày.
Ăn kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su để giúp giữ ẩm miệng.
Làm ẩm thực phẩm với nước thịt và nước sốt để dễ ăn hơn.
Hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc giúp điều trị loét miệng và kiểm soát cơn đau khi ăn.
Nếu những biện pháp này là không đủ, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn. Khô miệng có thể vẫn còn ngay cả sau khi điều trị kết thúc. Nếu những tác dụng phụ này còn tiếp diễn, hãy trao đổi thêm với bác sĩ về những gì bạn có thể làm để cải thiện.
Cách chăm sóc răng trong quá trình xạ trị
Điều trị tia xạ vùng đầu cổ có thể làm tăng khả năng bị sâu răng, đặc biệt là nếu bạn bị khô miệng do điều trị.
Trước khi bắt đầu xạ trị, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về việc bạn có nên đi khám nha sĩ hay không. Nếu bạn có một hoặc nhiều răng hỏng, nha sĩ của bạn có thể đề nghị loại bỏ chúng trước khi bạn bắt đầu xạ trị. Bức xạ (và khô miệng) có thể làm những chiếc răng này hỏng nặng thêm đến mức chúng cần được loại bỏ, và điều này sẽ khó thực hiện hơn sau khi bắt đầu tia xạ.
Nếu bạn đeo răng giả, chúng có thể không còn vừa vặn vì nướu bị sưng. Nếu răng giả của bạn gây ra vết loét, bạn có thể cần phải ngừng đeo chúng cho đến khi xạ trị được hoàn tất để giữ cho vết loét không bị nhiễm trùng.
Nha sĩ của bạn có thể cần khám lại cho bạn trong quá trình xạ trị để kiểm tra răng, hướng dẫn bạn về việc chăm sóc miệng và răng của bạn. Bạn có thể sẽ được hướng dẫn:
Làm sạch răng và nướu bằng bàn chải rất mềm sau mỗi bữa ăn và ít nhất một lần nữa mỗi ngày.
Sử dụng kem đánh răng có fluoride không chứa chất mài mòn.
Súc miệng kỹ bằng nước mát hoặc dung dịch baking soda sau khi đánh răng (Sử dụng 1 muỗng cà phê baking soda trong 1 lít nước).
Nếu bạn thường dùng chỉ nha khoa, hãy hỏi nha sĩ hoặc bác sĩ ung thư xem có nên tiếp tục dùng trong quá trình xạ trị không. Báo với bác sĩ ung thư của bạn nếu dùng chỉ nha khoa gây chảy máu hoặc các vấn đề khác.
Khi bạn được xạ vào vùng vú, tia xạ có thể tác động tới tim và phổi, cũng như gây ra vài tác dụng phụ khác.
Các tác dụng phụ ngắn hạn:
Xạ trị vào vú có thể gây ra:
Kích ứng da, khô và thay đổi màu sắc
Đau nhức vú
Sưng vú do tích tụ chất lỏng (phù bạch huyết)
Để tránh kích ứng vùng da quanh vú, phụ nữ nên cố gắng không mặc áo ngực bất cứ khi nào có thể. Nếu điều này không thể, hãy mặc một chiếc áo lót bằng vải bông mềm không gọng.
Nếu vai của bạn cảm thấy cứng, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về các bài tập để giữ cho vai của bạn cử động thoải mái.
Đau nhức vú, thay đổi màu sắc và tích tụ chất lỏng (phù bạch huyết) rất có thể sẽ biến mất sau một hoặc 2 tháng kết thúc xạ trị. Nếu phù bạch huyết còn tiếp diễn, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về những điều bạn có thể thực hiện.
Các thay đổi dài hạn ở vú:
Xạ trị có thể gây ra những thay đổi lâu dài ở vú. Da có thể hơi xạm hơn, lỗ chân lông có thể lớn hơn và dễ thấy hơn. Da có thể tăng nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm hơn và cảm thấy dày và săn hơn so với trước khi điều trị. Đôi khi kích thước của vú thay đổi - vú có thể trở nên lớn hơn do phù bạch huyết hoặc nhỏ hơn do mô sẹo. Những tác dụng phụ này có thể kéo dài sau khi điều trị.
Sau khoảng một năm, thường sẽ không xuất hiện thêm bất kỳ thay đổi nào ở vú. Nếu bạn thấy những thay đổi về kích thước, hình dạng, ngoại hình hoặc kết cấu của vú sau thời gian này, hãy báo cho bác sĩ xạ trị của bạn ngay lập tức.
Tác dụng phụ ít gặp hơn ở những vùng lân cận
Mặc dù hiếm khi xảy ra, bức xạ đến vú có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong lồng ngực, bao gồm cả tim và phổi. Ngày nay điều này không còn phổ biến, vì thiết bị xạ trị hiện đại cho phép các bác sĩ tập trung tốt hơn các chùm bức xạ vào khu vực bị ung thư, ít ảnh hưởng đến các khu vực khác.
Xạ trị vào vùng ngực có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
Loét họng
Rối loạn nuốt
Ăn không ngon miệng
Ho
Thở ngắn
Xạ trị cũng có thể gây ra các vấn đề khác ở tim và phổi.
Biến chứng tim
Chiếu xạ đến phần giữa của ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Liều xạ càng cao, vùng chiếu càng rộng thì nguy cơ này càng tăng lên. Bức xạ cũng có thể gây ra xơ cứng động mạch (có thể khiến bạn dễ bị đau tim sau này), tổn thương van tim hoặc nhịp tim không đều.
Viêm phổi phóng xạ
Viêm phổi do phóng xạ là tình trạng viêm phổi có thể do xạ trị ở vùng ngực (hoặc ít gặp hơn là vú). Biến chứng này có thể xảy ra khoảng 3 đến 6 tháng sau khi bắt đầu xạ trị. Những người mắc các bệnh phổi khác, như khí phế thũng (liên quan đến tổn thương mô phổi dần dần) sẽ dễ mắc biến chứng này hơn. Các triệu chứng thường gặp của viêm phổi phóng xạ bao gồm:
Khó thở, thường tăng khi gắng sức
Đau ngực, thường tăng lên khi hít sâu
Ho
Khạc đờm hồng
Sốt nhẹ
Mệt mỏi
Đôi khi không có triệu chứng, và viêm phổi phóng xạ được phát hiện trên X-quang ngực.
Thường thì các triệu chứng tự hết nhưng nếu cần điều trị, cần cho thuốc giảm viêm. Steroid, như prednison, thường được sử dụng. Với điều trị chống viêm, hầu hết mọi người phục hồi mà không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào. Nhưng nếu triệu chứng viêm phổi vẫn tồn tại, có thể dẫn đến xơ phổi (xơ cứng hoặc sẹo phổi). Khi điều này xảy ra, chức năng phổi sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn.
Hãy chắc chắn rằng bạn nhận biết được các triệu chứng và nói với bác sĩ ung thư của bạn nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của các tác dụng phụ.
Nếu bạn được tia xạ đến vùng bụng hoặc một phần của bụng, bạn có thể gặp tác dụng phụ như:
Buồn nôn
Nôn
Đau bụng
Tiêu chảy
Táo bón
Ăn hoặc tránh một số loại thực phẩm có thể giúp giải quyết những vấn đề này, vì vậy lập kế hoạch về chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong điều trị tia xạ vùng bụng. Hãy hỏi bác sĩ ung thư của bạn về những tác dụng phụ có thể xảy ra, và những loại thuốc bạn nên dùng để giúp giảm bớt những vấn đề này. Những vấn đề này sẽ nhẹ đi khi điều trị kết thúc.
Kiểm soát nôn
Một số người cảm thấy buồn nôn trong vài giờ ngay sau khi xạ trị. Nếu bạn gặp vấn đề này, hãy cố gắng không ăn trong một vài giờ trước và sau khi tia xạ. Nếu triệu chứng buồn nôn không hết, hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị chứng buồn nôn và bảo đảm rằng bạn uống thuốc chính xác như bạn được hướng dẫn.
Nếu bạn thấy buồn nôn trước khi điều trị, hãy thử ăn một bữa ăn nhẹ thanh đạm, như bánh mì nướng hoặc bánh quy, và thư giãn càng nhiều càng tốt.
Kiểm soát tiêu chảy
Nhiều người bị tiêu chảy tại một số thời điểm sau khi bắt đầu xạ trị vào bụng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc cung cấp cho bạn các hướng dẫn để giúp giải quyết vấn đề. Thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể được khuyến nghị, chẳng hạn như:
Hãy thử chế độ ăn lỏng thanh đạm (nước, trà loãng, nước cháo, nước súp trong) ngay khi bắt đầu tiêu chảy hoặc khi bạn cảm thấy sắp bắt đầu tiêu chảy.
Không ăn thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc có thể gây đầy chướng bụng, chẳng hạn như trái cây tươi và rau sống, đậu, bắp cải, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, kẹo, và thực phẩm cay.
Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Không uống sữa hoặc ăn các sản phẩm sữa nếu chúng gây kích thích ruột của bạn.
Khi tiêu chảy bắt đầu đỡ, hãy thử ăn một lượng nhỏ thực phẩm ít chất xơ, chẳng hạn như gạo, chuối, sữa chua, khoai tây nghiền, phô mai ít béo và bánh mì nướng.
Hãy chắc chắn rằng bạn bổ sung đủ kali (kali có trong chuối, khoai tây, đậu, đào và nhiều loại thực phẩm khác). Đây là một chất khoáng quan trọng cho cơ thể mà bạn có thể mất khi bị tiêu chảy.
Xạ trị vào vùng khung chậu (ví dụ trong điều trị ung thư bàng quang, ung thư buồng trứng, hoặc ung thư tiền liệt tuyến) có thể gây ra các tác dụng phụ như:
Các vấn đề rối loạn bàng quang
Các vấn đề về sinh sản
Thay đổi trong đời sống tình dục
Ngoài ra, bạn cũng có thể có một số vấn đề tương tự mà mọi người gặp phải từ bức xạ vào vùng bụng, chẳng hạn như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.
Các rối loạn bàng quang
Tia xạ vào vùng chậu có thể gây ra các vấn đề với tiểu tiện, bao gồm:
Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
Khó đi tiểu
Máu trong nước tiểu
Đi tiểu thường xuyên
Hầu hết các vấn đề này sẽ đỡ theo thời gian, nhưng xạ trị cũng có thể gây ra các tác dụng phụ lâu dài như:
Viêm bàng quang phóng xạ. Nếu bức xạ làm tổn thương niêm mạc bàng quang, viêm bàng quang phóng xạ có thể là một vấn đề lâu dài gây ra tiểu tiện ra máu hoặc đau khi đi tiểu.
Tiểu mất tự chủ. Xem bài Đại tiểu tiện mất tự chủ
Lỗ rò. Trong một số ít trường hợp, phóng xạ có thể tạo thành một lỗ mở gọi là lỗ rò hình thành giữa các cơ quan trong khung chậu, như giữa âm đạo và bàng quang, hoặc giữa bàng quang và trực tràng. Lỗ rò được điều trị khỏi bằng phẫu thuật.
Khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng như thế nào: xem bài Tìm hiểu về điều trị ung thư bằng xạ trị
Đời sống tình dục có thể bị tác động như thế nào
Với một số loại xạ trị liên quan đến khung chậu và / hoặc cơ quan sinh dục, nam và nữ có thể nhận thấy những thay đổi trong khả năng tình dục hoặc giảm mức độ ham muốn.
Đối với phụ nữ: Trong quá trình điều trị bức xạ đến khung chậu phụ nữ thường được khuyên không nên quan hệ tình dục. Một số phụ nữ có thể thấy đau khi sinh hoạt tình dục. Xạ trị cũng có thể gây ngứa, nóng rát và khô âm đạo. Phần lớn người bệnh nữ sẽ có thể quan hệ tình dục trong vòng một vài tuần sau khi điều trị kết thúc, nhưng hãy hỏi bác sĩ trước. Một số loại xạ trị có thể gây tác dụng phụ lâu dài, chẳng hạn như mô sẹo có thể ảnh hưởng đến khả năng co giãn của âm đạo trong khi quan hệ tình dục. Bác sĩ của bạn có thể đề xuất cách khắc phục nếu điều này xảy ra với bạn.
Đối với nam giới: Bức xạ có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh cho phép người đàn ông cương dương. Nếu các rối loạn cương dương xảy ra, chúng thường diễn ra từ từ, trong quá trình nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nếu đây là mối bận tâm lo lắng của bạn, hãy trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị.