Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Thanh Hóa: Nhói lòng chuyện mưu sinh của những người bỗng dưng... mất việc

MangYTe - Hàng loạt lá đơn kêu cứu tập thể của đội ngũ cán bộ dân số đang rơi vào tuyệt vọng. 559 cán bộ bán chuyên trách mà hầu hết đã dành toàn bộ tuổi thanh xuân để cống hiến cho công tác dân số. Công việc vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng họ vẫn sẵn sàng gắn bó, lăn lộn cùng nghề với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Giờ đây bỗng đột ngột bị mất việc khiến gần 600 con người choáng voáng, hụt hẫng…

Từ ngày mất việc chị Hằng đi buôn cá, ai thuê gì làm nấy để trang trải cuộc sống. Ảnh: Gia Hân

Loay hoay tìm kế sinh nhai

Như Báo Gia đình & Xã hội đã đề cập, đầu năm 2020, tất cả cán bộ dân số xã nói trên nhận được thông báo phải nghỉ việc vì Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 12/12/2019 không còn chức danh cán bộ dân số xã. Gần 600 con người đang công tác trong lĩnh vực dân số bị bỏ rơi, bơ vơ không có việc làm.

Bỗng dưng bị mất việc, hàng loạt cán bộ dân số các huyện như Quảng Xương, Quan Sơn, Lang Chánh... đồng loạt viết đơn kêu cứu các cơ quan chức năng, thậm chí vượt hàng trăm cây số xuống dưới tỉnh để mong có được câu trả lời thỏa đáng. Đáp lại sự mong mỏi có được công việc mà đã gắn bó hàng chục năm, thậm chí có người đã sắp đến tuổi nghỉ hưu là sự thất vọng, bất lực. Bao nhiêu thiệt thòi, cay đắng không thể đong đếm cùng với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền trách nhiệm đối với gia đình trĩu nặng trên vai.

Cũng như gần 600 con người đang lao đao vì mất việc, chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1981) là cán bộ bán chuyên trách dân số xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương từ năm 2010 cho đến bây giờ vẫn không hiểu nổi vì sao Thanh Hóa lại đối xử với các chị như vậy. Hoàn cảnh của chị Hằng khá khó khăn. Chồng chị là bộ đội chuyên nghiệp ở xa, có 2 con đang tuổi ăn học, đứa thứ 2 bị bệnh hen suyễn hàng tháng phải lên Bệnh viện Nhi lấy Thu*c. Trước kia chị học Trung cấp y, dược có nhiều cơ hội để xin vào các công ty dược, hoặc bệnh viện nhưng chị đã chọn nghề dân số như một cơ duyên.

Nhớ lại hơn 10 năm gắn bó với nghề chị Hằng bùi ngùi: "Lúc đó cuộc sống khó khăn vô cùng, nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ cùng với kỳ vọng một ngày nào đó sẽ được vào biên chế là động lực to lớn để vượt qua tất cả. Là xã ven biển các chị em phụ nữ chưa chú ý nhiều tới những biện pháp Tr*nh th*i nên tỷ lệ sinh đẻ cao, công tác tuyên truyền lúc đó được đẩy mạnh, có những hôm 10 giờ đêm, tôi vẫn đến từng nhà kiên trì vận động. Sau một thời gian dài tình trạng trên đã cải thiện rõ rệt.

Ngày 1/1/2020 xã gọi lên thông báo nghỉ khiến tôi choáng voáng phải hồi lâu mới trấn tĩnh lại được. Buồn, tủi thân vô cùng. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Từ ngày bị nghỉ việc một cách bất đắc dĩ, tôi đi xúc cá thuê từ lúc 2-4 giờ sáng, họ trả cho 100.000 đồng, sau đó mua cá mang lên các huyện miền núi đi bán. Những lúc không có cá thì bốc hàng hóa thuê khoảng 4 tiếng chủ trả cho 90.000 đồng".

"Ngã rẽ" đầy trắc trở

Anh Phạm Bá Xuân vào rừng đốn luồng, chẻ nan mang đi bán.

Vượt hơn 100 cây số, chúng tôi đến xã Mường Mìn, huyện vùng cao Quan Sơn khi mặt trời bắt đầu khuất sau những dãy núi ngút ngàn, những nếp nhà sàn xa xa đã bắt đầu mờ dần trong ánh khói lam chiều, anh Phạm Bá Xuân (SN 1968) tròn 21 năm gắn bó với công tác dân số tại xã mới đi rừng về.

Áo ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay vẫn còn vết máu do chặt nan để lại, anh Xuân nhẹ nhàng kể về những ngày tháng lăn lộn với phong trào dân số xã nhà. Bắt đầu công tác dân số từ năm 1999, thời đó cuộc sống của người dân nơi đây còn vô cùng khó khăn, cái đói, cái nghèo bủa vây người dân bản làng quanh năm. Cái ăn, cái mặc còn không có nói gì đến sinh đẻ có kế hoạch. Khi nhận công việc anh Xuân đi khảo sát tình hình địa phương, hầu như chị em không biết dùng các biện pháp Tr*nh th*i, tỷ lệ sinh con thứ 3 rất cao. Xã có 5 bản, trong đó có những bản xa trung tâm đến 10 cây số, để vào được với người dân nhiều hôm trời mưa đường trơn trượt phải cuốc bộ cả ngày trời. Đi lại thì khó khăn, vào gặp các chị để tuyên truyền những chính sách về dân số, ban đầu họ nghe chỉ cười. Nhưng với công việc được giao anh Xuân kiên trì đến từng nhà trò chuyện, vận động với phương châm "mưa dầm thấm đất", những công sức anh bỏ ra đã được đền đáp, tỷ lệ sinh con thứ 3 đã bắt đầu giảm, hiện tại tỷ lệ đó đếm trên đầu ngón tay cùng với những chính sách hỗ trợ từ những đề án các chị đã ý thức được việc sử dụng các biện pháp Tr*nh th*i đến 90%.

Biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi với hi vọng được vào biên chế để lúc tuổi già có chút lương hưu của anh đã xa vời: "Gần hết đời người với 21 năm gắn bó với ngành dân số. Từ tháng 6 chúng tôi nhận được thông báo nghỉ việc. Tâm lý hoang mang, nặng nề vô cùng. Cánh cửa mà bấy lâu chúng tôi mòn mỏi trông chờ đã khép lại. Từ ngày nghỉ việc tuổi cũng đã cao tìm việc khác thì không thể nên loanh quanh vào rừng chặt luồng chẻ nan mang đi bán. "Những lúc có người thuê thì đi bốc nan, bốc luồng kiếm chút tiền sống qua ngày", anh Xuân cay đắng cho biết.

Những cán bộ dân số có những người gắn bó với nghề 10 thậm chí 20 năm, những cơ hội kiếm việc làm khác giờ hầu như không thể, họ đang tự lần mò tìm kế sinh nhai để tiếp tục cuộc sống, có người đi buôn cá, người bán hàng trên mạng, đi làm thuê... Họ đang luẩn quẩn tự đi tìm kiếm một tương lai khác. Cái "tương lai" đó chắc chắn họ không bao giờ ngờ đến, anh Nguyễn Xuân Thuật (SN1972) làm cán bộ dân số xã Thăng Bình, huyện Nông Cống chua chát chia sẻ: "Sau khi đi bộ đội về đi học ngành Y và gắn bó với nghề dân số từ đó đến nay đã được 25 năm. Mong sao tỉnh Thanh Hóa có cơ chế tạo điều kiện tuyển dụng chúng tôi vào làm ở trạm. Giờ già rồi làm sao mà bắt đầu làm lại từ đầu được nữa. Nếu trường hợp chúng tôi bắt buộc phải nghỉ thì nhà nước cũng nên có chế độ, thông báo rõ ràng. Từ lúc nghỉ tôi ở nhà nuôi gà, những lúc có người thuê thì đi phụ hồ, tự kiếm việc làm chứ ngồi nhà lấy gì mà ăn".

Anh Hoàng quay trở lại công việc chăn bò, chặt luồng thuê.

Còn anh Lê Văn Hoàng (SN 1988) cán bộ bán chuyên trách xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh cho biết: "Tôi làm công tác dân số từ năm 2010. Tháng 7 vừa rồi huyện chấm dứt công việc không còn làm dân số nữa. Tôi là trụ cột chính trong gia đình, bố mẹ già yếu, vợ ở nhà làm ruộng lại phải nuôi thêm chị gái bị bệnh tâm thần. Trước kia cùng với thu nhập ít ỏi bên ngành tôi cũng làm thêm đủ việc như chặt luồng, nuôi bò, làm ruộng... để trang trải cuộc sống. Từ ngày mất việc, thiên hạ dị nghị khiến tôi vô cùng buồn tủi, hụt hẫng. Bao nhiêu công sức bố mẹ vay mượn nuôi ăn học giờ coi như đổ sông, đổ biển".

Công tác dân số bị gián đoạn

Trước thực trạng trên, hàng loạt cán bộ làm dân số ở các huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Quảng Xương... đã đồng loạt ký đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và Trung ương với khát khao được tiếp tục cống hiến cho ngành.

Hiện tại công tác truyền thông bị gián đoạn, thông tin dữ liệu dân số cập nhật chậm và không đầy đủ... Trong khi đó nhiều mục tiêu về dân số ở Thanh Hóa chưa đạt như: Mức sinh cao và chưa đồng đều ở một số khu vực, phân bố dân cư còn thiếu hợp lý, chất lượng dân số chưa cao... Kết quả giảm sinh chưa bảo đảm được tính bền vững, tỷ suất sinh còn chênh lệch giữa các vùng, miền. Vùng ven biển, vùng đồng bào công giáo mức sinh còn cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng sinh trở lại.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Hải Năm - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Là xã có dân số đông nhất tỉnh với hơn 18.000 nhân khẩu, công tác dân số trong thời gian qua tại xã đã có những chuyển biến rất tích cực. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì hiện không còn chức danh cán bộ dân số bán chuyên trách nên chúng tôi cử 1 đồng chí cán bộ văn thư lưu trữ kiêm nhiệm thêm phần việc dân số nhưng không có chế độ gì. Hiện công tác dân số của địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Quá trình tổ chức, tuyên truyền về những chính sách dân số hiệu quả không cao”.

Gia Hân

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/dan-so/thanh-hoa-nhoi-long-chuyen-muu-sinh-cua-nhung-nguoi-bong-dung-mat-viec-20200902182704573.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY