Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Thị trường bất động sản TP.HCM như chiếc lò xo đang bị nén

Hết dịch Covid-19, phân khúc BĐS nào sẽ phục hồi nhanh nhất?

HoREA đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hồi phục nhanh thị trường bất động sản tại TP.HCM

Trong văn bản, HoREA cho rằng thị trường bất động sản đã gặp khó khăn, vướng mắc từ hai năm 2018, 2019, với hàng trăm dự án bị ách tắc. Theo đó, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh, giá nhà tăng, người có nhu cầu thực khó tạo lập nhà ở, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và bất động sản bị sụt giảm. Thêm đó, dịch CoViD-19 kéo dài càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, cho thấy thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh. Doanh nghiệp BĐS không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế...

Với cách nhìn đó, HoREA đưa ra đề nghị khắc phục nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt là tháo gỡ ngay các vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định pháp luật và xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài thửa đất thuộc nhà nước quản lý.

Cụ thể, đề nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai”, theo thủ tục rút gọn. Trong đó, có bổ sung hình thức “giao đất” đối với thửa đất do nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở. Đi đôi với quy định thửa đất do nhà nước quản lý có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, nếu không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện. Bởi theo quy trình thủ tục hiện nay, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp Giấy phép xây dựng, mới được thi công. Quy trình, thủ tục này làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, doanh nghiệp bị chôn vốn, làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà, mà người mua phải gánh chịu. Và bởi thời gian làm thủ tục tính tiền sử dụng đất phải mất trên dưới 3 năm hoặc lâu hơn, thời gian thi công mất trên dưới 2 năm mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn.  

Quy trình này cũng không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vì pháp luật về xây dựng không quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công các công trình của dự án. Đồng thời, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong 2 trường hợp: Trước khi bán nhà ở có sẵn hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai và trước khi lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” dự án.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, được xem xét cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020. Đồng thời, xem xét xây dựng “Bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù” kiểu “thời chiến” trong giai đoạn chống dịch CoViD-19, chỉ áp dụng cho năm 2020.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính để trả nợ. Và các doanh nghiệp bất động sản có uy tín thương hiệu, có chỉ số tín nhiệm cao, có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước (trong 03 năm gần đây), có dự án khả thi. Đồng thời, đề nghị tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà và cũng được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).

Trong văn bản này, HoREA cũng đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn ngân sách 3.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhất là nguồn vốn 2.000 tỷ đồng bố trí cho 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank vừa nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội, vừa góp phần kích cầu thị trường bất động sản.

Ngọc Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/thi-truong-bat-dong-san-tphcm-nhu-chiec-lo-xo-dang-bi-nen-post78620.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY