1. Đã bước sang già nửa tháng 3, nhưng Hà Nội cũng như nhiều địa phương miền Bắc, vẫn trong những ngày mưa nồm dai dẳng. Sương mù dày đặc phủ lên khắp không gian, phủ vào lòng người một màu ảm đạm. Cái sự ướt át, mù mịt ảm đạm ấy, cộng với chất lượng không khí luôn ở mức “kém và xấu”, cộng với “bầu không khí chống giặc dịch như thời chiến” càng khiến lòng người thêm u ám, bức bối.
Đường phố, đặc biệt tại các đô thị lớn nổi tiếng với “đặc sản tắc đường” như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh những ngày tháng 3 này, như cách nói hài hước của nhiều người, ngày nào cũng như ngày 30 Tết, mùng một Tết, vắng vẻ, tĩnh lặng đến không ngờ. Sự xuất hiện đầy bất ngờ của bệnh nhân thứ 17 làm gia tăng không ngừng số ca bệnh, đã đưa cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam bước vào giai đoạn 2, cam go hơn bao giờ hết và làm đảo lộn hoàn toàn nhịp sống thường ngày. Hà Nội sau ngày 7/3 nháo nhào, xô đẩy trong cơn săn lùng, găm giữ nhu yếu phẩm, đã như trở thành một “thành phố đi vắng”. Những con lộ vốn thường xuyên ùn ứ, tắc đường như Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Chùa Bộc… giờ trở nên thông thoáng hơn hẳn. Những địa điểm vốn ken đặc người tới vui chơi như Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu phố cổ, Hồ Gươm, các Trung tâm thương mại… ngay cả trong ngày nghỉ cuối tuần cũng trở nên thưa thớt người qua lại. Các con phố đã vắng càng trở nên cô độc hơn khi ngày càng nhiều các cửa hàng dịch vụ, từ lớn tới bé, từ sang trọng tới bình dân, treo biển đóng cửa, thậm chí rao bán, sang nhượng vì không tải nổi chi phí vận hành khi lượng khách ngày càng “vắng như chùa bà Đanh”. TP.HCM cũng chẳng khác là bao. Vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, những ngã tư trước đây không lúc nào ngừng kẹt xe giờ đây trống vắng khác lạ. “Phố Tây” Bùi Viện vốn nổi tiếng là tụ điểm ăn chơi đông đúc nhất TP, nhộn nhịp bất kể ngày hay đêm, giờ trở nên tối tăm, buồn tẻ...
Chẳng những phố phường, nhịp sống sinh hoạt, học hành của học sinh, các gia đình, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng vì Covid-19 mà đảo lộn hết thảy. Nhiều ông bà lớn tuổi đã phải thốt lên rằng thời “giặc xâm lược”, học sinh vẫn hiên ngang mũ rơm tránh bom tới trường, nhưng thời “giặc Covid”, chuyện học hành chẳng đặng đừng phải tạm dừng. Bọn trẻ sau một vài tuần đầu còn háo hức với cái sự “được nghỉ học bất ngờ” giờ chuyển sang buồn chán vì “ăn - chơi - ngủ - nghỉ cả ngày”, “cấm cung” trong bốn bức tường nhà, không giao lưu thầy cô bạn bè, rồi lại ngập trong những tiết học zoom. Các bà mẹ, ông bố chẳng tránh được chuyện chểnh mảng việc công sở vì nhiệm vụ trông con… Lĩnh vực xuất nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng trở nên đình trệ, thậm chí trở nên vô cùng khó khăn: thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu đầu ra… Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, vì Covid-19, 30 tỉnh, thành có 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ gia đình phải dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Chưa kể, hơn 1.000 lao động tại 22 tỉnh, thành bị mất việc, trong đó, hơn một phần ba đến từ ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, 10% là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
2. Trước khi “Cô Vy” đến, người ta đã từng mong những ngày rất Tết, mong chờ cuộc sống yên ả, tĩnh lặng… nhưng giờ đây, chẳng còn ai mong những ngày yên ả, chẳng ai mong đợi sự bình yên như thế này. Hay nói đúng hơn, đó là sự bình yên chẳng ai mong chờ. Có lẽ chưa bao giờ, sự đông đúc, ồn ã lại được nhớ đến nhiều như lúc này. Chưa lúc nào, hai chữ “nắng ấm” lại được mong đợi, khát khao nhiều đến thế. Nắng ấm sẽ xóa đi u ám của thời tiết, làm dịu bớt cái ảm đạm của lòng người và như nhiều lời “đồn thổi” - giúp diệt trừ “virus Corona”, “dập dịch Cô vít” đưa cuộc sống trở lại sự nhộn nhịp thường ngày.
Dẫu biết rằng với những diễn biến phức tạp trên mức độ toàn cầu của đại dịch, cuộc chiến đấu với “Cô Vy” có thể sẽ còn kéo dài, sẽ gian nan, khốc liệt hơn nữa… Nhưng cuộc sống không thể dừng lại, mọi sự không thể ở trạng thái ngưng nghỉ, đình trệ, đóng băng mãi. Các em nhỏ rồi cũng sẽ phải trở lại trường, sinh viên phải trở lại với giảng đường, công nhân phải tới nhà máy, công nhân viên chức sẽ phải chuyên chú hơn tới công việc công sở của mình… Đặc biệt các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sẽ phải tìm cách khắc phục… hay nói cách khác là phải tìm mọi cách ngăn suy giảm kinh tế, ổn định dần tình hình. Nếu không, chỉ trong thời gian rất ngắn nữa thôi, những hệ lụy do dịch Covid-19 để lại sẽ còn nặng nề hơn nữa, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phá sản, có thêm nhiều người lao động mất việc… Như vậy, rõ ràng tới thời điểm này, cùng với việc tiếp tục phải duy trì phòng dịch vừa phải lo khởi động lại làm ăn, kinh doanh vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra và tồi tệ hơn là khủng hoảng, suy giảm kinh tế xảy ra. Cả hai nhiệm vụ đều quan trọng, đều cấp bách và phải “chớp cơ hội vàng” để thực hiện ngay. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là “nhiệm vụ kép”.
Tất nhiên, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” ấy trong thời điểm này là không hề dễ dàng. Rất nhiều nguồn lực lớn đã, đang và sẽ phải đổ xuống cho công cuộc chống dịch. Nhưng phải thắng thắn với nhau rằng nếu chần chừ, nếu không quyết liệt, không tìm mọi giải pháp, một khi khủng hoảng kinh tế đã xảy ra, trên cái nền của một nền kinh tế - xã hội đã bị suy giảm nặng nề bởi dịch bệnh, thì việc khắc phục sẽ rất, rất khó khăn và mất rất, rất nhiều thời gian. Thế nên, việc cấp bách nhất lúc này là khởi động việc thực thi “nhiệm vụ kép” càng sớm càng tốt, “bó gối” chờ hết dịch thì nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “thời gian vàng” sẽ bị chúng ta bỏ qua, dịch bệnh và cả suy thoái kinh tế sẽ hạ kock-out chúng ta.
3. Tác giả Chin – Ning – Chu - một chuyên gia về tư duy kinh doanh - trong cuốn “Mặt dày tâm đen” từng viết: Con người giống như lò xo, nếu không bị nén lại thì khó mà có sức bật. Qua mỗi lần như vậy mình lớn lên một chút. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ và “hành động khó khăn gấp đôi thì cần phải cố gắng gấp ba”.
Với tinh thần nói là làm, “tham chiến” mạnh mẽ, vượt khó trong đại dịch, ngay trong những ngày bộn bề công việc chỉ đạo chống dịch, Thủ tướng đã gọi điện động viên cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng, đề nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yêu cầu các bộ, ngành cấp bách tham mưu chính sách.
Thủ tướng cũng đã có cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân vào ngày 12/3 nhằm lắng nghe những sáng kiến, hiến kế của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh đại dịch, đồng thời chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp. Tại đây, Thủ tướng đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể về nhiều mặt. Về thể chế, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn; Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển. Chính phủ cũng cam kết sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn - hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19… Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn… Thủ tướng cũng đã có những gợi ý rất cụ thể như đón bắt thời cơ rất nhanh khi một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh; Các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận; tìm kiếm, mở rộng thị trường mới nói cách khác là “tăng đề kháng, rèn luyện sức khỏe” cho chính doanh nghiệp…
Trong nguy có cơ, trong khó khăn bao giờ cũng le lói cơ hội, Covid-19 là đại dịch, thảm họa toàn cầu nhưng cũng là dịp chúng ta biết phải làm gì để thích ứng và vượt qua khó khăn. Lúc này đây, thiết nghĩ quan trọng nhất là tâm thế, là bản lĩnh, là trách nhiệm, là trí tuệ, là nghị lực, sức sáng tạo, chủ động, linh hoạt và trên hết là sự đồng tâm, đồng thuận, cùng chia sẻ, cùng góp sức của mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp và đặc biệt là niềm tin. Niềm tin vào các nỗ lực và quyết sách của Chính phủ, niềm tin Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh, niềm tin rằng đại dịch này, nhất định rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua.