Giảm cân hôm nay

Thon thả với 6 loại củ quen thuộc nhất

Không chỉ là những nguyên liệu, gia vị cho nhiều món ăn hấp dẫn hàng ngày, các loại củ còn có tác dụng giảm cân hiệu quả.

1. Khoai lang

Tác dụng: Các chuyên gia dinh dưỡng đã gọi khoai lang là loại “thực phẩm cân bằng dinh dưỡng nhất”. Bởi khoai lang chứa nhiều vitamin A, B, C, E, protein, các axit amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khoẻ cơ thể như: canxi, kẽm, sắt, magie…

Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây. Loại củ này không chứa chất béo và cholesterol, ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể. Khoai lang còn chứa các thành phần không dễ bị phân huỷ trong các dung môi hữu cơ vì vậy nhanh tạo cảm giác no bụng.

Cách dùng: Bạn có thể chế biến khoai lang theo phương pháp nấu, luộc, nướng... đều được.

Ăn khoai lang trước bữa ăn chính sẽ làm bạn giảm được một lượng lớn thức ăn sẽ đưa vào cơ thể mà không hề gây ra cảm giác đói.

Nên ăn khoai lang vào bữa trưa vì lúc này khả năng hấp thụ calci và các nguyên tố vi lượng khác của cơ thể ở mức cao nhất.

Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải (100g/ngày) rất có lợi cho hệ tiêu hoá và ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Lưu ý: Ăn quá nhiều khoai lang sẽ gây ra đầy bụng, khó tiêu.

2. Khoai tây

Tác dụng: Khoai tây chứa lượng chất xơ gấp 5,5 lần so với chuối, có lượng vitamin C cao gấp 3 lần bơ và chứa khoáng chất selen nhiều hơn các loại hạt. Bên cạnh đó, khoai tây giàu tinh bột, carbohydrate phức, kali, vitamin B6, B3 và sắt.. rất tốt cho việc giảm cân.

Khoai tây chỉ chứa 0,1% chất béo, là một trong những thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp nhất.

Cách dùng: Lượng dinh dưỡng có trong vỏ khoai tây rất phong phú, bởi vậy khi gọt vỏ khoai tây chú ý gọt càng mỏng càng tốt.

Đối với những người ăn kiêng, cách tốt nhất là ăn khoai tây luộc, giữ nguyên lớp vỏ để giữ được nhiều vitamin. Khoai tây càng nấu lâu càng phát sinh nhiều lượng béo và giảm lượng cung cấp năng lượng

Lưu ý: Không nên ăn khoai tây mọc mầm, rất có hại cho sức khỏe.

3. Khoai môn

Tác dụng: Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cứ một chén khoai môn luộc (132g) cung cấp 187 calo và chứa lượng chất béo chỉ khoảng 0,1g. Đặc tính nổi trội của khoai môn là giàu chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm cholesterol.

Ngoài vitamin, chất xơ... khoai môn còn chứa rất nhiều khoáng chất như magnesium, phosphorus, potassium (kali). Chất magnesium giúp chuyển hóa mỡ, chất béo, protein, tăng cường miễn dịch bên cạnh việc hỗ trợ những hoạt động chức năng của tế bào.

Cách dùng: Khoai môn có thể dùng nấu canh, kho, chiên và còn được dùng làm bánh, nấu chè, sinh tố.

Lưu ý: Khi chế biến khoai môn, không nên gọt vỏ khoai quá dày vì sẽ làm mất đi lớp protein quý nằm ở sát lớp vỏ của củ.

Khi gọt vỏ khoai môn không nên để tay không mà nhớ đeo găng tay để tránh tay bị ngứa. Nếu bị ngứa, hãy ngâm tay trong nước có pha giấm khoảng 2 phút, tay sẽ hết ngứa.

4. Củ đậu (củ sắn nước)

Tác dụng: Củ đậu có chứa tinh bột 2,4%, 4,51% đường glucoza, 86-90% nước và một ít protein (1,46%) nhưng không có các chất béo vì thế giúp giảm cân hữu hiệu.

Cách dùng: Ngoài việc ăn sống, người ta còn dùng củ đậu trong chế biến các món ăn thường ngày như xào với tôm thịt, nấu canh, hầm, salad... vừa mát, vừa bổ.

Lưu ý: Không nên ăn những củ đậu mốc, thối hỏng… vì chúng dễ gây độc.

5. Cà rốt

Tác dụng: Cà rốt chứa hơn 10 loại chất dinh dưỡng như vitamin B1, B2, C, D, E, K và canxi, chất xơ…. giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng một cách toàn diện.

Cà rốt lại chứa nhiều chất xơ thực vật, giúp nâng cao trao đổi chất của cơ thể, đạt được mục đích giảm béo. Không những có thể ức chế cảm giác thèm ăn đồ ngọt và thực vật nhiều chất béo, còn có thể chống cảm, tăng cường thị lực.

Cách dùng: Chọn mua những củ cà rốt có màu tươi sáng, cứng chắc, thẳng và trơn láng. Cà rốt có màu cam càng đậm thì càng chứa nhiều beta carotene. Những củ cà rốt nhỏ, non thường mềm và vị dịu nhưng cà rốt chín lại thường ngọt, chắc và đầy đủ hương vị hơn.

Cần cắt bỏ cành lá càng sớm càng tốt vì chúng sẽ rút đi vitamin, muối khoáng và nước từ phần củ. Ngoài ra khi chế biến, cần phải cắt bỏ luôn đầu kia và gọt vỏ.

Lưu ý: Cà rốt sẽ bị mềm khi để ngoài không khí. Nếu bị mềm, có thể làm cứng lại bằng cách ngâm vào một tô nước đá.

6. Củ cải

Tác dụng: Củ cải chứa rất nhiều vitamin C, B6 và kali giúp cơ thể khỏe mạnh và trẻ trung. Củ cải còn giúp làm đầy dạ dày và thỏa mãn cơn đói một cách nhanh chóng.

Cách dùng: Chọn những củ cải trắng, tươi, vỏ nhẵn, dáng củ thon dần về phía phần đuôi.

Để củ cải ở nơi mát, ẩm, có thể xếp cạnh các chum, vại nước hoặc buộc kín trong túi nilon, bảo quản trong tủ lạnh vài ngày.

Lưu ý: Không nên trộn lẫn cà rốt với củ cải. Bởi vì, trong cà rốt có chứa enzyme có thể phá hủy vitamin C. Do đó, lượng vitamin C trong củ cải cũng sẽ bị phá hủy hoàn toàn khi ăn kèm với cà rốt.

An Bình

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/giam-beo/thon-tha-voi-6-loai-cu-quen-thuoc-nhat-15644/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY