Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2875/VP-KT, đề nghị sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng.

Ảnh minh họa

Công văn nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội nhận được Báo cáo số 97/BC-SNN, ngày 27-3-2020, của Sở NN&PTNT Hà Nội về kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Trong đó cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra các ổ dịch lở mồm long móng gia súc. Tuy nhiên, các ổ dịch xảy ra mang tính chất nhỏ lẻ, đều được phát hiện kịp thời, khoanh vùng, xử lý, tiêm phòng bao vây nên dịch không lây lan rộng.

Để từng bước khống chế và tiến tới thanh toán bệnh lở mồm long móng trong giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT đã đề xuất nhiều giải pháp phòng chống. Trong đó, đẩy mạnh tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, ý thức phòng chống bệnh cho cộng đồng. Tập huấn quy trình kỹ thuật tiêm phòng cho toàn bộ hệ thống thú y cơ sở. Quy định việc quản lý, cấp phát và bảo quản vắc xin. Ngoài các đợt tiêm phòng đại trà, hằng tháng, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số gia súc, gia cầm mới nhập đàn, mới phát sinh. Sau các đợt tiêm phòng đại trà lấy huyết thanh kiểm tra, có đánh giá tỷ lệ bảo hộ để rút kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo tiêm phòng và định kỳ thanh tra, kiểm tra việc quản lý vật tư vắc xin, số liệu tiêm phòng tại cơ sở.

Sau các đợt tiêm phòng đại trà chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai lấy huyết thanh kiểm tra, đánh giá tỷ lệ bảo hộ để rút kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo tiêm phòng và định kỳ thanh tra, kiểm tra việc quản lý vật tư vắc xin, số liệu tiêm phòng tại cơ sở. Ngoài việc giám sát lâm sàng, lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút theo các chương trình của Cục, Viện Thú y, các chương trình dự án (nếu có) và của thành phố. Về quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ.

Cùng với đó, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch liên ngành tại các trục giao thông, chợ đầu mối với 03 lực lượng thú y, quản lý thị trường và công an giao thông thường trực 24/24 giờ; đồng thời, cùng với các lực lượng chức năng của thành phố, các quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Song song với công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, Sở NN&PTNT cũng đề xuất các giải pháp quản lý hành chính, đồng thời đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành và người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trong công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc…

Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của Trung ương và thành phố; kịp thời tham mưu, báo cáo UBND thành phố theo quy định nội dung vượt thẩm quyền…

TQ

Mạng Y Tế
Nguồn: Pháp luật xã hội (https://phapluatxahoi.vn/tiep-tuc-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-benh-lo-mom-long-mong-gia-suc-187846.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY